Trong buổi tọa đàm "Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số" do Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UB VHGD & TNTNNĐ) tổ chức tại Trường ĐH Sài Gòn chiều 2.5 có những đánh giá khác hẳn nhau, một bên là báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) và một bên là các nhà giáo, chuyên gia giáo dục ở TP.HCM khiến dư luận không khỏi băn khoăn.
Phát biểu tại toạ đàm, PGS.TS Phan Thanh Bình - Chủ nhiệm UB VHGD & TNTNNĐ cho biết, theo báo cáo của Bộ KHĐT gửi Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, kết quả đổi mới giáo dục của Việt Nam được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá là 1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương.
Ngay lập tức có nhiều ý kiến phản đối, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm nêu quan điểm: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là 1 trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới còn có thể hiểu được, còn là 1 trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu”. Và nhiều ý kiến sau đó ủng hộ quan điểm này.
GS. TS Trần Ngọc Thêm trao đổi tại tọa đàm.
Hai cách đánh giá này hoàn toàn trái ngược nhau, như ở “hai đầu nỗi nhớ”, khiến dư luận đặt ra nhiều câu hỏi.
Thứ nhất, báo cáo của Bộ KHĐT được Chủ nhiệm UB VHGD& TTNNĐ dẫn lại, nên chưa thể biết “được các nước, tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá…” là những nước và tổ chức quốc tế nào, có đáng tin cậy hay không? Nhưng việc Việt Nam được đánh giá là “1 trong 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới” khiến hầu hết ý kiến ở buổi tọa đàm phản đối, cho thấy báo cáo của Bộ KHĐT có gì đó không ổn.
Thứ hai, nhìn lại giáo dục khoảng 30 năm qua, đặc biệt những năm gần đây, dư luận thấy tiêu cực lớn nhỏ nhiều hơn thành tích. Từ những chuyện thầy, cô giáo quan hệ tình dục với học sinh ở tuổi vị thành niên; cô bắt trò uống nước giẻ lau, bắt học sinh tát hàng chục cái những học sinh có khuyết điểm… cho đến chuyện học sinh mua điểm bằng tình ái, hoặc tày đình như cả 3 hội đồng thi THPT ở 3 tỉnh Sơn La, Hà Giang, Sơn La cùng nhau sửa bài, nâng điểm cho hàng trăm thí sinh đủ điểm vào các trường đại học tốp đầu, cho thấy dư luận bức xúc với ngành giáo dục tới mức nào. Đấy mới chỉ là những tiêu cực “lẻ tẻ” xảy ra ở từng trường, từng tỉnh, mà chưa nói những vấn đề lớn do chính Bộ GDĐT mang đến, như cải cách giáo dục liên miên; các phong trào “hai không”, chương trình phân ban thất bại; thay đổi sách giáo khoa liên tục… Những điều đó khiến có nhà giáo dục phải thốt lên, không thể coi học sinh như những chú “chuột bạch”.
Thứ ba, bởi buổi tọa đàm chỉ gói gọn trong chuyên đề hẹp, nên các bất cập lại càng nổi rõ hơn từ những ví dụ thực tế. TS Phạm Thế Bảo - giảng viên Khoa Công nghệ thông tin Trường ĐH Sài Gòn - cho biết, đến nay môn tin học phổ thông vẫn dạy Pascal, trong khi trên thế giới không đâu dạy như vậy. Giáo viên không dám đổi vì đó là qui định bắt buộc của chương trình. Hoặc, theo ông Nguyễn Văn Hiếu - Phó giám đốc Sở GDĐT TP.HCM, thầy cô giáo không dở nhưng chế độ cho giáo viên rất thấp, chỉ bằng 10% so với mức thuê một giáo viên nước ngoài. Điều này khiến nhiều giáo viên giỏi bỏ trường ra ngoài dạy.
Giáo dục những năm gần đây có nhiều tiêu cực, gây bức xúc, như bạo lực học đường, xâm hại tình dục, gian lận điểm thi THPT Quốc gia...
Thứ tư, thực trạng cho thấy, trào lưu “tị nạn giáo dục” ngày càng nở rộ với xu hướng “tỵ nạn” ngày càng trẻ, ngay từ cấp trung học phổ thông. Phải chăng, đây là do sính ngoại? Chắc chắn là không. Mà bởi, chính thực tiễn cuộc sống đã tạo nên trào lưu này. Những người có bằng cấp ở những nước tiên tiến được các doanh nghiệp, đặc biệt các doanh nghiệp nước ngoài dễ chấp nhận hơn, họ dễ thành công, thành danh trong sự nghiệp hơn, họ cũng chủ động, sáng tạo và nắm bắt công việc tốt hơn. Thực tế đó đã trả lời cho câu hỏi: Giáo dục của chúng ta đang đứng ở đâu?
Cuối cùng, một số ý kiến đưa ra nguyên nhân thất bại đáng chú ý: TS Nguyễn Thế Bảo: "Chúng ta cần xem lại chương trình vì kiến thức chúng ta dạy đang rất cũ và thiếu tính thực tế"; GS.TSKH Trần Ngọc Thêm: "Phải xây dựng hệ giá trị của giáo dục là thực chất chứ không phải đối phó, thành tích như hiện nay"; Đặc biệt, Chủ nhiệm UB VHGD & TTNNĐ Phan Thanh Bình đưa ra đánh giá tổng quan rất đáng lưu tâm: “Gần đây nhiều người nói giáo dục hiện nay có nhiều vấn đề, nhưng tôi cho rằng đây không phải là kết quả tức thì mà là hệ quả của một quá trình. Nhìn vào bối cảnh hiện tại và so sánh với xung quanh coi chừng chưa chắc cải thiện mà đôi khi thụt lùi nếu không chuẩn bị cho chiến lược sắp tới”.
Vì thế, chúng ta cần làm rõ, giáo dục Việt Nam đang ở vị trí nào trên thế giới và đâu là nguyên nhân cốt lõi, để không "lạc quan tếu" với nhau và có chiến lược chấn hưng, phát triển đúng đắn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.