Phương Đông, phương Tây và đại dịch Covid-19

Ngô Huy Tâm Thứ tư, ngày 18/03/2020 09:33 AM (GMT+7)
Chưa bao giờ người dân phương Tây muốn chấp nhận sự thật rằng chiếc khẩu trang mà người Châu Á hay dùng lại có thể cứu vãn sức khỏe, thậm chí cứu mạng họ, như bây giờ. Chưa bao giờ những khác biệt giữa phương Đông và phương Tây về thể chế, chinh trị, văn hóa lại tỏ ra có hiệu quả để ứng phó vơi khủng hoảng như chúng ta đang thấy.
Bình luận 0

Những dấu hỏi Châu Âu

Sau Vũ Hán, Châu Âu, đặc biệt là Italy, đang trở thành tâm dịch mới của thế giới. Trước tình hình hiện tại, có lẽ nhiều người sẽ đặt câu hỏi tại sao một Liên minh với gần 30 năm hình thành và phát triển, tập hợp của những nền kinh tế lớn hàng đầu thế giới, lại trở thành tâm dịch lớn thứ 2 toàn cầu?

Châu Âu, nơi tôi đến từ nhỏ và quay lại nhiều lần sau này, luôn khiến tôi ấn tượng với sự lịch thiệp của người dân, với Hiệp ước Schengen năm 1993 cho phép công dân nội khối đi lại tự do, còn người ngoại quốc thì chỉ cần có visa của một nước trong khối đó.

Vậy mà, những điều tuyệt vời trên, trong bối cảnh bệnh dịch hiện tại, hóa ra lại là một trong những nguyên nhân khiến Covid-19 lây lan nhanh và mạnh ở châu Âu. Mọi người ôm, hôn như cách chào hỏi thân mật, đồng thời lại được tự do đi lại du lịch qua các nước đã làm gia tăng nguy cơ lây nhiễm và tạo nên khó khăn trong việc kiểm soát ở “thời điểm vàng” khi dịch bệnh chưa bùng phát.  

Xét về yếu tố chính trị và văn hóa lãnh đạo tại châu Âu, đây là một thực thể kinh tế, chính trị đặc thù, các quyết định, chính sách của EU chủ yếu được thông qua theo hình thức đồng thuận từ các quốc gia thành viên.  Hệ thống ứng phó với khủng hoảng tích hợp của EU được kích hoạt vào ngày 28/1/2020 – thời điểm khá sớm khi dịch Covid-19 chưa bùng nổ. Hệ thống ứng phó này đòi hỏi sự cộng tác, phối hơp và chia sẻ thông tin kịp thời giữa các quốc gia EU để có thể đưa ra chính sách và quyết định chung phù hợp.

Tuy nhiên, nhiều quốc gia thành viên đã không chia sẻ đủ thông tin với nhau và với bản thân Liên minh Châu Âu. Sự hợp tác lỏng lẻo đã tạo nên sự không thống nhất ngay nội tại khối. Theo đánh giá của chuyên gia, Italy khi rơi vào tình trạng đóng cửa toàn bộ biên giới và kêu gọi trợ giúp từ EU, thì phản ứng của EU cũng như các quốc gia đồng minh khá chậm trễ, thậm chí phớt lờ.

Bên cạnh đó, văn hóa tự do, dân chủ (liberal) đặc trưng của nhiều quốc gia châu Âu góp phần khiến bệnh dịch lây lan nhanh hơn. Lối sống tự do và đề cao chủ nghĩa cá nhân, trong bối cảnh bệnh dịch, lại là một trong những yếu tố khiến công tác kiểm soát dịch bệnh khó khăn hơn đối với chính phủ, khi mà người dân ở nhiều nước châu Âu có tâm lý chủ quan, coi nhẹ việc cách ly hoặc đeo khẩu trang.

Tại Anh, việc đề cao sự tôn trọng quyền tự do cá nhân khiến việc điều tra dịch tễ, điều tra lịch sử đi lại của công dân là một trở ngại. Ở góc độ quốc gia, việc đóng cửa các địa điểm công cộng tụ tập động người cũng diễn ra khá muộn khi bệnh dịch đã kịp lây lan ngầm trong cộng đồng.

Mỹ - thành trì bị xuyên thủng

Mỹ - quốc gia hùng mạnh về cả kinh tế và y tế, cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi với công tác phòng chống dịch của nước này. Mỹ là nơi tôi lớn lên, nơi tôi học tập và trưởng thành. Đặc biệt thành phố New York vốn gắn bó như quê hương thứ hai, bây giờ đã trở thành tâm dịch tại Mỹ.

Thời gian sống, học tập và làm việc ở Mỹ giúp tôi không chỉ hiểu về thể chế, mà còn cả con người của quốc gia này. Người dân đặt lòng tin vào chính phủ mà họ bầu chọn, họ tin rằng chính phủ sẽ đem đến cho họ một cuộc sống an ninh, an toàn và hạnh phúc. Không phải đến tận bây giờ khi xuất hiện dịch Covid-19, mà từ sau chiến tranh thế giới thứ 2, khi nước Mỹ vươn lên thành cường quốc số 1 thế giới, người Mỹ luôn cho rằng những dịch bệnh truyền nhiễm quy mô có lớn đến mấy, như Ebola, HIV… cũng không thể vươn đến Mỹ, vốn tách biệt với thế giới bởi Đại Tây Đương và Thái Bình Dương. Sự an tâm đó là một thành trì trong tư tưởng người dân.

Thậm chí, trước khi xảy ra sự kiện 11/9, không một người dân Mỹ nào có thể tưởng tượng được 2 tòa tháp tượng trưng cho sự thịnh vượng, phát triển của quốc gia bị sụp đổ. Tôi vẫn ở New York năm 2001, và tôi không thể nào quên phản ứng của những người dân New York ở thời điểm lịch sử 9/11 đó, trước khi họ chấp nhận sự thật là khủng bố đã đặt chân đến Hoa Kỳ, trong một khoảnh khắc mà cả thành phố tĩnh lặng, không một ai tin là thành trì của mình đã bị xuyên thủng.

img

Lối vào một ga tàu điện ngầm ở New York. Nhiều người vẫn không muốn sử dụng khẩu trang. Ảnh: EPA.

Tuy nhiên, dòng di chuyển quốc tế của dịch bệnh không thể chỉ được chặn bởi một bức tường hay đường biên. Quốc gia này tỏ ra thiếu sự chuẩn bị cần thiết cho đại dịch Covid-19 bới những khía cạnh: chính trị và văn hóa lãnh đạo.

Theo dõi tin tức thời sự gần đây, tôi nhận thấy chính yếu tố chính trị của Mỹ hiện tại cũng góp phần làm nên sự chậm trễ trong ứng phó với dịch bệnh. Tam quyền phân lập tại Mỹ trong bối cảnh chính quyền của Tổng Thống Trump có mâu thuẫn sâu sắc với Hạ Viện được nắm đa số bởi Đảng Dân Chủ cũng là một yếu tố khiến các nỗ lực lãnh đạo gặp khó trong tình thế phải phản ứng nhanh với tình trạng khẩn cấp.

Đối với dịch Covid-19, các cơ quan Liên bang chịu trách nhiệm như Bộ Y tế, Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh (CDC), Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) và chính quyền Liên bang chưa tìm được tiếng nói chung, thậm chí đổ lỗi cho nhau.

Hệ quả tất yếu là các phòng thí nghiệm không được cấp phép thử virus kịp thời dẫn đến không đủ khả năng xét nghiệm diện rộng cho người dân khi bắt đầu bùng dịch. Bác tôi làm bác sĩ bên Mỹ, gọi điện về báo tình hình rằng, thậm chí chính các cơ quan như Bộ Y tế hay CDC cũng không thể nắm chắc được con số bởi dịch bệnh đã lây lan ngầm trong một thời gian dài, mà chính quyền lại không hành động kịp thời. Tôi buồn vì không còn nhìn thấy một nước Mỹ mà tôi từng biết.

Bên cạnh đó, văn hóa lãnh đạo, cụ thể là chính quyền của Tổng thống Trump, cũng tỏ ra lúng túng trong việc ứng phó với dịch bệnh. Liên tiếp các phát biểu của Tổng thống về dịch bệnh, không có cơ sở khoa học, tại các sự kiện chính thức của chính quyền, làm lan rộng hơn hoang mang trong công chúng. Nhiều nhà quan sát cho rằng, dịch bệnh khẩn cấp đã phơi bày ra nhiều điểm yếu của chính quyền Tổng Thống Donald Trump.

Lòng tin và sự đoàn kết

Trong khi đó, ở Việt Nam, người dân đang đặt lòng tin vào những bước đi kịp thời, đúng đắn và quyết liệt của Chính phủ. Cho đến nay, số ca nhiễm bệnh vẫn đang nằm trong mức an toàn, và rất thấp so với nhiều quốc gia khác, chúng ta cũng chưa có ca tử vong nào.   

Việt Nam ta còn nghiên cứu thành công và có thể tự sản xuất được kit test hiệu quả, chính xác và nhanh chóng. Một số người bạn của tôi ở Việt Nam đang công tác trong ngành dịch tễ, y tế. Vào những ngày cả nước cùng đồng lòng chống dịch, họ đều làm việc không ngơi nghỉ. Công việc đầy áp lực và trách nhiệm nặng nề, vì vậy mới đảm bảo được sự an toàn cho người dân cả nước.

Nhìn rộng ra, tôi thấy Việt Nam và các nước Đông Á như Trung Quốc, Hàn Quốc có nhiều điểm tương đồng trong phương pháp phòng chống dịch. Điều này cũng dễ hiểu, vì chúng ta có nhiều điểm chung trong văn hóa, lối sống, phong tục và đặc biệt là cách tư duy vấn đề. Trung Quốc đến thời điểm này cơ bản đã khống chế được dịch. Tình hình tại Hàn Quốc cũng đã tương đối ổn định.

Có lẽ sự khác biệt lớn nhất giữa các nước châu Á và châu Âu nằm ở cách tiếp cận phòng chống dịch của cả người dân và chính phủ. Trong khi các khối Tây Âu bắt đầu phòng dịch theo hướng tiếp cận “cơ quan đơn lẻ”, chỉ dùng Bộ Y tế, thì tại Châu Á, các quốc gia sử dụng cách tiếp cận “toàn chính phủ”. Đặc biệt, Việt Nam đã sử dụng đến cách tiếp cận cao nhất: Toàn bộ hệ thống chính trị, toàn Đảng, toàn dân.

Đặc điểm thể chế chính trị tâp trung về một đầu mối lãnh đạo cũng là một yếu tố giúp cho việc phòng chống dịch bệnh trở nên thống nhất, xuyên suốt và dễ triển khai hơn. Trong đó, chính phủ tập trung mọi cơ quan liên quan để có thể chuẩn bị sẵn sàng.

Ngược lại, các nước Phương Tây, với tinh thần tự do và chủ nghĩa cá nhân cao, dường như chưa coi trọng những thông tin bệnh dịch.Họ vẫn tụ tập ở các địa điểm công cộng đông người, nói không với việc đeo khẩu trang. Việc cách ly hay cách ly tập trung, trong suy nghĩ của người dân Phương Tây, cũng là điều họ không hề muốn thực hiện.

Có lẽ, những người ở Phương Tây không thể mường tượng được những gì họ vốn cho chỉ là vấn đề của Phương Đông lại ảnh hưởng đến họ trực tiếp, mạnh, và nhanh đến vậy.

Với tư cách là một công dân, tôi thấy yên tâm khi hàng ngày các cơ quan báo đài luôn đưa thông tin về tình hình bệnh dịch trong nước và thế giới một cách minh bạch và chính xác. Ngày nào Bộ Y tế cũng gửi tin nhắn đến từng người dân để nâng cao nhận thức và kiến thức về dịch bệnh. Người Việt ở nước ngoài  được Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ đón về quê hương để họ thấy được an toàn.

Mỗi quốc gia có cách thức phòng chống dịch bệnh riêng. Trong khi các nước có thể hợp tác với nhau để chống dịch, thì chúng ta cũng tôn trọng sự lựa chọn tiếp cận của quốc gia khác. Tuy nhiên, đến thời điểm này, việc cách ly khoanh vùng triệt để của Việt Nam đã đem lại hiệu quả trong giai đoạn đầu của cuộc chiến – như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã khẳng định và được WHO cùng nhiều nước khác đánh giá cao,  tạo được sự đồng thuận, niềm tin của người dân.  

Có thể nói, tinh thần đoàn kết toàn dân tộc mỗi khi đất nước găp khó khăn, thiên tai hay địch họa thể hiện rõ nét nhất trong thời điểm này, đó là sức mạnh để đất nước đương đầu, và phục hồi, qua đại dịch. 

Tác giả: Ngô Huy Tâm

Công việc: Thầy giáo

Chủ nhiệm Chương trình Hợp tác Quốc tế tại Dự án Trường phổ thông liên cấp Phenikaa

Từng học tập, sinh sống và làm việc tại New York và Houston (Mỹ)

Có thời gian giảng dạy tại Học viện Ngoại giao

Đang nghiên cứu các lĩnh vực giáo dục cùng Trường Giáo dục sau Đại học Harvard

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem