Trong khi các tỉnh trung Trung bộ đang khốn khổ vì lũ, người dân TPHCM cũng mất ăn mất ngủ vì vỡ đê, thì ở đồng bằng sông Cửu Long, cơn lũ mà người dân mong chờ vẫn không về. Cuộc sống bên những dòng sông của người dân Việt Nam chưa bao giờ bất định đến thế.
Hiện lượng phù sa từ sông Mekong đổ về miền Tây hàng năm đã sụt giảm 50% . Ảnh: Cửu Long/VnExpress
Những dòng sông vốn được sinh ra từ muôn vàn dòng chảy nhỏ trên những núi đồi mà nó đi qua để lớn lên trên đường xuôi về biển. Mỗi dòng sông có những thuộc tính, những nguồn lợi, và cả những hiểm họa khác nhau. Sống, bên những dòng sông, con người buộc phải thích nghi, quen thuộc tính khí của các dòng sông, buộc phải tich lũy những kinh nghiệm, kỹ năng để hưởng lợi đồng thời tồn tại một cách an toàn. Hay nói cách khác, họ buộc phải hiểu rõ quy trình vận hành của những dòng sông.
Những cư dân ngàn đời ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thuộc rõ quy trình của dòng sông mỗi mùa thu nước nổi. Những thôn dân hạ lưu sông Ngàn Phố, Ngàn Sâu cha truyền con nối không quên câu tháng 10 nước lớn.
Người có đời người, sông mang đời sông, cuộc sống của những dòng sông cũng biến đổi như cuộc đời con người. Sự biến đổi của tự nhiên là một quá trình, dẫu không phải bao giờ con người cũng có thể lường trước được hết sự bất thường của nó, song về cơ bản thì quá trình đó đủ để con người có thể thích nghi và thay đổi theo. Ngoại trừ, chính những dòng sông cũng không lường được những sự đổi thay với số phận của mình.
Những dòng sông đã không còn lớn lên một cách tự nhiên khi núi đồi trơ trọi, những dòng suối nuôi sông khi cạn khô phơi sỏi, khi cuồng nộ không thể kiểm soát. Những dòng sông vốn dĩ được sinh ra bởi nhu cầu của tự nhiên, để dẫn dòng nước từ thượng nguồn về miền châu thổ thì nay bị kìm giữ bởi tầng tầng đập ngăn, chảy hay ngưng bởi những thứ quy trình khó hiểu.
Con người, sống bên dòng sông, thay vì cần hiểu rõ thuộc tính của dòng sông, giờ sẽ phải hiểu rõ thuộc tính của những chiếc van xả đập, để biết khi nào cả ngàn khối nước sẽ đổ ập xuống làng xóm, ruộng đồng của mình.
Sống bên dòng sông, con người không thể nào không có khát vọng chinh phục dòng sông.
Làm thủy điện, tốt thôi! Có những đất nước như Bhutan, những dòng sông giúp họ xuất khẩu mỗi năm 10.000 MW điện năng, đóng góp một phần quan trọng cho nền kinh tế. Họ điều tiết dòng chảy để sông ngòi vẫn sống mà cung cấp điện năng. Điều đó rất khác so với việc giết chết những dòng sông để lấy điện.
Thủy điện trên đất nước ta liệu có đang giết chết những dòng sông?
Hàng trăm dòng phụ lưu của sông Hồng đã bị bán cho những dự án thủy điện nhỏ và vừa khiến dòng sông khô cạn quanh năm.
Thủy điện cũng đã biến dòng sông Đà thành ba cái hồ lớn trên các cao độ khác nhau.
Các dòng sông có thể chết, có thể chúng ta không cần phải có những dòng sông để làm thơ viết nhạc. Song, nước, từ thượng nguồn đi về biển khơi vẫn phải có những con đường của nó, theo cách mà không một ai có thể biết trước, theo cách mà không có bất cứ một dự báo nào được coi là khả thi.
Sống bên những dòng sông là những nền văn minh. Khi những dòng sông đang chết thì những nền văn minh sẽ trở nên thế nào?
Vui lòng nhập nội dung bình luận.