Vụ kiện Hoàng Xuân Quế và lỗ hổng của quản lý tri thức

Nguyễn Thế Trung Chủ nhật, ngày 16/10/2016 14:03 PM (GMT+7)
Những ngày gần đây, các báo đồng loạt thay mặt các luật sư tường thuật phiên tòa và lý lẽ giữa một trí thức là ông Hoàng Xuân Quế (PGS.TS, Đại học Kinh tế Quốc dân) và một bộ trí thức là Bộ Giáo dục và Đào tạo, về quyết định thu hồi bằng tiến sĩ của ông Quế do sao chép lên đến “52,5/159 trang luận án (khoảng 30,02%) từ luận án tiến sĩ của ông Mai Thanh Quế (Học viện Ngân hàng)”.
Bình luận 0

img

Toàn cảnh phiên tòa hành chính xử vụ ông Hoàng Xuân Quế kiện bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (7-10.10). Ảnh: PL TP.HCM

Nhìn dưới lăng kính pháp luật thì đây là việc của luật sư và tòa án, nhìn từ lăng kính của số đông dân chúng thì đó có thể đơn thuần chỉ là một cuộc thắng thua bằng những cách thức vốn được sử dụng thường xuyên trong xã hội ngày hôm nay, tức là ai mạnh thì thắng. Vì thế, cuộc kiện tụng quanh luận án tiến sĩ trong một xã hội quá nhiều tiến sĩ như xã hội ta chẳng lấy được nhiều sự quan tâm như các vụ liên quan đến môi trường như Formosa, vụ Trịnh Xuân Thanh hay đơn thuần giải trí như Tùng Sơn, Lệ Rơi...

Nhưng theo tôi đây là một vấn đề lớn, bởi người ta không thể làm ra những cái đúng từ một cái sai. Mấu chốt của lao động tri thức vốn có các sản phẩm ít “sờ thấy được” chính là ở chỗ được kế thừa từ kết quả của người đi trước, nên dù đó là vấn đề của 10 năm hay của 2 năm trước, thì chấp nhận một việc sai lầm sẽ dẫn đến những hệ lụy khôn lường đối với các thế hệ tri thức tiếp theo là đồng nghiệp, là sinh viên là học sinh. Và điều đáng tiếc là việc này hoàn toàn có thể làm đúng được dựa trên việc ứng dụng khoa học công nghệ căn bản cụ thể là công nghệ thông tin.

Quay trở lại vụ án, trong rất nhiều lý lẽ, tựu trung ta thấy có hai lý lẽ chính của hai bên. Đó là ông Quế cho rằng có thể ông nộp nhầm, có thể ông nộp sai, có thể ông in sách sai nên không thể căn cứ vào các bản nộp tại thư viện, bản sách in đã xuất bản, đã lưu hành rất lâu rồi để đánh giá luận án của ông; còn Bộ Giáo dục và Đào tạo thì cho rằng các bản được Thư viện Quốc gia lưu giữ là bản chuẩn và không thể chuyển sang dùng một bản do ông Quế nộp lại sau 10 năm để đánh giá. Lý lẽ này của hai bên đã có từ 2013, và dùng dằng chưa xong đến hôm nay.

Câu hỏi đặt ra là, vậy tại sao vai trò của Thư viện Quốc gia không nổi lên trong 3 năm vừa qua, tại sao ông Quế không kiện Thư viện Quốc gia? Tại sao Bộ Giáo dục và Đào tạo không yêu cầu Thư viện Quốc gia chịu trách nhiệm? Và tại sao không có thông báo nào của Thư viện Quốc gia về các tài liệu này?

Tôi vào CSDL luận án của Thư viện Quốc gia và tra về luận án này thì thấy không hề có lưu ý, dấu hiệu nào nói rằng tài liệu này nằm trong vòng nghi vấn. Vậy thì là Bộ Giáo dục và Đào tạo hay là một nhà giáo, Bộ và ông Quế có bao giờ tự hỏi từ năm 2013 đến nay đã có bao nhiêu người đọc vào tra cứu sử dụng luận án này tại Thư viện Quốc gia và đinh ninh đó là nguồn tin cậy? Và trách nhiệm của họ ở đâu?

Qua vụ việc này, lỗ hổng của quản lý tri thức lộ rõ: Đó là vấn đề chịu trách nhiệm của người cung cấp thông tin, đó là vấn đề của quy trình lưu trữ luận án, đó là vấn đề của công khai minh bạch tình trạng của luận án. Mà luận án chỉ là một phần cơ sở dữ liệu tri thức quốc gia, vốn phải được coi là một trong những tài sản vô hình lớn nhất của đất nước.

Trong khi ngày hôm nay chúng ta chỉ cần một lệnh trên Google để tìm thông tin trên toàn thế giới, vào các cơ sở dữ liệu mở như Wikipedia để tra cứu hầu hết các khái niệm, vào các cơ sở dữ liệu mở về khoa học để tra cứu các kết quả nghiên cứu, thì tại Việt Nam chúng ta đang có một vụ kiện về cái vỏ của một luận án mà hoàn toàn không thấy sự lên tiếng của giới học thuật về tiêu chuẩn quản lý tri thức. Chúng ta liệu có thể phát huy được khoa học công nghệ, đi vào kinh tế tri thức với một môi trường thế này không?

Đã đến lúc cần công khai minh bạch quá trình và tình trạng của các sản phẩm tri thức của đất nước, để chính cộng đồng trí thức đánh giá sự trung thực hay gian dối của các sản phẩm này. Nói kỹ hơn thì việc có CSDL toàn văn của luận án đưa lên mạng như Thư viện Quốc gia đã làm là rất tốt nhưng chưa đủ, mà còn cần phải để các tài liệu này sống trong môi trường lao động tri thức thực thụ khi chúng liên tục được cập nhập trạng thái, được ánh xạ, được đánh giá, được trích dẫn, được trao đổi…

Vụ kiện này là cơ hội để chúng ta thay đổi, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo và những tiến sĩ, giáo sư, những người hoạt động trí thức mong muốn? Chỉ cần mong muốn, vì để làm thì không thiếu cách như Wikipedia đã làm, không tốn một đồng nào của nhà nước cả.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem