Chuyện UBND tỉnh Đắk Nông, một trong những tỉnh nghèo nhất của cả nước, vừa có văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ xin hỗ trợ 900 tỷ đồng để xây dựng một quảng trường tại trung tâm thị xã Gia Nghĩa đang gây xôn xao dư luận.
Nhiều ý kiến chẳng hề ngần ngại khi cho rằng quá sốc và quá sức tưởng tượng trước con số gần nghìn tỷ đồng này hay ví von “nhà nghèo lại thích chơi sang”.
Đứng ở góc độ nào đó có thể thấy sự phản ứng của một bộ phận dư luận là điều dễ hiểu, song nếu có đủ độ lùi thời gian cộng với cái nhìn chia sẻ hơn với thực tế tại địa phương, tin chắc chúng ta sẽ bình tâm hơn khi phán xét
Cách đây chừng hơn 2 năm, người viết có chuyến công tác tại mấy tỉnh Tây Nguyên và có đến thị xã Gia Nghĩa.
Là một tỉnh “sinh sau đẻ muộn” với xuất phát điểm rất thấp về cơ sở hạ tầng nên sau hơn thập niên thành lập tỉnh, trung tâm của tỉnh lỵ này chưa có bước chuyển mình được bao nhiêu.
Nếu được phép làm so sánh thì “dáng vóc” thị xã Gia Nghĩa còn thua kém nhiều lắm đối với những thị xã tầm tầm hạng trung ở một số tỉnh phía Bắc.
Thị xã Gia Nghĩa về đêm.
Chỉ 7h giờ tối, thị xã đã vắng hoe người.
Những điểm của cái gọi là “vui chơi, giải trí” ở đây thật sự rất lèo tèo.
Anh bạn người địa phương đi cùng bảo tôi: “về khách sạn thôi, cả thị xã không có nơi nào để đi nữa đâu”.
Đúng như ông Nguyễn Bốn - Chủ tịch UBND tỉnh này nói rất thật: “Gia Nghĩa là thị xã đi lên từ một huyện nghèo nên cơ sở hạ tầng rất hạn chế. Hiện, cả thị xã không có nơi nào để vui chơi, khi có lễ hội hay mít tinh cũng không có chỗ nào để tổ chức”.
Dịch thêm ra, bộ mặt của thị xã Gia Nghĩa còn ảm đạm lắm, theo đúng nghĩa từ này.
Tuy nhiên, với những thông tin đó đã đủ thuyết phục chưa, cá nhân người viết thấy rất rõ là đang còn nhiều vấn đề.
Ủng hộ ư, không! Phê phán ngay lập tức, cũng không!
Còn lại là cái gì? Xin thưa, cần phải hợp tình, hợp lý.
Ai cũng biết cần phải (hoặc nên) đầu tư xây dựng cơ sở nhằm tạo nên một điểm nhấn quan trọng cho bộ mặt thị xã.
Đó là nơi tụ hội để lan tỏa những giá trị văn hóa tinh thần cho cộng đồng dân cư và du khách.
Môi hình tượng đài N’Trang Lơng và phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc 1912- 1936 tại đồi Đắk Nur, phường Nghĩa Đức (thị xã Gia Nghĩa).
Hơn nữa, nếu làm tốt gần như nó sẽ trở thành biểu tượng mà khi nhìn vào nhiều người sẽ nhận ra, đích thị đó là thị xã, không lâu sau là thành phố Gia nghĩa. Chắc chắn không ai phản đối.
Vậy nhưng với số tiền đó (900 tỷ đồng) đề xuất thời điểm này liệu có chấp nhận được không? Lại một lần nữa là không!
Bởi lẽ đề xuất này đưa ra trong bối cảnh cả nước phải hứng chịu nhiều đợt thiên tai, bão lũ khiến không ít gia đình bơ vơ, gánh chịu những nỗi mất mát to lớn.
Nhiều vị Đại biểu Quốc hội đang vô cùng lo lắng về đảm bảo nguồn ngân sách quốc gia. Vì thế thiển nghĩ rằng, liệu UBND tỉnh Đắc Nông đã suy nghĩ kỹ về thời gian đề xuất?
Thêm nữa, nhiều năm trở lại đây dư luận luôn bức xúc trước việc địa phương này, địa phương khác cố tình hoặc vô tình muốn làm những dự án lớn để tạo nên “thương hiệu” cho tỉnh nhà, để rồi vỗ ngực là "tạo dấu ấn" cho thế hệ sau.
Cũng từ dư luận, người ta giải thích theo kiểu dân gian, rằng “ông” chẳng có ý gì tốt đẹp đâu chẳng qua vì “tư duy nhiệm kỳ” nên mới vống lên như vậy.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm quy mô dự án, tính đến cụ thể từng hạng mục công trình thì có phải cần đến ngần ấy tiền không?
Ai có trách mắng việc đề xuất của UBND tỉnh Đắc Nông thì xin hãy đến thị xã Gia Nghĩa một lần.
Và ai có trách, bức xúc với số tiền đề nghị Chính phủ của tỉnh này thì hãy xin lời tư vấn. Chớ nên “khoan vội bực mình”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.