Từ ngày hôm qua (8.10), người dân TP.HCM bất ngờ khi nhiều xe taxi của hãng Vinasun đồng loạt dán dòng chữ "Yêu cầu Uber và Grab phải tuân thủ pháp luật Việt Nam"; "Đề nghị dừng Grab và Uber vì quá nhiều bất công về điều kiện kinh doanh".
Sau đó, Phó Tổng Giám đốc hãng Vinasun Tạ Long Hỷ cho biết, công ty đã nắm được tình hình việc dán decal kiến nghị dừng thí điểm Grab, Uber; nội dung của khẩu hiệu ông Hỷ nhận định “không đến nỗi quá đáng”.
“Đây là hành động của anh em lái xe do bức xúc chính sách của Grab và Uber nên đã làm vậy; phía công ty đang rà soát lại” -ông Hỷ cho biết.
Nhưng thực tế, theo các tài xế, đa số các phương tiện phải dán decal thì mới cho xuất xe.
“Dán decal là kế hoạch của hãng và bất cứ xe nào cũng phải đưa về xưởng để dán. Tôi thấy việc này có gì đó không ổn. Uber và Grab xuất hiện thì số lượng người đi taxi giảm nhưng dán decal như vậy không hay cho lắm” - một tài xế thậm chí cho hay.
Tương tự, một tài xế khác của hãng này cũng chia sẻ với nhà báo: Cạnh tranh mà dán kiểu này hơi quá đáng, việc để tên 2 thương hiệu Grab, Uber trên xe, chả khác nào Vinasun đang quảng cáo cho hai hãng này.
Vinasun dán khẩu hiệu phản đối Uber, Grab
Vào trưa muộn, cạnh quán cơm bình dân, có anh taxi đang loay gỡ khẩu hiệu. Khá lanh lợi, anh kể câu chuyện buồn rầu của mình cách khá hài hước: "Chạy taxi trước đây được lắm. Là cái lúc ít xe và điện thoại thông minh còn mắc tiền ít người xài. Mỗi tháng kiếm cũng được 10-15 triệu. Đủ ăn, không sợ đói. Hiện nay có Uber và Grab cạnh tranh mà người ta giờ không thích đi taxi. Tui trụ lại vì phải trụ chứ không còn biết làm gì thêm. Chạy Uber thì không có xe. Ở dưới quê tui còn vợ và con cái nữa. Tui ráng nhịn để gửi chút tiền về. Tui có thể nhịn chứ mấy cái miệng dưới quê thì không. Bọn tài xế taxi tụi tui không ghét mấy người chạy Uber với Grab được. Cái gì tiện lợi thì người ta làm thôi. Sắp tới tôi cũng muốn thuê xe chạy Grab thử.. Sáng nay mới nhận được lệnh của mấy sếp, bắt tôi phải dán cái khẩu hiệu này. Chưa thấy ai chế ra khẩu hiệu ngu và dốt bà cố. Nhục mặt. Mà không dán bị ăn chửi”
Tôi chợt nhớ lúc chưa có Uber, người nhà của tôi phải tập thói quen khi đi taxi là nhắn tin biển số xe, thời gian và lộ trình về gia đình để đề phòng mất cắp, tai nạn hay bị xâm hại. Đó là khuyết điểm chết người của taxi truyền thống.
Uber được chuộng vì nhiều tiện ích đem lại: Ứng dụng thông minh, vận chuyển thuận lợi, an toàn,không mất cắp... Ảnh: VNE
Uber ra đời vào một đêm đầy tuyết ở Paris năm 2008, khi Kalanick và bạn của anh là Garrett Camp không thể gọi taxi. Lúc đó, cả hai thề sẽ xử lý vấn đề này bằng một ứng dụng cách mạng.
Ứng dụng đó rất đơn giản: chỉ cần nhấn nút và sẽ gọi được xe.
Nhưng cải tiến công nghệ thì dễ mà sự bảo thủ, thói quan liêu và lợi ích nhóm mới là đối thủ lớn nhất của Uber, nếu hành khách đón nhận Uber nồng nhiệt bao nhiêu thì vận tải hành khách truyền thống chống Uber quyết liệt bấy nhiêu.Tuy nhiên, điều đó không ngăn được sự phát triển rất nhanh của Uber trên toàn cầu.
Đến nay Uber là một công ty kinh doanh mạng lưới giao thông vận tải và công ty taxi dựa trên ứng dụng có trụ sở tại San Francisco, California, và hoạt động tại các thành phố ở nhiều nước.
Công ty sử dụng một ứng dụng điện thoại thông minh để nhận được yêu cầu đi xe, và sau đó sẽ gửi các yêu cầu đi đến lái xe. Khách hàng sử dụng các ứng dụng yêu cầu xe đón và theo dõi vị trí chiếc xe dành riêng của mình.
Cái mà Uber hay Grab làm cho vận tải hành khách truyền thống điêu đứng phải cải tổ đó là cơ chế kiểm soát hành trình, báo giá và xếp hạng (rating), vừa tạo sự chủ động cho khách vừa buộc người vận chuyển phải có trách nhiệm vì có thể bị trừng phạt ngay tức khắc qua chấm điểm (xếp hạng) của hành khách, người sử dụng dịch vụ.
Thói quen cũ của người nhà tôi đã không cần khi mà thông tin được lưu trữ đồng thời, hành khách còn có cơ chế buộc tài xế, người cung cấp dịch vụ phải chịu trách nhiệm ngay tức khắc bằng cơ chế đánh giá, xếp hạng.
Thế nhưng, thay vì cải tổ vận tải truyền thống theo hướng áp dụng công nghệ, nâng cao chất lượng, dịch vụ vận tải hành khách thì taxi truyền thống lại chống Uber bằng cách treo khẩu hiệu là quá trẻ con.
Chưa kể hành vi này còn có dấu hiệu vi phạm luật cạnh tranh.
Công bằng mà nói các hãng taxi truyền thống cũng có cải tiến nhưng mà nó quá chậm chạp, ì ạch và chưa đủ.
Đúng như chuyên gia truyền thông Nguyễn Bá Ngọc phân tích, rằng mô hình cũ làm các lái xe phải chạy lông nhông để tìm khách. Hoặc đài nổ điểm thì 5-7 xe cùng nhao đến. Bởi vậy hiệu quả rất thấp. Mấy bạn thạo nghề cho biết taxi truyền thống số km có khách chỉ là 50/100 km còn Uber, Grab là 82/100 km và đương nhiên không có đua điểm.
Về công nghệ, cái App của một số hãng thật thê thảm: không xác định được điểm khách đứng, tự gõ vẫn không nhận được, đặt xe không được, không có đánh giá được tài xế... và nhất là khi vẽ được đường đi và ra giá thì bao giờ cũng cao hơn Grab, Uber 30% thì liệu ai chọn?
Có vẻ như Vinasun và các hãng taxi truyền thống còn khá nhiều việc để làm để tồn tại và không bị khách hàng bỏ rơi, thay vì đi vào những vấn đề cốt lõi về đổi mới công nghệ, quản lý hệ thống thì họ lại dồn sức cho những chiêu trò trẻ con mà chuyện dán khẩu hiệu chống Uber, Grab là một minh chứng rõ nhất!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.