Có rất nhiều quy định nhưng dư luận quan tâm nhiều nhất là mức độ xử lý khi sinh viên hoạt động mại dâm. Theo dự thảo này, nếu sinh viên hoạt động mại dâm lần 1 sẽ bị khiển trách, lần 2 kỷ luật cảnh cáo, lần 3 đình chỉ có thời hạn và lần 4 là buộc thôi học. Đọc quy định này, nhiều người muốn kêu trời bởi vì sao giờ đây môi trường sư phạm lại xuống dốc không phanh đến thế?
Dự thảo này của ngành giáo dục trước hết cho thấy trình độ hiểu biết pháp luật của những người soạn thảo rất có vấn đề. Bởi những người xây dựng dự thảo này đã không biết rằng, bán dâm một lần đã là vi phạm. Theo Pháp lệnh phòng chống mại dâm 2003 thì hành vi mua dâm, bán dâm bị nghiêm cấm dưới mọi hình thức. Vì thế, hành vi bán dâm “tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính, bị áp dụng biện pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn hoặc đưa vào cơ sở chữa bệnh". Như vậy, không hiểu ngành giáo dục căn cứ vào đâu để lựa chọn con số 4 lần vi phạm mới xử lý kiên quyết mà không phải là 1, 2 hay 3?
Dự thảo có quy định sinh viên CĐ, TC sư phạm bán dâm 4 lần sẽ bị đuổi học.
Việc ngành giáo dục quy định đến 4 lần bán dâm mới bị đuổi học khiến người ta không khỏi băn khoăn về môi trường sư phạm. Không lẽ tệ nạn bán dâm trong sinh viên phổ biến đến nỗi giờ đây các thầy cô phải “nương tay” đến thế hay sao, khi cách đây 11 năm, quy định thời Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thiện Nhân, học sinh sinh viên có hoạt động mại dâm lần đầu tiên cũng đã bị đình chỉ 1 năm học, hoạt động lần thứ 2 thì bị đuổi học.
Lại nữa, với quy định này, mặc nhiên có thể hiểu rằng sinh viên được phép hoạt động mại dâm nếu không bị bắt quả tang 4 lần! Không lẽ giờ đây, việc bán dâm của sinh viên đã được coi như một điều bình thường trong học đường?
Theo dự thảo quy định, dù có 3 lần bị bắt quả tang bán dâm, các nữ sinh vẫn được coi là “trong sạch”, ngang với các bạn nữ sinh nghiêm túc khác! Tôi giật mình chợt nghĩ, nếu có nữ sinh sư phạm nào đó dù đã 3 lần bị bắt quả tang về tội bán dâm rồi vẫn tốt nghiệp và đàng hoàng trở thành một giáo viên, thì môi trường giáo dục sẽ vẩn đục ra sao? Những người từng bị bắt quả tang bán dâm dưới 4 lần kia vẫn sẽ rao giảng đạo đức cho thế hệ sau, dĩ nhiên, một cách dối trá, khi chính họ đâu thể là tấm gương đạo đức cho các em học sinh noi theo! Hay họ sẽ dạy cho các nữ sinh rằng bán dâm không có gì là xấu khi theo quy định của chính Bộ GDĐT, thì dưới 4 lần vẫn được “cho phép”?
Và khi học sinh biết sự thật về những người giáo viên từng bán dâm, thì liệu có em nào tin vào lời giảng của cô? Trái lại, tôi tin, chắc chắn nhiều học sinh sẽ không giấu thái độ khinh miệt giáo viên. Và họ có quyền làm điều đó. Khi ấy, môi trường giáo dục sẽ vô cùng bát nháo và hậu quả trong sự nghiệp “trồng người” là khôn lường khi các chuẩn mực bị phá vỡ, các nguyên tắc đạo đức bị đảo lộn.
Việc ngành giáo dục quy định 4 lần bán dâm mới bị đuổi học cho thấy vấn đề đạo đức của sinh viên đã rất bị coi nhẹ. Bên cạnh đó, quy định này còn là sự xúc phạm không hề nhẹ các nữ sinh có truyền thống đạo đức, nền nếp, coi trọng việc giữ gìn hình ảnh trong sáng của phụ nữ Việt Nam. Tôi vốn là cựu sinh viên sư phạm đã nhiều năm, và thấy đau lòng vì quy định kỳ lạ này.
Dự thảo được đưa lên trang web của Bộ GDĐT để lấy ý kiến đóng góp, sau đó bị gỡ bỏ.
Nhiều người cũng cho rằng, quy định về việc bán dâm dưới 4 lần không bị đuổi học thực ra là quan điểm có tính… “xuyên suốt” của Bộ GDĐT. Bởi năm ngoái, trên diễn đàn Quốc hội, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ thản nhiên giải thích với Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và cả nghị trường về việc điều giáo viên đi tiếp rượu là bình thường và mang tính… vui vẻ, khiến người đứng đầu Quốc hội không giấu nổi sự bực tức vì cảm thấy giới nữ bị xúc phạm nghiêm trọng. Câu chuyện “thầy” Sầm Đức Xương ở Hà Giang coi các nữ sinh như những “đồ chơi” trong tay cũng là một minh chứng “nho nhỏ” cho quan niệm bán dâm 3 lần vẫn là… bình thường của Bộ “Dục”?
Trước sự phản ứng gay gắt của dư luận, Thứ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Thị Nghĩa lên tiếng giải thích đó chỉ là “do Ban soạn thảo đã sơ suất chưa cập nhật dự thảo phù hợp nhất về công tác sinh viên của các trường sư phạm”. Nhưng quan điểm này không thuyết phục được ai. Bởi so với quy định năm 2007, quy định lần này có sự sửa chữa rõ ràng từ lần thứ 2 bị đuổi học thành lần thứ 4. Thậm chí, việc giải thích chỉ càng tố cáo Bộ GDĐT không thực sự cầu thị và trung thực với “bài” đổ lỗi cho “thằng đánh máy” đã quá quen thuộc đến nhàm chán, vốn chỉ dành cho những người thiếu cả bản lĩnh lẫn lòng tự trọng.
Vả lại, nếu cho rằng, cái sai chỉ là do sơ suất ở sự cập nhật dự thảo như Thứ trưởng Nghĩa nói, thì nó cũng đủ chứng minh cách làm việc rất cẩu thả ở Bộ này. Một quy định lớn, tác động đến hàng chục ngàn sinh viên trên phạm vi cả nước, trong thời gian lâu dài, mà có thể được tiến hành như một trò đùa vậy sao?
Quy định bất thường của Bộ GDĐT khiến tôi cũng như rất nhiều người muốn đặt ra câu hỏi: Đó là sự coi nhẹ đạo đức trong môi trường sư phạm hay sự dốt nát đã có cơ hội phơi bày?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.