Đánh thuế 45% tài sản “bất minh”: Bộ trưởng Bộ Tư Pháp nói gì?

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 19/03/2018 10:22 AM (GMT+7)
Trả lời chất vấn của các ĐBQH về vấn quy định đánh thuế 45% với tài sản "bất minh" của quan chức đang gây tranh cãi, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, ông là thành viên Chính phủ nên sẽ tuân theo ý kiến của Chính phủ.
Bình luận 0

img

Bộ trưởng Lê Thành Long trả lời chất vấn của các ĐBQH

Trả lời chất vấn của các ĐBQH tại phiên họp chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra sáng 19.3, về việc đánh thuế đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức vừa được bổ sung tại dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết: “Dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi) là một dự án luật khó. Tới bây giờ dự án Luật đã được xem xét trình ra kỳ họp Quốc hội sắp tới nhưng vẫn còn ý kiến khác nhau. Về phía Bộ Tư pháp đã có báo cáo thẩm định từ trước, sau này soạn thảo Luật Bộ cũng được mời tham gia.

Việc xử lý tài sản tham nhũng là vấn đề chúng ta đang thảo luận. Có ý kiến trình lên là tài sản bất minh, không chứng minh được nguồn gốc thì đánh thuế. Tôi là thành viên của Chính phủ thì tuân thủ ý kiến của Chính Phủ.

Song tôi xin có ý kiến bổ sung, theo công ước Liêp Hiệp Quốc về phòng chống tham nhũng thì những gì chứng minh được là ổn, không chứng minh được thì tịch thu, xử lý hình sự. Riêng Trung Quốc thì xử lý hình sự ngay.

Riêng Việt Nam làm ngay như thế không được. Nên quan điểm của Bộ là với tài sản không chứng minh được nguồn gốc thì tố tụng, đưa ra tòa xem xét, giống tài sản bị chiếm hữu không có căn cứ”.

Trước đó, trao đổi với Dân Việt về việc đánh thuế 45% đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực của cán bộ công chức, TS. Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho biết, một trong những hạn chế lớn nhất của Luật phòng chống tham nhũng hiện nay chính là chúng ta chưa có công cụ đủ mạnh để kiểm soát tài sản của cán bộ, công chức.

“Thời gian qua, dư luận xôn xao về những khối tài sản lớn của quan chức và nghi ngờ nó có nguồn gốc từ tham nhũng. Tuy nhiên, để chứng minh nguồn gốc khối tài sản này là không dễ dàng, bởi các quy định hiện hành chưa tạo khả năng kiểm soát tốt hành vi không trung thực trong kê khai tài sản của cán bộ công chức”.

Theo báo cáo của Chính phủ trước Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư cuối năm 2017 vừa qua, thì việc thu hồi tài sản tham nhũng vô cùng khó khăn, do đối tượng tham nhũng đã chi tiêu, tẩu tán tài sản, biến hóa tài sản tham nhũng thành các tài sản thuộc sở hữu của người thân, quen.

Trong khi đó, pháp luật chưa có cơ chế thu hồi khả thi, nói cách khác là còn vướng ngang, vướng dọc. Không tính đến khối tài sản chưa được phát hiện, thì đối với tài sản đã phát hiện cũng mới thu được một phần.

Hiện con đường duy nhất để thu hồi tài sản tham nhũng là thông qua bản án hình sự, sau khi đã chứng minh được hành vi tham nhũng và tài sản của người bị kết án được xác định là có nguồn gốc từ hành vi đó. Trong rất nhiều vụ việc cán bộ công chức bị tố có “tài sản khủng” thì việc chứng minh qua hình thức này gần như không khả thi. Đó là nguyên nhân khiến việc thu hồi tài sản tham nhũng trong thời gian qua gần như không đáng kể”, TS. Lê Thanh Vân nói.

Cũng theo TS. Lê Thanh Vân, việc kê khai không đầy đủ, không trung thực không có nghĩa tài sản đó là bất hợp pháp. Việc thu thuế không có nghĩa là “đóng dấu” hay hợp pháp hóa tài sản đã che dấu.

Xét về bản chất, việc kê khai không trung thực có thể có hai khả năng: Khả năng thứ nhất, là người kê khai muốn che dấu thu nhập, tài sản để không làm gia tăng trong hồ sơ của mình, nhằm né tránh sự soi xét khi có cơ hội thăng tiến; hoặc cũng có thể thu nhập, tài sản ấy chưa hoàn tất thủ tục pháp lý, hay chưa đóng thuế. Khả năng thứ hai là che dấu thu nhập, tài sản ấy vì tham nhũng hoặc do vi phạm pháp luật mà chưa bị phát hiện.

Rõ ràng, nếu có đủ căn cứ xác định bản chất của việc kê khai như trên, với khả năng thứ nhất thì việc truy thu thuế (chứ không nên đánh thuế như đề xuất 45%) là hoàn toàn đúng và có thể xử lý kỷ luật hành chính vì hành vi thiếu trung thực.

Khả năng thứ hai, việc đánh thuế chính là hợp thức hóa cho hành vi vi phạm hay tham nhũng, cho dù mức thuế gấp đôi như đề xuất thì kẻ vi phạm hoặc tham nhũng vẫn có lợi.

Vì vậy, ở tình huống này là phải tịch thu và xử lý đương sự theo pháp luật. Những ai tiếp tay cho hành vi hợp thức hóa thu nhập, tài sản ấy (như đứng tên hộ, ký giả hợp đồng vay mượn...) đều bị coi là đồng phạm.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem