Dự án nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương. (Ảnh minh hoạ/Nguồn: Vietnamnet)
Được coi là “Đứa con đầu lòng” của ngành đạm Việt Nam, song Công ty CP Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc (Đạm Hà Bắc) trong nhiều năm qua bị dư luận chú ý do Dự án nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương.
Trong những quý kinh doanh gần đây, Đạm Hà Bắc vẫn liên tục công bố con số lợi nhuận âm cũng như những chỉ số đáng buồn khác.
Giá than kéo dài mạch thua lỗ của Đạm Hà Bắc?
Cụ thể, Đạm Hà Bắc kết thúc quý I/2019 với mức lỗ sau thuế hơn 56,5 tỷ đồng, lỗ sau thuế hợp nhất hơn 53 tỷ đồng. Điều này đã khiến lỗ lũy kế của Đạm Hà Bắc tính tới ngày 31/3/2019 tăng lên 2.705,4 tỷ đồng, trong khi vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp chỉ còn 65,5 tỷ đồng.
Tại thời điểm 31/3/2019, Đạm Hà Bắc có tổng tài sản hơn 9.463,7 tỷ đồng trong khi khoản nợ phải trả lên tới 9.398,2 tỷ đồng. Trong đó, nợ dài hạn 6.637.4 tỷ đồng.
Giải trình kết quả kinh doanh thiếu tích cực trong quý I/2019, lãnh đạo Đạm Hà cho biết, tình hình tài chính của công ty đang hết sức khó khăn, chi phí tài chính, đặc biệt lãi phạt quá hạn tăng cao. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn cân đối đủ dòng tiền cho sản xuất liên tục.
Ngoài ra, lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho hay, trong quý I/2019, dây chuyền chạy máy 87,5 ngày, có 1 lần ngừng máy nguyên nhân do tự ngừng máy nén Man tại xưởng Phân lý không khí, thời gian ngừng máy là 2,48 ngày.
Thêm vào đó, thị trường NH3 và Ure thế giới liên tục giảm từ đầu năm, kéo giá trong nước giảm theo. Trong nước, để cạnh tranh, các đơn vị đưa ra nhiều chính sách giá áp dụng cho nhiều đối tượng, dẫn tới diễn biến thị trường cạnh tranh quyết liệt và rất phức tạp.
Còn tình hình cung ứng than hết sức khó khăn, có thời điểm phải giảm tải lò hơi để duy trì sản xuất. Hiện giá than cám trong quý tăng 65.000 đồng/tấn, giá điện tăng 8.36% làm tăng chi phí của doanh nghiệp.
Một góc nhà máy phân đạm Hà Bắc. (Ảnh minh hoạ)
Kết thúc quý II/2019, báo cáo của Đạm Hà Bắc tiếp tục cho biết, sau nửa đầu năm 2019, doanh nghiệp đã lỗ ròng 220 tỷ đồng, cao hơn mức lỗ ròng cùng kỳ năm ngoái là 167 tỷ đồng. Con số lỗ ròng vừa nêu đã đẩy lỗ luỹ kế của doanh nghiệp lên mức 2.876 tỷ đồng, còn vốn chủ sở hữu của Đạm Hà Bắc đã âm 108 tỷ đồng.
Tổng nợ phải trả đến hết ngày 30/6/2019 của Đạm Hà Bắc đã lên tới 9.470 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay là 7.439 tỷ đồng, bao gồm 1.331 tỷ đồng nợ vay ngắn hạn, 6.108 tỷ đồng nợ vay dài hạn.
Phía Đạm Hà Bắc cho biết, sở dĩ doanh nghiệp này tăng lỗ là do tình hình cung ứng than hết sức khó khăn, giá than tăng, khiến chi phí đầu vào liên tục tăng cao.
Bên cạnh đó, tình hình tài chính cũng hết sức khó khăn, chi phí tài chính, lỗ tỷ giá tăng, đặc biệt là lãi phát quá hạn tăng cao. "Tuy nhiên, công ty vẫn cân đối đủ dòng tiền cho sản xuất liên tục", ban lãnh đạo Đạm Hà Bắc cho hay.
Một chỉ số khác cho thấy tình hình khó khăn của Đạm Hà Bắc là trong quý II/2019, dây chuyền chỉ chạy máy 78 ngày, và có một lần ngừng 14 ngày để sửa chữ theo kế hoạch.
Ngoài ra, năm 2019, Đạm Hà Bắc vẫn thực hiện trích khấu hao ở mức 50% mức phải trích hàng năm theo thông báo số 647/HCVN ngày 24/5/ 2017 của Tập đoàn Hóa Chất - công ty mẹ của Đạm Hà Bắc.
“Hóc xương” vì hợp đồng EPC
Tương tự nhiều dự án khác nằm trong danh sách 12 dự án thua lỗ nghìn tỷ ngành Công Thương trước đây, với Dự án nhà máy sản xuất phân đạm Hà Bắc, vấn đề khó khăn của Dự án này chủ yếu tập trung ở việc: Khó khăn về tài chính phục vụ sản xuất kinh doanh; Tranh chấp hợp đồng EPC chưa giải quyết được do vậy chưa quyết toán hoàn thành dự án được.
Quí I/2019, tổng sản lượng của nhà máy phân đạm Hà Bắc đạt 126.098 tấn ure và 91.072 tấn NH3. (Ảnh minh hoạ)
Trong một báo cáo của Chính phủ gửi tới Quốc hội, hướng xử lý trong thời gian tới với Dự án Đạm Hà Bắc cũng tương tự như cách xử lý ở Dự án đạm Ninh Bình: Cần tập trung xử lý, làm rõ trách nhiệm, thiệt hại do các bên gây ra. Trên cơ sở đó, đánh giá lại Dự án và tiến hành phương án thoái vốn, cổ phần hóa doanh nghiệp.
Dự án cải tạo, mở rộng nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc đã chính thức nghiệm thu và đưa vào vận hành thương mại từ tháng 12/2015 đến nay. Trong thời gian vận hành Công ty liên tục bị thua lỗ. Đến thời điểm 31/12/2016, tổng lỗ lũy kế của dự án đã là 1.716 tỷ đồng (cao hơn mức lỗ kế hoạch là 986,5 tỷ đồng). Sang năm 2017, với sự nỗ lực của Chủ đầu tư và các cơ quan liên quan trong việc xử lý các vấn đề của dự án, thời gian chạy máy của nhà máy đạt 264 ngày; sản xuất 287.992 tấn urê; tiêu thụ 317.409 tấn urê và không có tồn kho; doanh thu 2.496 tỷ đồng; lỗ 611 tỷ đồng và giảm lỗ so với năm 2016 là 440 tỷ đồng.
Trong năm 2018, tổng sản lượng của nhà máy đạt 438.324 tấn ure quy đổi; doanh thu đạt 3.087 tỷ đồng; lỗ 340 tỷ đồng, giảm so với cùng kỳ là 266,2 tỷ đồng. Trong quá trình hoạt động, Hệ thống thiết bị của Nhà máy đã xảy ra nhiều sự cố, tuy không lớn, chi phí sửa chữa không nhiều nhưng phải ngừng toàn bộ hệ thống, tốn thời gian vận hành và chi phí chạy thử (khoảng 10 tỷ đồng/lần).
Trong Quí I/2019, tổng sản lượng của nhà máy đạt 126.098 tấn ure và 91.072 tấn NH3; tổng sản lượng tiêu thụ đạt 73.161 tấn urê và 18.362 tấn NH3; doanh thu đạt 723,23 tỷ đồng; lỗ 56,3 tỷ đồng, giảm lỗ 30,25 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2018.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.