Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM
Ông Trần Ngọc Tâm, Cục trưởng Cục thuế TP.HCM cho biết như thế liên quan đến đề xuất của TP.HCM về việc áp thuế với các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội (Facebook, Zalo...).
Thưa ông, liên quan đến việc TP.HCM đề xuất thu thuế với các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội, vậy Cục Thuế TP đã và đang triển khai vấn đề này như thế nào?
- UBND TP.HCM mới có chỉ đạo bên Cục Thuế phối hợp với Sở Công Thương thành phố để triển khai nhưng kế hoạch cụ thể như thế nào thì bên chúng tôi vẫn chưa nắm rõ vì đề án này sẽ được Sở Công Thương xây dựng và khoảng 1 tuần nữa thì mới chuyển qua cục. Tuy nhiên, việc thu thuế với các hình thức kinh doanh qua mạng xã hội là không mới với các nước trên thế giới nhưng với chúng ta thì lại khá mới nên cũng có khó khăn nhất định.
Tôi ví dụ, hiện nay có bao nhiêu doanh nghiệp đang xây dựng trang online để tiếp thị sản phẩm hoặc quảng cáo hình ảnh, có bao nhiêu cá nhân đang lập tài khoản Facebook, Zalo để kinh doanh, bán hàng? Rất khó nắm con số cụ thể các tài khoản đang có kinh doanh qua mạng, có thể 50 nghìn, 40 nghìn, 30 nghìn... hoặc con số này còn cao hơn nữa vì cơ quan quản lý hiện chưa thể bao quát hết lượng người bán hàng qua mạng xã hội. Đây là bất cập trong công tác quản lý hình thức bán hàng online, đặc biệt là ở các mạng xã hội như Facebook, Zalo...
Tuy nhiên, dù khó khăn thế nào thì sắp tới Cục Thuế sẽ phối hợp với Sở Công Thương để thống kê lại con số này, đồng thời sẽ tiến hành phân loại để kiểm soát chặt chẽ các mức thuế mà cá nhân, tổ chức phải nộp để đảm bảo nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Để làm tốt điều này, sắp tới người kinh doanh trên mạng xã hội sẽ phải cung cấp đầy đủ và chính xác thông tin như tên, địa chỉ, số điện thoại của người bán, mã số thuế cá nhân (nếu có)… cho cơ quan thuế để kiểm soát chặt chẽ hình thức kinh doanh này.
Ông đánh giá thế nào về hình thức kinh doanh qua mạng xã hội hiện nay? Nếu kiên quyết đánh thuế thì trong công tác triển khai sẽ gặp khó khăn gì?
-Thực tế, hình thức kinh doanh này đang mang lại nhiều tiện lợi cho cả người kinh doanh lẫn phía người tiêu dùng. Trước hết, nó sẽ giảm chi phí hoạt động của người kinh doanh dẫn đến giá bán các sản phẩm sẽ thấp và người tiêu dùng sẽ hưởng lợi từ điều này. Tiếp đó, người tiêu dùng có thể ngồi một chỗ mua hàng chỉ bằng một cái click chuột. Chưa kể, về phía người kinh doanh, nếu họ muốn tồn tại sẽ phải cung cấp sản phẩm hàng hóa tốt nhất với giá thấp nhất, có chính sách khuyến mãi, chăm sóc khách hàng tốt nhất... để giữ chân người tiêu dùng.
Có thể nói, kinh doanh qua mạng xã hội có rất nhiều ưu điểm và nếu kiểm soát tốt thì nguồn thuế sẽ mang lại nguồn thu không nhỏ cho ngân sách Nhà nước. Tuy nhiên, hiện nay ở Việt Nam thì giao dịch mua bán vẫn chủ yếu bằng tiền mặt nên việc giao dịch giữa người mua và người bán vẫn nằm ngoài sự kiểm soát của cơ quan chức năng. Điều này gây thất thu không nhỏ đối với ngân sách Nhà nước.
Có ý kiến cho rằng nhiều người kinh doanh qua mạng xã hội chỉ bán vài mớ rau, con cá mang đặc trưng “cây nhà lá vườn”, nếu áp thuế thì khó khăn với đối tượng này?
- Họ kinh doanh thế thì cũng giống như những tiểu thương ngoài chợ, những tiểu thương đó phải nộp thuế thì tại sao họ lại không đóng?
Sắp tới, để đảm bảo công bằng thì những ai kinh doanh qua mạng xã hội và có doanh thu đều phải đóng thuế. Tuy nhiên mức thuế như thế nào thì phía cơ quan thuế sẽ phối hợp với UBND TP, Sở Công thương để có mức thuế phù hợp với từng đối tượng kinh doanh.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.