TS Du nói: “Cái gì mạnh lên ai cũng thích nhưng có cái mạnh lên rất đáng sợ đó là đồng tiền vì nó ảnh hưởng trực tiếp tới sức cạnh tranh của nền kinh tế”. TS. Du cũng nhấn mạnh: “Nước nào muốn cải thiện kinh tế thì đồng tiền càng yếu, càng tốt cho kinh doanh trong nước và cho cả xuất khẩu”.
Ông Du đã đưa ra một ví dụ của Nhật Bản năm 1949 khi bị Mỹ áp đặt tỷ giá giữa USD và Yên Nhật là 360 Yên đổi lấy 1 USD. “Lúc đó người Nhật cảm thấy vô cùng đau đớn vì đồng tiền gần như mất giá trị nhưng chính vì đồng tiền bị định giá thấp như vậy mà người Nhật đã vươn lên trở thành nền kinh tế lớn, cạnh tranh với việc đẩy mạnh cải cách trong nước, gia tăng xuất khẩu” - ông Du nói.
Trở lại câu chuyện của Việt Nam, ông Du cho rằng, nới tỷ giá làm tăng nợ công là một quan niệm “sai lầm”. Theo vị chuyên gia này, nợ nước ngoài phải trả bằng tiền nước ngoài là đương nhiên. Nếu nới tỷ giá sẽ có lợi cho xuất khẩu hàng hóa, cho cạnh tranh. Bởi khi đó, ngoại tệ thu về từ các hoạt động kinh doanh, xuất khẩu sẽ nhiều lên, nền kinh tế sẽ tốt hơn lên và khả năng trả nợ cũng sẽ tốt hơn, có nghĩa “đồng tiền yếu khiến cho việc trả nợ nước ngoài tốt hơn là đồng tiền mạnh” - ông Du nêu quan điểm.
PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn - Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế (ĐHQG Hà Nội) thì nêu thực tế: Vấn đề tỷ giá hiện nay đang đầy tranh luận cho thấy nó vô cùng nhạy cảm. Câu hỏi không có câu trả lời hiện nay là điều gì đang xảy ra trên thị trường ngoại hối?
Theo ông Sơn, nới tỷ giá về vi mô sẽ tác động tới xuất nhập khẩu, đầu tư nước ngoài; còn về vĩ mô là lạm phát, nợ công… Do vậy, quan điểm của ông Sơn là việc duy trì ổn định tỷ giá VNĐ/USD danh nghĩa như hiện nay, trong bối cảnh nhiều đồng tiền mạnh đã giảm giá, sẽ khiến đồng Việt Nam ngày càng bị đánh giá cao. Điều này đang tích lũy những bất ổn vĩ mô tiềm tàng, đồng thời gây ảnh hưởng tiêu cực tới nông nghiệp, du lịch và những ngành xuất khẩu thâm dụng lao động.
Chuyên gia kinh tế Lê Quốc Phương cũng cho rằng, Việt Nam khó giữ ổn định tỷ giá trong bối cảnh hiện nay, và càng khó giữ biên độ điều chỉnh 2% từ nay đến cuối năm. Các nước lớn đều điều chỉnh tỷ giá giảm mạnh (đồng euro mất giá hơn 14%), tạo điều kiện tăng xuất khẩu trong khi thương mại toàn cầu không tăng, ảnh hưởng lớn tới xuất khẩu của Việt Nam. “Việt Nam cần cân nhắc điều chỉnh tỷ giá như thế nào cho phù hợp” - ông Phương nói.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh còn mạnh mẽ hơn khi cho rằng, nên để tỷ giá vận hành theo cơ chế thị trường. “Một ngày tỷ giá có thể biến động tăng giảm 40-50 đồng theo thị trường cũng không vấn đề gì. Người dân cần quen với việc tỷ giá lên xuống là bình thường. Có như vậy mới hạn chế được tình trạng đầu cơ nếu tỷ giá được neo giữ hành chính như hiên nay. Bởi chắc chắn khi bị neo giữ, sẽ có người có được các thông tin rò rỉ sẽ lập tức đầu cơ tiền tệ khiến tỷ giá khó kiểm soát” - ông Doanh nhận định.
Trước đó, chỉ đạo tại phiên họp thường kỳ tháng 5 của Chính phủ, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục điều hành tỷ giá theo sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, các dự báo kinh tế vĩ mô, tiền tệ và thực hiện đồng bộ các biện pháp, công cụ để đạt mục tiêu đề ra.
“Tỷ giá không chỉ nhìn trong nước mà liên quan đến toàn thế giới, các nước điều chỉnh đều ảnh hưởng tới chúng ta. Ngân hàng Nhà nước phải theo dõi sát, điều hành tỷ giá theo tín hiệu thị trường, đặc biệt phải luôn tính tới ổn định vĩ mô” - Thủ tướng nói.
Tại báo cáo tình hình kinh tế tháng 5 và 5 tháng năm 2015, Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định: Tỷ giá chịu sức ép nhất định ngay cả khi Ngân hàng Nhà nước đã tuyên bố điều chỉnh tỷ giá thêm 1% vào ngày 7.5.2015. Nguyên nhân trước hết là do 5 tháng nhập siêu lên tới gần 3 tỷ USD. Hai là tiền gửi ngoại tệ của khách hàng giảm khi tính đến 31.3.2015 huy động bằng ngoại tệ giảm 4,9%. Ba là lãi suất USD qua đêm liên ngân hàng tăng mạnh và dao động quanh khoảng 0,4- 0,8%, cao hơn mức 0,25% đầu năm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.