Xe máy chính yếu, ô tô xa xỉ, người chết vì tai nạn khó giảm

Trần Ngọc Lam Giang Thứ ba, ngày 20/02/2018 04:25 AM (GMT+7)
Với giá bán một gấp đôi gấp ba như hiện tại, ô tô - phương tiện giao thông rất đỗi bình thường, thông dụng tại nhiều nước hơn 100 năm qua trở thành mặt hàng ngoài tầm với của đại đa số người dân.
Bình luận 0

Từ ngày 29 tháng Chạp (14.2) tới sáng ngày mùng 5 Tết (20.2), cả nước xảy ra 231 vụ tai nạn giao thông, làm chết 179 người, 186 người bị thương.

Trong số những người thiệt mạng vì tai nạn giao thông, có không ít trường hợp về quê ăn Tết bằng xe gắn máy và gặp nạn.

Như trường hợp của hai anh em Nguyễn Đình Tiến và Nguyễn Đình Đồng (xã Liên Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An) chạy xe máy về quê ăn Tết và gặp nạn thương tâm tại Bình Định.

img

Hầu hết số người chết là điều khiển xe máy (trong ảnh: Hai anh em Tiến, Đồng gặp nạn). Ảnh: Fb

Tiến tử vong tại chỗ, Đồng bị thương nặng.

Trong số những vụ tai nạn chết người, khoảng 70% là do mô tô, xe máy.

Những cụm từ được nhắc tới được cho là nguyên nhân trực tiếp của những vụ tai nạn giao thông thương tâm thời gian qua là do “phóng nhanh”, “uống rượu bia” hay do “không đội mũ bảo hiểm - đội mũ bảo hiểm không đúng quy chuẩn” khi đi xe gắn máy…

Số liệu hiện tại, Việt Nam có gần 50 triệu xe máy. Chỉ tính riêng trong năm 2017, có trên 3 triệu chiếc xe máy được mua mới.

img

Tới 70% tai nạn là do mô tô, xe máy.

Do hạn chế ô tô nên cứ 1.000 người dân Việt Nam mới có 16 xe.

Đây là con số rất thấp so với các nước trong khu vực như Malaysia (341 xe/1.000 dân); Thái Lan (196 xe/1.000 dân) hay Indonesia (55 xe/1.000 dân)...

Tại thị trường Việt Nam, ô tô lâu nay vẫn được xem là phương tiện “xa xỉ” và việc bảo hộ cho ngành ô tô trong nước cũng khiến chi phí, giá tăng cao.

Dù trong hơn 20 năm qua, tỉ lệ nội địa hóa vẫn rất thấp, chi phí sản xuất tăng, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất ô tô vẫn gần như “bằng không”.

Đơn cử, một chiếc Toyota Camry được xem là bình dân tại các nước với giá bán tầm 20.000 USD (400 triệu đồng) tùy dung tích, về Việt Nam có giá bán trên 1 tỉ đồng, cộng thêm các loại phí để lăn bánh cũng ngót nghét 1,5 tỉ đồng.

Với mức giá ấy, không phải người dân nào cũng có thể mua được.

img

Giá bán các mẫu xe Camry, Corolla Altis, Yaris 2018 tại nhiều nước.

Tương tự, chiếc Corolla Altis với giá niêm yết tại các nước là 18.000 USD cũng được bán tại Việt Nam với giá gần 1 tỉ đồng, cộng thêm các loại phí khác, trên 1 tỉ đồng.

Hay như chiếc xe “sang” Toyota Landcruiser Prado có giá vốn 50-53.000 USD tùy phiên bản nhưng khi về Việt Nam để lăn bánh, người tiêu dùng phải bỏ tới 2,6 tỉ đồng.

Tại Việt Nam, toàn bộ các loại thuế đánh trên xe ô tô được tính gộp vào giá bán: Thuế nhập khẩu lên tới 70%; thuế tiêu thụ đặc biệt lên tới 150%; thuế giá trị gia tăng 10% và phí trước bạ 15%...

Như vậy, với 1,5 tỉ đồng cho một chiếc xe Camry thì người tiêu dùng đã phải bỏ gần 1 tỉ đồng tiền thuế các loại được gộp vào giá bán của xe.

Giá vốn thực sự của một chiếc Camry cao nhất chỉ là 500 triệu đồng.

Tương tự, chiếc Corolla Altis ở trên có giá vốn 18.000 USD tại các nước, phải chịu thuế, phí tới hơn 600 triệu đồng tiền Việt.

Và Toyota Landcruiser Prado với giá vốn chỉ hơn 50.000 USD (cỡ 1 tỉ đồng), người tiêu dùng phải bỏ ra 1,6 tỉ đồng cho thuế, phí và lợi nhuận bán hàng của đại lý.

Với giá bán một gấp ba như vậy, ô tô - phương tiện giao thông rất đỗi bình thường, thông dụng tại nhiều nước hơn 100 năm qua trở thành mặt hàng ngoài tầm với của đại đa số người dân.

img

Ô tô bị áp thuế quá cao khiến giá bán gấp nhiều lần giá vốn nên hầu hết người tham gia giao thông buộc phải lựa chọn xe máy làm phương tiện chính dù biết đây là phương tiện kém an toàn.

Thế nên dù biết xe máy là kém an toàn nhưng việc sở hữu một chiếc xe hơi lại rất khó khăn với hầu hết người dùng nên phần lớn vẫn phải lựa chọn xe máy làm phương tiện giao thông chính.

Trong bối cảnh các hình thức, phương tiện giao thông công cộng còn hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả, lo ngại hạ tầng giao thông bị áp lực, tắc đường vì ô tô liệu rằng đã thuyết phục?

Cải thiện năng lực hạ tầng giao thông hay làm sao không để xảy ra tắc đường (thực tế cũng chỉ xảy ra tại các thành phố lớn như Hà Nội hay TP.HCM) là trách nhiệm về quản lý.

Đâu thể “đổ lỗi” cho người dân hay bắt người dân phải “gánh vác” trách nhiệm này qua việc phó mặc cho xe máy tự do tăng trưởng và hạn chế ô tô.

Đâu thể vì sợ “khó quản” mà “cấm” để cho “an toàn”.

Chừng nào ô tô - phương tiện ưu việt hơn xe máy, thông dụng tại hầu hết các nước cả trăm năm qua vẫn được coi là mặt hàng xa xỉ, là “tội đồ” gây áp lực lên hạ tầng giao thông, là nguyên nhân gây tắc đường nên phải “cấm” và xe máy vẫn là phương tiện giao thông chính yếu thì việc giảm thiểu tai nạn giao thông, giảm số người mất mạng vì tai nạn giao thông vẫn sẽ khó có lời giải.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem