Có cạnh tranh giá điện mới giảm

Mai Hương Thứ sáu, ngày 30/01/2015 08:08 AM (GMT+7)
“Nếu EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam) nghe theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) tăng giá điện tới 40% trong 3 năm tới thì nền kinh tế sẽ chỉ có… phá sản thay vì sự “dọa” phá sản của EVN” -  chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan đã khẳng định như vậy.
Bình luận 0

Bất hợp lý với thị trường

Trao đổi với NTNN, chuyên gia kinh tế Phạm Minh Thụy (Viện Kinh tế-Tài chính) cho rằng: “Việc WB khuyến nghị Việt Nam tăng giá điện đã diễn ra từ 20 năm trước chứ không phải bây giờ. Tuy nhiên, mục tiêu của việc tăng giá điện là để giúp cho thị trường điện của ta lành mạnh, bền vững; khuyến khích được đầu tư từ doanh nghiệp, chứ không chỉ của nhà nước để đảm bảo điện cho nền kinh tế. Do vậy, không phải WB kiến nghị tăng giá điện thế nào thì chúng ta cứ phải theo khuyến nghị của họ”.

img
Công nhân điện lực duy tu, bảo trì lưới điện tại huyện  Ứng Hòa (Hà Nội).  Ảnh: Mạc Ly
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nêu quan điểm: “Chúng ta phải có thị trường điện cạnh tranh thì mới có giá điện cạnh tranh. Vấn đề bất cập hiện nay là người ta đang không tạo ra sự cạnh tranh cho thị trường điện. Do vậy, giá điện cạnh tranh theo thị trường sẽ không đạt được kết quả nếu giải pháp để thực hiện nó đang sai như hiện nay”. Bà Lan bày tỏ, việc Bộ Công Thương nói không tăng giá điện EVN sẽ phá sản là một sự “dọa dẫm”, bất hợp lý với Nhà nước và với cả thị trường điện. “Dọa như vậy là để Chính phủ thấy “ngại” mà cho phép tăng giá điện, người dân thấy “ngại” phải chấp nhận việc giá điện tăng lên, tôi cho đây là cách tiếp cận hoàn toàn sai”- bà Lan nói.

 

Thực tế theo vị chuyên gia này, nếu có sự cạnh tranh lúc này thì giá điện chắc chắn sẽ giảm chứ không phải tăng. Song EVN đang gần như hoạt động độc quyền và được bao bọc, che chở bởi chính cơ quan chủ quản nên chỉ biết đòi tăng giá điện chứ không nghĩ đến việc giảm giá xuống.

Nền kinh tế sẽ phá sản, nếu…

Quan điểm

Ông Vũ Vinh Phú  - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội
  Doanh nghiệp sẽ không thể cạnh tranh được nếu đầu vào là giá điện tăng mạnh như đề xuất hiện nay”.   
Theo bà Phạm Chi Lan, khuyến nghị tăng giá điện tới 40% trong 3 năm của WB chắc chắn cần phải xem lại, cách tính của họ dựa trên cơ sở nào, bối cảnh nào. “Bao nhiêu khuyến nghị cải cách của họ không phải ta đều nghe hết. Vậy tại sao chỉ khuyến nghị tăng giá điện lên 40% ta lại chú trọng đến vậy. Tôi cho rằng, Việt Nam không thể thực hiện theo khuyến nghị này của WB. Bởi làm như vậy là chúng ta đang lạm dụng lời khuyên của người ta cho việc của mình. Chưa kể, nếu tăng tới 40% dù trong 3 năm tới thì nền kinh tế Việt Nam cũng sẽ đi tới chỗ phá sản thay vì sự “dọa” phá sản của EVN”-bà Lan quả quyết.

 

Ông Phạm Minh Thụy thì khẳng định: Tăng giá điện chắc chắn sẽ tác động mạnh tới lạm phát, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. “Các doanh nghiệp với công nghệ tiêu hao năng lượng lớn song không phải cứ tăng giá điện mạnh sẽ làm họ chuyển giao công nghệ ngay được. Hiện doanh nghiệp sắt, thép, xi măng đang tiêu tốn điện rất lớn, có thể nói là phung phí điện song giá điện vẫn chỉ nên tăng vừa phải để các doanh nghiệp này dần điều chỉnh”- ông Thụy nói.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đồng tình và cho rằng, bối cảnh hiện nay, đầu vào của nền kinh tế đang giảm thì người dân khó có thể chấp nhận việc ngành điện lại đòi tăng giá mà lại nêu khuyến nghị của WB là tăng giá tới 40%. “Dù lâu dài, giá điện phải theo thị trường thì EVN cũng phải có sự lý giải hợp lý, tăng bao nhiêu, như thế nào, chứ không chỉ “nghe theo” những khuyến nghị chỉ có lợi cho mình”-ông Long nhấn mạnh.

Sửa đổi quy định về giá điện bán lẻ 

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải tại cuộc họp về các giải pháp chiến lược cải thiện tình hình tài chính EVN và các đơn vị thành viên. Theo đó, Phó Thủ tướng giao Bộ Công Thương đẩy nhanh quy trình đàm phán các hợp đồng xây dựng- vận hành – chuyển giao (BOT), đảm bảo quyền lợi của các chủ đầu tư và bên mua điện, dự án vận hành đúng tiến độ. Bên cạnh đó, phối hợp với Bộ Tài chính, chỉ đạo EVN xây dựng phương án để Bộ Công Thương trình Thủ tướng Chính phủ sửa đổi Quyết định số 69/2013/QĐ-TTg ngày 19.11.2013 quy định về cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân và Thông tư số 12/2014/TT-BCT ngày 1.6.2014 quy định tính toán mức giá bán lẻ điện bình quân theo hướng: Nếu các thông số đầu vào làm giá điện cơ sở cập nhật biến động tăng từ 3-5% so với giá điện hiện hành thì EVN được quyết định điều chỉnh giá; các Bộ Công Thương, Tài chính thực hiện công tác hậu kiểm.

Phó Thủ tướng giao  EVN khẩn trương thực hiện kế hoạch cổ phần hóa Tổng Công ty Phát điện 3 (Genco 3), đồng thời lập kế hoạch cổ phần hóa 2 tổng công ty phát điện còn lại.

Hải Minh 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem