Sau đó, thông tin này được báo nước ngoài đăng tải, trở thành một chủ đề tranh luận sôi nổi của cộng đồng người nước ngoài sống ở Việt Nam. Đối với người Việt chúng ta, cũng có đôi luồng suy nghĩ khác nhau.
Thịt chó là món ăn khoái khẩu của không ít người.
Phía đồng tình ủng hộ không nên ăn có phần nhiều hơn. Còn phía vẫn muốn coi đó là món khoái khẩu, chính quyền không nên "can thiệp" tỏ ra không nhiều. Điều đó chứng tỏ lâu nay, số người ham thích thú ẩm thực này không còn "mãnh liệt" như xưa kia (?!).
Thú thực, món thịt chó thui rơm thơm lừng, món dồi hấp trên nồi nhựa mận rồi nướng thêm cho có lửa... của người Việt chúng ta quả là rất ngon. Nếu so với những nước cùng có món khoái khẩu này, có lẽ món thịt chó dân ta làm ngon hơn thật, nếu ai đã có lần thưởng thức ở nước khác nữa. Đành rằng mỗi dân tộc sẽ đều có những khẩu vị riêng, nói vậy dễ bị hiểu lầm.
Song, tôi có thể mạnh mồm nói như vậy là có nguyên do của nó. Tôi xin kể lại một câu chuyện có thật. Do cách đây đã gần năm chục năm nên tôi không còn nhớ tên người đầu bếp nọ. Ông được coi là "chuyên gia chế biến món mộc tồn" giúp Triều Tiên cách làm thịt chó theo kiểu người Việt Nam, đã được nước bạn thời kỳ cố Chủ tịch Kim Nhật Thành còn sống và các vị lãnh đạo nước họ khen tấm tắc.
Vị đầu bếp của nhà khách Trung ương Đảng ngày đó vốn được tiếng là làm món thịt cầy 7 món ngon nổi tiếng. Một lần, ông được làm món này cho các nhà lãnh đạo Triều Tiên thưởng thức khi họ sang thăm Việt Nam, bởi chúng ta hiểu rất rõ họ vô cùng thích món thịt chó của ta.
Thế rồi ngay tức thì, vị đầu bếp nọ đã được Nhà nước ta cử sang CHDCND Triều Tiên làm chuyên gia ẩm thực một thời gian theo đề nghị chân tình của bạn. Ngày đó, tôi đã từng nghe kể câu chuyện thú vị này từ một nhà lãnh đạo cấp cao. Thế nhưng khi chuyên gia chúng ta về nước và bạn tự làm thì vẫn không sao ngon bằng bởi nhiều lý do, trong đó một thứ rất quan trọng, ấy là gia vị nêm nếm cho từng món thì họ sao mà có được như Việt Nam.
Như món nhựa mận chẳng hạn, họ kiếm đâu ra thứ gia vị mắm tôm như ta có. Nói vậy cũng là để thấy, không phải cứ học ta là đã làm được 100% như chúng ta.
Những chú chó bị nhồi nhét, nhốt trong lồng trên đường đưa đến lò mổ và các quán thịt chó.
Hà Nội vào những năm 90 của thế kỷ trước và chục năm đầu thế kỷ này, người ta đã từng tụ tập nhau thành cả một "tập đoàn" mang tên Nhật Tân, hoặc cái tên dí dỏm "liên hiệp các xí nghiệp thịt chó Nhật Tân" rõ oách. Chúng nằm trên triền đê sông Hồng với duy nhất món đặc sản thịt chó. Ngày đó, bất kể ngày âm là thế nào người ta cũng không kiêng thịt chó. Bẵng đi một hồi, họ chừa ra những ngày đầu tháng âm lịch không dùng để tránh xui xẻo.
Bỗng nhiên, cả cái tập đoàn thịt chó năm xưa trên Nhật Tân - Nghi Tàm đã lui vào quá khứ, ít dần người đến ăn, không chỉ vì kiêng này nọ mà do người ta đồn đại tụi "cẩu tặc" đánh bả bắt trộm chó khiến người ăn lo lắng sợ mắc chất độc oan gia. Và thế là không biết vào năm nào đó, cả cái “thủ phủ thịt chó" nơi này trở nên trống vắng, không còn ai đoái hoài, cũng không còn có người muốn thưởng thức vì thèm nữa. Họ đã dẹp tiệm nhanh chóng sau một thời gian kiếm bộn tiền...
Một tờ báo đã làm một cuộc khảo sát nhỏ xung quanh chuyện Hà Nội khuyên và vận động người dân không ăn thịt chó. Câu hỏi là bạn nghĩ sao về chuyện này?
Nhiều người nước ngoài tham gia các cộng đồng trên Facebook như Vietnam is Awesome (với hơn 70.000 thành viên), Foodies in Saigon (hơn 20.000 thành viên)… đều lên tiếng đồng tình với việc Hà Nội tuyên truyền người dân không ăn thịt chó.
“Chó là người bạn thân nhất của con người, làm ơn đừng ăn thịt chó”, một tài khoản có tên G.Percy trên Facebook lên tiếng.
Tim Sippala, đến từ Phần Lan và đang dạy tiếng Anh ở Lai Vung (Đồng Tháp) để lại lời bình luận: “Mọi hoạt động buôn bán và tiêu thụ thịt chó nên bị cấm ở Việt Nam. Nhiều tệ nạn liên quan đến việc này từng xảy ra. Nó tác động xấu đến hình ảnh đất nước, ít nhất là trong mắt người nước ngoài.
Anh Christophe Alvarez (người Pháp), đang làm trong ngành IT và sống ở TP.HCM đã 4 năm nay chia sẻ: “Theo tôi, chuyện ăn thịt chó để lại hình ảnh xấu đối với ngành du lịch. Sẽ có du khách không quay lại và cũng sẽ có người rời nơi này ngay lập tức. Tôi đã nói chuyện với một vài du khách. Họ kể họ rất hay được mời ăn thịt chó khi đến Việt Nam, một vài người cảm thấy rất sợ”...
Nhiều báo nước ngoài đưa tin về việc Hà Nội khuyến cáo người dân không ăn thịt chó.
Chúng ta hẳn không quên trên đất nước mình từng có quá nhiều câu chuyện tang thương khi kẻ trộm chó bị dân đánh đến chết. Địa bàn Quảng Trị có lẽ là một điển hình của chuyện trộm chó bị dân đánh chết nhiều nhất nước. Có vụ cả làng đánh chết kẻ trộm chó kinh hoàng, khiến gần chục người dân phải vướng vòng lao lý, nhưng chưa bao giờ nạn trộm chó chấm dứt nổi ở tỉnh này. Người bị đánh chết vẫn có và người hùa vào đánh vẫn không dừng, dù ở quê hay thành phố...
Theo AFP đưa tin, Hàn Quốc không đưa chó vào danh sách vật nuôi và việc bán thịt chó trong các nhà hàng cũng không bị cấm. Các giống chó để tiêu thụ được gọi là Nureongi, khác với các giống chó cảnh, không phải nuôi để lấy thịt. Người ta đánh giá, thịt chó hiện đứng thứ tư trong số các loại thịt phổ biến ở Hàn Quốc, sau thịt bò, gà và lợn.
Tuy nhiên, nghe nói Chính phủ Hàn Quốc hiện cũng gặp không ít những áp lực từ những người yêu động vật và các nhà hoạt động về việc loại bỏ ngành công nghiệp thịt chó... Bên cạnh đó, lớp trẻ Hàn Quốc cũng từ chối món này ngày một đông. Những người ăn món này chủ yếu là người già...
Cũng thông tin từ AFP, dù cho không có lệnh cấm cụ thể, giới chức Hàn Quốc vẫn nêu ra các quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc các luật cấm tàn sát động vật để trấn áp các trang trại chó và các nhà hàng trước những sự kiện quốc tế như Thế vận hội Pyeongchang vừa rồi.
Đành rằng, phong tục của mỗi nước có khác nhau, khó có thể ban bố lệnh cấm ăn loài vật vốn được cả nhân loại yêu quý, song việc ăn thịt chó đã và đang được con người văn minh ở các nước lùi xa dần. Tại Việt Nam, thực trạng chất lượng thịt chó nuôi không đảm bảo, lại còn đánh bả để bắt trộm khiến người tiêu dùng lo sợ và ở một góc độ nào đó, chúng ta đang vô tình đi tiếp tay cho bọn " cẩu tặc".
Họ có thể phẫn nộ mà quá tay đánh chết kẻ trộm. Điều này đã và đang trở thành vấn đề lớn và nhức nhối. Nhức nhối còn ở chỗ, dù kẻ trộm bị người dân phẫn nộ đánh cho đến chết, thế nhưng vì lòng tham, bọn "cẩu tặc" vẫn không hề nương tay.
Tôi đọc báo, thấy nói mỗi con chó thường được họ bán cho nhà hàng với giá 200-300 ngàn đồng. Như vậy, với một "ê kíp" 2 người, nếu mỗi ngày họ chộp được dăm con thì chúng đã thừa sống sung túc nên không kiềm chế nổi lòng tham mà làm điều bất lương...
Hà Nội đã đi đầu trong việc vận động người dân không nên ăn thịt chó cho dù nó từng là món khoái khẩu của nhiều người, theo tôi, đây là một động rất thái tích cực và văn minh. Hà Nội được công nhận là Thành phố vì hoà bình, bởi thế, động thái này rất phù hợp và có lẽ các tỉnh, thành phố khác trong cả nước cũng nên hưởng ứng. Không có chuyện gì là không thể! Bài học năm xưa về việc cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt ban hành thông tư cấm đốt pháo nổ trong dịp Tết Nguyên đán thành công ngoài mong đợi đã cho chúng ta biết điều đó dù ban đầu gặp vô vàn phản ứng và khó khăn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.