Cải tổ "con cưng" PVEP có xóa bỏ những đứa “con hư”?

Phi Long Thứ ba, ngày 19/06/2018 07:15 AM (GMT+7)
Góp ý về Dự thảo Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), đại diện Bộ Công Thương cho rằng, cần phải rà soát, bổ sung thông tin về tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty “con” để có phương án cụ thể là hợp nhất sáp nhập, chia tách hay giải thể, phá sản.
Bình luận 0

img

Cải tổ PVEP có xóa bỏ những đứa “con hư”? (Ảnh MH: IT)

Đồng ý giải thể chi nhánh tại Venezuela

Góp ý về Dự thảo Đề án Tái cơ cấu Tổng công ty thăm dò khai thác dầu khí (PVEP), ý kiến của Vụ Dầu khí và Than (Bộ Công Thương) cho rằng: Việc xây dựng Đề án Tái cơ cấu PVEP là cần thiết và phù hợp với chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại công văn 1182 ngày 11.8.2017.

Đối với các đơn vị phụ thuộc, Vụ Dầu khí và Than cho rằng: Xem xét xây dựng lộ trình giải thể chi nhánh PVEP Venezuela phù hợp với tình hình triển khai dự án Junin 2; xem xét kết hợp chi nhánh PVEP Vũng Tàu và PVEP TP. Hồ Chí Minh để thành lập 1 chi nhánh PVEP phía Nam nhằm quản lý và điều hành các dự án thăm dò và khai thác dầu khí ở phía Nam; đề nghị không thành lập chi nhánh mới.

Về việc cơ cấu lại công ty con, Vụ Dầu khí và Than cho biết: Nhất trí việc giải tán công ty TNHH một thành viên điều hành thăm dò khai thác dầu khí trong nước và điều chuyển toàn bộ dự án, nhân sự về PVEP; Đối với Công ty TNHH MTV Sông Hồng, thực hiện tái cơ cấu và điều chuyển về PVEP; Đề nghị xem xét không thành lập công ty dầu khí Đại Hùng, các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí mỏ Đại Hùng sẽ do chi nhánh PVEP phía Nam thực hiện.

Đối với Công ty liên doanh điều hành, Vụ Dầu khí và Than cho rằng: Chỉ kết hợp công ty điều hành chung (JOC) Hoàng Long và Hoàng Vũ JOC vì có cùng chung các nhà thầu dầu khí (PVEP, SOCO, PPT EP) trong 2 hợp đồng chia sản phẩm dầu khí Lô 16-2 và Lô 09-3. Giữ nguyên Công ty Thăng Long JOC vì các bên nhà thầu (PVEP Talisman) tại Thăng Long JOC không cùng tổ hợp nhà thầu của Hoàng Long.

Trước đó, theo thông tin trên Báo Thanh Niên, Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN)  đã tự sa lầy vào một số dự án đầu tư ra nước ngoài, trong đó có siêu liên doanh 1,8 tỉ USD vốn góp khai thác dầu tại Venezuela. Cụ thể, năm 2007, PVN xin phép Chính phủ được đàm phán với Công ty dầu khí quốc gia Venezuela về việc thành lập một liên doanh khai thác dầu giữa hai nước. Được chấp thuận, PVN giao cho công ty con là PVEP trực tiếp làm việc với TCT dầu khí Venezuela (thành viên của Công ty dầu khí quốc gia Venezuela). Tại Venezuela, PVN đã không khai thác được giọt dầu nào, đến nay đã mất trắng cả chục nghìn tỉ đồng.

img

Trong Đề án tái cơ cấu, PVEP cũng xin tạm thời hoán cổ phần hóa và trước đó PVN cũng xin giữ lại PVEP khi cổ phần hóa (Ảnh: IT)

Xin tạm thời chưa cổ phần hóa

Liên quan tới Đề án tái cơ cấu PVEP, đại diện Vụ Kế hoạch (Bộ Công Thương) cho rằng, thống nhất về chủ trương đối với việc cơ cấu lại PVEP nhằm giúp PVEP vượt qua giai đoạn khó khăn để tiếp tục phát triển ổn định và bền vững. Đối với kiến nghị của PVEP về việc chưa thực hiện cổ phần hóa Theo Quyết định số 58 ngày 28.12.2016 của Thủ tướng Chính phủ, đề nghị PVN xin ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ để có biện pháp giải quyết phù hợp.

 PVN vừa có văn bản gửi HĐTV của PVEP về việc yêu cầu hoàn thiện dự thảo Đề án cơ cấu lại PVEP trước khi cổ phần hóa. Theo đó, PVN yêu cầu PVEP hoàn thiện, bổ sung trên cơ sở góp ý của đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương và báo cáo Bộ Công Thương trước ngày 18.6 để tổng hợp, thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ.

Góp ý cho đề án tái cơ cấu của PVEP, Vụ Tổ chức cán bộ (Bộ Công Thương) thì cho rằng: Theo Quy định tại khoản 2, điều 37, luật số 69/2014, doanh nghiệp thực hiện sắp xếp lại theo các hình thức: Hợp nhất, sát nhập, chia tách doanh nghiệp; giải thể, phá sản doanh nghiệp.

Do đó, để có cơ sở xem xét, đề xuất phương án xử lý hợp lý đối với các công ty con, đề nghị cần rà soát, bổ sung tình hình sản xuất kinh doanh của các công ty con tại Đề án. Mặt khác, cần rà soát ngành nghề đầu tư kinh doanh của PVEP để tính phương án cơ cấu hợp lý các ngành nghề phù hợp khả năng chuyên môn và vốn của doanh nghiệp, tránh đầu tư dàn trải.

Còn Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Công Thương thì cho rằng, tại Đề án tái cơ cấu, PVEP phải có kế hoạch cắt giảm nhân sự cụ thể, không ghi chung chung giảm khoảng 300 người để đảm bảo tính khả thi của đề án. Ngoài ra, lãnh đạo của vụ này cũng cho rằng, PVEP cần có phương án sắp xếp lao động, nhất là lao động trung gian để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.

Trước đó, theo Đề án tái cơ cấu PVN vừa được gửi hỏa tốc lên Bộ Công Thương thể hiện sau năm 2025, về cơ bản tập đoàn hoàn thành tái cơ cấu toàn diện, chỉ còn 3 lĩnh vực: thăm dò khai thác, khí, chế biến dầu khí. Đối với các đơn vị PVN nắm 100% vốn điều lệ sẽ giảm từ 5 xuống còn 2 đơn vị là PVEP và Công ty TNHH một thành viên công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS). Như vậy, sau khi triển khai cuộc “đại cải tổ”, PVN vẫn giữ lại “con cưng” là PVEP với mức 100% vốn ngoài một đơn vị nữa là DQS.

     

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem