Nhờ sự vào cuộc của báo chí, đã lộ ra việc Bộ TNMT cấp phép xả thải 1 triệu khối bùn cách khu bảo tồn biển Hòn Cau chỉ 4 hải lý với mục đích chiều chuộng nhiệt điện Vĩnh Tân 1 “gần nhất có thể” nhằm “giảm chi phí thực hiện”, đạt hiệu quả kinh tế.
Chưa hết, người ta còn thấy hồ sơ dự án nhận chìm còn dối trá mạo danh nhà khoa học bằng bàn tay nhớp nháp nhằm cố tình hủy hoại biển.
Cụ thể, việc xả thải 1 triệu khối bùn và các loại trầm tích vũng quay tàu nhiệt điện Vĩnh Tân 1 dối trá mạo danh nhà hải dương học Tiến sĩ Nguyễn Tác An, người nổi tiếng với các phản biện về dự án “nhận chìm ở biển”.
TS Nguyễn Tác An khẳng định mình bị mạo danh. Ảnh: ZING
Tiến sĩ An đã xác nhận với báo giới: “Tôi là thành viên hội đồng phản biện nhà nước. Nếu họ có mời, chắc chắn tôi cũng không tham gia. Từ khi có thông tin xin nhận chìm chất nạo vét xuống biển, rồi Bộ TNMT cấp phép đến nay, tôi chỉ tham gia phản biện trên báo chí”.
Không chỉ với Tiến sĩ An mà ông còn xác nhận đã liên lạc với những vị có trong danh sách dự án nhấn chìm bùn thải này và vỡ lẽ, nhiều người phản hồi là hoàn toàn không làm việc này.
Ngoài tiến sỹ An, thạc sỹ Nguyễn Ngọc Bảo Trâm - Trung tâm Quy hoạch và Quản lý tổng hợp vùng duyên hải khu vực phía Nam khẳng định bà không hề tham gia thực hiện dự án nhận chìm của Công ty TNHH Điện lực Vĩnh Tân 1.
“Tôi mới biết việc này qua báo chí. Từ trước đến nay không hề có đơn vị, cá nhân nào liên lạc với tôi hay đặt vấn đề tham gia thực hiện dự án này. Thế nhưng không hiểu vì sao tôi lại có tên trong danh sách những người tham gia thực hiện dự án đó như vậy...” - Thạc sỹ Trâm nói.
Như vậy là đã rõ, chủ dự án đã trình một bản báo cáo phân tích đáy biển Bình Thuận một cách dối trá, đơn vị tư vấn đã đưa ra một bản báo cáo khoa học ngụy biện và trí trá với cách mạo danh các nhà khoa học hàng đầu để bức tử môi trường biển, uy hiếp tương lai các làng chài, sát hại bằng được sự sạch sẽ với mục đích muốn được nuông chiều có bãi thải “gần nhất có thể” để “giảm chi phí thực hiện” cho chủ đầu tư nhiệt điện Vĩnh Tân 1.
Tôi muốn nhắc lại sự kiện của hãng xe Volkswagen (Đức) gian lận kiểm tra khí thải hồi 2015 khiến chính hãng này thiệt hại ít nhất 7,3 tỷ USD để thu hồi xe trên toàn cầu. Trên thị trường cổ phiếu, hãng xe Đức mất 30%, tương đương 30 tỷ đô vốn hóa thị trường.
Hãng xe Đức thú nhận đã cài đặt phần mềm lên 11 triệu ôtô chạy bằng dầu diesel trên toàn thế giới, để vượt qua các bài kiểm tra nghiêm ngặt của Mỹ.
Khi những chiếc xe này được đưa ra khỏi phòng thí nghiệm, phần mềm đó lại không kích hoạt tính năng kiểm soát khí thải, kết quả, chúng phát tán ra lượng khí nhiều gấp 40 lần mức cho phép.
Sự dối trá này không chỉ ảnh hưởng đến Volkswagen mà còn ảnh hưởng cả ngành công nghiệp ô tô thế giới.
Trở lại với vấn đề xả bùn thải của nhiệt điện Vĩnh Tân 1, rõ ràng, ông Nguyễn Linh Ngọc - Thứ trưởng TNMT đã ký thay Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà văn bản số 1517/GP-BTNMT vào ngày 23/6/2017 có điều 1 nói rõ: “Cho phép Công ty TNHH điện lực Vĩnh Tân 1 được nhận chìm vật chất…” với các điểm các khoản của quyết định cho phép nhấn chìm: “Cát, vỏ sò, sạn sỏi, cát kết phong hóa, sét và bùn trầm tích thu được từ hoạt động nạo vét vũng quay tàu…”.
Văn bản này ghi rõ bằng tiềng Việt: “Giấy phép nhận chìm ở biển”, các điều khoản bên trong cũng ghi rõ bằng tiếng Việt. Mà tiếng Việt với loại văn bản này không thể là đa nghĩa hay uyển ngữ hoặc là xảo ngôn. Nó càng không phải là tác phẩm văn học để hiểu có ẩn dụ hay tu từ.
Thế nhưng mới đây ông Trần Hồng Hà - Bộ trưởng Bộ TNMT trường lại nói: “Chưa bàn giao biển để nhiệt điện Vĩnh Tân nhận chìm”.
Ngư dân mưu sinh trước nhiệt điện Vĩnh Tân. Ảnh: VNN
Nếu dư luận cả nước không lên tiếng, các nhà khoa học không lên tiếng, báo chí không lên tiếng thì việc xả thải ấy sẽ “đúng quy trình”.
Người dân nhìn vào “Giấy phép nhận chìm ở biển” không ai tin đó là văn bản chưa được phép nhận chìm bùn thải, không ai tin rằng: “Bây giờ là lúc mình kiểm tra thực tế, sau đó sẽ đưa ra các bước thực hiện tuần tự”.
Bởi để có giấy phép này được ký thì các bước tuần tự đã làm trước đó một cách nghiêm túc. Cách nói này của ông Hà là trái ngược quy trình bảo vệ môi trường chung của thế giới và của Việt Nam.
Không một công trình, dự án nào có thể cấp phép xả thải bùn đất rồi mới đi làm các bước “tuần tự ngược”, đấy là cách làm chữa cháy khi gặp phải phản ứng của dư luận và sự phản biện tận cùng của các nhà khoa học có trách nhiệm với môi trường biển.
Người ta có thể tặc lưỡi rằng cách làm ấu trĩ diễn ra đâu đó ở cấp thôn xã vì thiếu thông tin hoặc sự hiểu biết hạn chế nhưng với tầm của những người cầm cân nảy mực bảo vệ môi trường quốc gia nhất quyết không thể quan liêu, không thể thiếu trách nhiệm, không thể nhắm mắt ký bừa sau đó xảo luận còn chờ các nhà khoa học thẩm định, kiểm tra.
Người ta nói chưa giao biển nhưng nhà đầu tư đã dùng lưới quây lại khu vực dự kiến xả thải bùn nạo vét. Người ta cũng lộng ngôn khu vực biển ở đó chỉ có “cát thôi” để đậy đắp dối trá bị dư luận vạch mặt gọi tên.
Bài học của Formosa vẫn chưa bao giờ nguội vậy mà người ta dám đưa sự dối trá vào báo cáo nhấn chìm bùn thải rồi bịa đặt ra danh tánh nhà khoa học đồng thuận nghiên cứu. Âm mưu của việc là tồi tệ là rõ ràng và có thật chứ không thể đổ lỗi cho đánh máy khi buộc phải giải thích với dư luận.
Chỉ cần thấy cách nói của ông Bộ trưởng Bộ TNMT và sự dối trá tạo tác tên tuổi nhà khoa học Nguyễn Tác An cũng đủ để yêu cầu thu hồi ngay lập tức giấy phép nhận chìm ở biển số 1517/GP-BTNMT, bởi giấy phép đó được làm trên sự ngụy tạo của chủ đầu tư và đơn vị tư vấn.
Nếu nhà đầu tư nhiệt điện Vĩnh Tân 1 tham gia thị trường chứng khoán ở bất cứ đâu, sự dối trá này sẽ gây tác động không hề nhỏ trên giá cổ phiếu, tuy nhiên các thông tin tìm kiếm cho thấy chủ đầu tư không tham gia thị trường này.
Nhưng với vấn đề gian dối đó, họ xứng đáng bị trừng phạt chứ không thể được bảo vệ bởi không ít người ở Bộ TNMT, một cơ quan trọng yếu gác cửa về môi trường quốc gia nhưng lại vừa có quyết định ngược lại với sứ mệnh của mình.
Cái gì xây dựng trên sự dối trá, cái đó không thể tin tưởng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.