ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)
Tuần làm việc thứ hai của kỳ họp thứ 7 Quốc hội khoá XIV sắp khép lại. Vấn đề tăng giá điện 8,36% khiến hoá đơn tiền tiện của nhiều hộ gia đình tăng “sốc” vốn đã tạo ra nhiều ý kiến trái chiều từ thời điểm cuối tháng 3/2019, nay tiếp tục thu hút sự tham gia ý kiến của nhiều vị ĐBQH tại phiên thảo luận tại hội trường Quốc hội về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019.
Theo ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận), từ thuở khai sinh ngành điện, giá điện luôn theo quy tình bất biến là tăng rồi, tăng nữa, tăng mãi. Người dân ủng hộ chủ trương chung về giá điện nhưng điều người dân cần là công bằng, minh bạch và hợp lý.
“Kỳ tăng giá điện qua nhiều mập mờ cần làm rõ. Trước hết, người dân có lý khi nghi ngờ tăng giá điện chỉ 8,36% là không chuẩn xác khi số tiền điện họ trả cho nhà đèn trong tháng đầu tiên tang giá điện nhiều gấp đôi thậm chí gấp ba. Họ không phải không biết việc sử dụng điện tăng do thời tiết nắng nóng”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương bức xúc.
Giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ phải lấy làm gốc dù chia 6 bậc hay 100 bậc thì giá bán lẻ điện bình quân phải được chấp hành, không được thay đổi. “Tôi có hỏi một số chuyên gia thì họ cho rằng, việc chia bậc bao gồm cả nguyên tắc khuyến khích tiết kiệm thì giá bán lẻ điện bình quân chưa đúng với quyết định của Chính phủ. Bên có lợi đương nhiên là doanh nghiệp, không phải người dân", ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh.
ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương cho biết thêm, trong một buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp, cử tri nói điều thấy đáng suy nghĩ. "Cử tri nói: Đất nước phát triển đời sống người dân nâng cao, ấy vậy mà mức tiêu dùng điện thì duy trì ở mức thấp, tối thiểu 50-100kWh chỉ phù hợp hộ gia đình nghèo, ở vùng khó khăn. Người dân ủng hộ chủ trương tiết kiệm điện nhưng phải phù hợp với thực tiễn, không phải tiết kiệm bằng mọi giá”.
“Không phải ngẫu nhiên EVN chọn thời điểm chuyển mùa để tăng giá điện, cứ tăng đổ cho thời tiết là hợp lý nhất, không cần giải thích nhiều. EVN và cơ quan quản lý Nhà nước cứ so sánh giá điện Việt Nam thấp, tôi cho là nếu chỉ so sánh đầu ra không so sánh đầu vào là khập khiễng
Chưa kể một doanh nghiệp độc quyền như EVN được Nhà nước ưu đãi đủ thứ, chưa tính việc thất thoát điện năng do quản lý và kỹ thuật, so sánh có giống nhau đâu mà so sánh. Đó là chưa nói thu nhập đầu người của Việt Nam còn thấp.
Có một việc đáng so sánh là ở một số nước do nắng nóng họ quyết định giảm giá cho người dân đỡ khó khăn sao chẳng thấy ai so sánh. Cứ rao giảng tăng giá các bên được lợi nhưng thực tế với người dùng lợi đâu chả thấy mà răng chẳng còn”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương bức xúc.
Theo ông Nguyễn Sỹ Cương, lần nào tăng giá điện, EVN cũng giải thích nhằm có kinh phí tái đầu tư ngành điện, song một DN độc quyền nên tiếp tục hay không? Liệu lộ trình bán buôn bán lẻ điện cạnh tranh thực hiện được không?... Thêm vào đó, một số dự án ngành điện đều chậm tiến độ và sự thất thoát chậm tiến độ là tất yếu.
“Tôi đề nghị cho công bố kết luận Thanh tra Chính phủ về tình hình giá điện”, ĐBQH Nguyễn Sỹ Cương đề xuất.
ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận)
Còn theo ĐBQH Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận), tăng giá điện ở thời điểm hiện tại là chưa phù hợp, dù việc tăng giá điện đã được tính toán và nằm trong lộ trình. Đại biểu Phúc đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra, có đúng trình tự, quy định không, nếu sai thì xử lý ra sao.
Ngoài ra, ĐBQH Nguyễn Thị Phúc bày tỏ lo ngại: “việc tăng giá điện dễ tạo hiệu ứng té nước theo mưa, các mặt hàng phục vụ sản xuất, tiêu dùng, kinh doanh sẽ đồng loạt tăng giá gây bức xúc cho nhân dân”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.