Từ chuyện nâng điểm ở Hà Giang, không nên để người địa phương đứng đầu tỉnh

Quốc Phong Thứ ba, ngày 08/10/2019 10:30 AM (GMT+7)
Rất nên tính toán thật căn cơ việc không nên để người đứng đầu một địa phương cấp tỉnh là người quê gốc ở đó, để tránh chuyện “cả nhà làm quan”.
Bình luận 0

Trước đây, khi tổ chức của chúng ta tính chuyện đưa cán bộ đi cơ sở, gọi là luân chuyển công tác, thường tìm người trở về quê hương tham gia lãnh đạo cho dễ được cơ sở đồng thuận. Từ đó có điều kiện thuận lợi cho công tác quy hoạch cán bộ lâu dài. Việc này khoảng 1 nhiệm kỳ vừa qua đã bớt nhiều và không còn phổ biến nữa. Thế nhưng, vẫn chưa hết hiện tượng có những người bản địa phấn đấu và đã trưởng thành tới tận cương vị người đứng đầu đảng bộ và chính quyền tỉnh, thành. 

Đó quả là điều không nên, mà ngay từ thời phong kiến xa xưa vài trăm năm trước, các cụ nhà ta đã “cấm cửa” bằng luật lệ quy định rõ ràng.

Trong thực tiễn, khi những câu chuyện “cả nhà làm quan”ở một số tỉnh, trong đó có Hà Giang, chưa kịp lắng dịu thì chuyện bà vợ nguyên Bí thư Tỉnh ủy tỉnh này bị Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy “phê bình” mới đây do “để em chồng tác động đến điểm thi của con mình” đã gây bất bình dư luận, thậm chí có cả sự phẫn nộ...

img

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Giang Triệu Tài Vinh.

Từ đó càng cho thấy người đứng đầu một địa phương cấp tỉnh không nên là người quê gốc ở đó rồi trưởng thành lên. Rồi thì “người người, nhà nhà” xung quanh họ “tràn ngập” là người thân được cất nhắc, bổ nhiệm. Để rồi khi có chuyện bê bối, người ta rất có thể bàn thảo, cắt cử người khác chịu nhận sai phạm thay mình “phê bình rút kinh nghiệm”, nhất là khi người kia có trọng trách hết sức quan trọng tại tỉnh. Nó rất dễ ảnh hưởng đến sinh mệnh chính trị, đến uy tín của người thân họ...

Cách lách luồn để né tránh trách nhiệm đến mức thô thiển kiểu này quả thật rất phản cảm và cũng khó có thể che mắt được dư luận xã hội. 

Tôi không tán thành nổi lối nói ngụy biện của vị Phó CNUBKT Tỉnh ủy Hà Giang khi ông ta cho rằng “Kết luận của Ủy ban Kiểm tra đã nêu rất rõ, bà Triệu Thị Giang là cô ruột của em học sinh được nâng điểm. Chúng tôi nêu thẳng sự việc chứ không lòng vòng, né tránh và ai là người có liên quan trực tiếp thì chúng tôi nêu tên”.

Hãy cứ cho là người cô ruột của cháu thí sinh này quá tuỳ tiện, đã vô phép anh trai mình làm điều trái cả luật pháp, trái cả đạo đức, mà chỉ bị khiển trách thì cũng quá phi lý!

Không lẽ người cô thí sinh được nâng điểm kia không tự hỏi số báo danh của cháu mình mà có sao? Rồi thì không lẽ cô ta không hề nói với anh chị mình rằng cô sẽ tự ý làm việc tày đình này hay sao?

Hà cớ gì mà cô ta phải đi làm thay cho gia đình anh ruột mình như vậy khi cô chỉ là lãnh đạo cấp phòng của Sở KHĐT, không liên quan tới ngành giáo dục tí tẹo nào. 

Ông Triệu Tài Vinh lẽ ra nếu biết tự trọng thì nên nhận lỗi thay cho cả vợ (là bà Phạm Thị Hà - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh) mới đúng với tinh thần làm gương mà Bộ Chính trị, Ban Bí thư vừa ban hành văn bản. 

Hoặc đúng ra, ông Vinh cần phải đề nghị đuổi việc, khai trừ em ông ta ra khỏi Đảng vì đã tự tiện làm bậy, không nói cho ông biết, nay khiến ông mất uy tín nghiêm trọng với dân, với Đảng. 

Đồng thời, theo tôi, ông Vinh cũng nên chủ động xin nhận kỷ luật trước Trung ương do thiếu tinh thần làm gương vì đã không dạy được em mình làm người tử tế, dám tự tiện “mượn râu hùm” là ông, góp phần cùng rất nhiều quan chức trong tỉnh làm điều bậy bạ. Vì việc làm này của họ mà đã khiến biết bao em nhỏ khác mất quyền đến trường. Họ là công dân trẻ trên địa bàn của ông phụ trách với tư cách là người đứng đầu tỉnh. Thế mà ông lại để xảy ra vụ bê bối nói trên. 

Cũng xin nhắc lại chuyện 1 năm trước, khi vừa bị phát giác con mình trong danh sách được nâng điểm, chính ông ta đã trả lời báo chí, rằng ông nghi ngờ có người định hại uy tín lãnh đạo của ông chứ ông không hề hay biết (!!!).

Và giờ thì hoá ra chính em ông là người muốn hại ông thật sao?

Thật là khôi hài!

img

Một buổi họp báo liên quan đến kết quả điểm thi tại Hà Giang.

Hẳn nhiều người đã biết, ở thời phong kiến, triều đình nào cũng luôn dựa vào yếu tố quyền lực. Các chức vụ của nhà nước phong kiến có hai loại: quan lại và nha lại. Quan là người chỉ huy, điều hành (như quan tổng đốc, quan tri phủ, tri huyện...). Còn nha lại là người thừa hành, phục vụ cho các quan lại tại các nha môn, mà ngày nay ta gọi là "cán bộ, công chức, viên chức", là “chuyên viên”, “nhân viên” thừa hành.

Bên cạnh đó, pháp luật phong kiến Việt Nam còn áp dụng chế độ “hồi tị” đối với quan lại cũng rất đáng nghiên cứu. Việc sắp xếp quan lại ở các địa phương được triều đình quy định khá chi tiết, như “người sinh ra ở vùng này phải tới cai trị vùng khác”, luật quy định kỹ tới mức “các quan viên có nhà ở gần bản nha môn thì Bộ Lại (kiểu như Bộ Nội vụ bây giờ) nên đổi họ đi nơi khác. Luật Hồng Đức còn cấm quan lại địa phương lấy vợ tại địa phương mà mình cai quản...

Chiếu tháng 9 năm 1488 của Hồng Đức có thông báo một quy định về việc sắp đặt quan lại tránh chuyện quan hệ họ hàng ngay ở cấp xã: “Khi xét đặt xã trưởng, hễ là anh em ruột, con chú bác và bác cháu, cậu cháu với nhau thì chỉ có một người làm xã trưởng, không được cùng làm để gây mối tệ bè phái hùa nhau”. 

Những quy định này góp phần tạo nên một chế độ quan lại liêm chính, không bị chi phối bởi quan hệ họ hàng, dòng tộc, làng xã mà làm sai lệch việc công hay tham nhũng. 

Thời vua Minh Mạng (từ 1820 - 1841), tuy cũng có những sai lầm nhất định ở góc độ lịch sử, nhưng có thể xem đây là vị vua kiệt xuất nhất của Hoàng triều nhà Nguyễn. Vua Minh Mạng đã có quy định: Quan vào chầu triều mà bàn đến việc có liên quan đến địa phương mình thì phải tránh mặt. 

Lại dịch, theo quy định thì ở tất cả các nha môn, hễ có bố con, anh em ruột, anh em con chú bác cùng làm thì phải đổi nơi khác (trừ Thái y viện thì không hồi tị, vì nghề thuốc thì nên cha truyền con nối sẽ tốt và ở đâu dân có bệnh cần chữa họ cũng như nhau). 

Lại dịch ở các nha mà người cùng làng cũng phải đổi đi nơi khác, lại ở huyện nào thì không được làm ở đấy. Người làm quan không được làm quan ở chính quán, trú quán, quê vợ, thậm chí ngay cả nơi lúc nhỏ đi học. 

Về những quy định nghiêm ngặt như thế, có lẽ cũng hơi khó để thực thi nếu chúng ta muốn học các cụ. 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải thừa nhận, đây chính là quy chế có thể giúp bộ máy chính quyền từ trên xuống dưới bảo đảm sự khách quan, trung thực trong giải quyết các công việc của nhà nước. Cách quy định như vậy sẽ tránh đi sự nể nang, thiên vị hay tư thù, đố kị mang tính cá nhân mà mất đi tính khách quan khi ban bố các quyết định.

Hiện nay, các cơ quan luật pháp của nước ta cũng đã có một số thay đổi, rõ nhất là việc luân chuyển người đứng đầu ngành công an các tỉnh, thành. Điều đó sẽ tránh chuyện để người bản địa đứng đầu dễ bị tác động bởi người thân, dẫn tới làm sai lệch vụ án. Điều này rất đúng và nên tiếp tục triển khai ở các cơ quan tố tụng khác. 

Từ những thực tế nêu trên, đã đến lúc ngay trong quá trình chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp hiện nay cần lưu tâm đặc biệt chuyện này. Tôi mong rằng ở góc độ quy hoạch nhân sự, Đảng, Nhà nước rất nên tính đến vấn đề nói trên thật căn cơ, để tránh đi chuyện “cả nhà làm quan” vốn đã và đang xảy ra trong thời gian vừa qua tại một số địa phương. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem