Doanh nghiệp Việt Nam còn chưa tự tin vào sản phẩm của mình

Thuận Hải Thứ sáu, ngày 29/06/2018 14:00 PM (GMT+7)
Dù sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu nhưng nếu doanh nghiệp, doanh nhân còn chưa tự tin vào chính sản phẩm của mình thì việc phát triển ra thị trường thế giới sẽ rất khó khăn, chưa kể, sản phẩm sẽ còn thua ngay trên sân nhà trong thời đại mở như hiện nay.
Bình luận 0

TS Nguyễn Thanh Mỹ - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV), nhận định, như vậy tại Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 3 (2018 – 2023) của hiệp hội, tổ chức sáng nay ở TP.HCM.

Theo TS Mỹ, trên thực tế, rất nhiều sản phẩm nông sản, thực phẩm Việt Nam có chất lượng tốt, khả năng cạnh tranh cao so với các nước trên thị trường thế giới. Đó là chưa kể, rất nhiều món ăn truyền thống của Việt Nam rất ngon, được lòng người tiêu dùng.

Vấn đề hiện nay là người Việt Nam chưa tự tin vào bản thân mình cũng như các sản phẩm truyền thống trong nước. Do đó, việc đầu tư phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh ra thị trường thế giới còn hạn chế. Hiện nay, một số doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đầu tư kinh doanh sản phẩm trong nước và đang phát triển rất tốt.

img

Nhiều doanh nhân Việt Nam sau nhiều năm ở nước ngoài đã trở về nước để đầu tư. Trong ảnh: Khu vườn Minh Trân do một doanh nhân người Việt Nam tại Nhật Bản xây dựng. 

Để hàng Việt Nam, trong đó có nông sản, có thể sánh ngang với các nước khác, cần có thêm thời gian. Ví dụ như sản phẩm gạo Việt Nam, cả nước đã tốn hơn 40 năm để phát triển từ một quốc gia thiếu ăn, phải ưu tiên an ninh lương thực đến một trong những quốc gia đứng đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Do đó, Việt Nam cũng sẽ cần 5 – 10 năm nữa để nâng “hạng mức” sản phẩm gạo Việt Nam lên thành sản phẩm chất lượng cao.

Trong 5 – 10 năm này, có rất nhiều khâu trong quy trình sản xuất tiêu thụ lúa gạo cần được cải thiện, ví dụ hiện nay, chuỗi lúa gạo Việt Nam gồm sáu khâu, từ giống, sản xuất, thu hoạch, vận chuyển, chế biến, tiêu thụ… Hầu như các khâu trong chuỗi này đều có chút vấn đề. Do đó việc cần làm là giải phóng sức lao động của nông dân bằng cách tăng cường cơ giới hóa, áp dụng khoa học kỹ thuật, hạn chế khâu trung gian.

Còn đối với các sản phẩm lương thực, tiêu dùng khác, doanh nghiệp Việt Nam muốn phát triển bền vững và cạnh tranh được với các đối thủ mạnh khác trên thế giới, doanh nghiệp cần “đầu tư thật” hơn, nghĩa là không được làm ăn gian dối, chụp giật…

Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ trở thành 1 trong 4 quốc gia có sức cạnh tranh hàng đầu trong khu vực ASEAN. Mục tiêu này có thực hiện được hay không một phần phụ thuộc vào sự đóng góp của đội ngũ doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài, thông qua việc góp ý cải cách các thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư cũng như trao đổi những kinh nghiệm phát triển kinh tế từ các nước.

Bên cạnh đó, mỗi doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài sẽ đóng vai trò đại sứ kinh tế của Việt Nam, là cầu nối kết nối giữa doanh nghiệp trong nước và nhà đầu tư nước ngoài, là người giới thiệu sản phẩm, nông sản của Việt Nam đến đất nước mình đang sinh sống…

img

Phó Thủ tướng Trương Hòa BÌnh cho rằng, Việt Nam luôn cố gắng giảm các thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho kiều bào Việt Nam từ các nước về phát triển kinh tế.

Tham dự chương trình Kết nối doanh nhân kiều bào với doanh nghiệp Việt, Đại hội Đại biểu nhiệm kỳ 3 (2018 – 2023) tổ chức sáng nay ở TP.HCM, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình thông báo hiện có khoảng 3.000 doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại Việt Nam với tổng số vốn 4 tỷ USD. Các dự án mang lại hiệu quả tích cực, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong nước.

Trong những năm qua, nhiều doanh nhân người Việt Nam đã có tên trong danh sách tỷ phú của thế giới, đóng góp rất lớn trong công cuộc xây dựng đất nước thông qua các hoạt động kinh tế.  Việt Nam Vcũng là 1 trong 10 nước nhận kiều hối nhiều nhất trên thế giới.

Phần trong nước, Việt Nam thời gian qua đã rà soát, cắt giảm hơn 50% các thủ tục hành chính nhằm tạo thuận lợi hơn cho nhà đầu tư. Theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới, xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam trong năm 2017 đã tăng 14 bậc, từ 82 lên hạng 68.

img

Đã có nhiều doanh nhân người Việt Nam có tên trong danh sách tỷ phú USD của thế giới.

Trong năm nay, Việt Nam cũng đặt mục tiêu tăng thêm từ 8 – 18 bậc trong xếp hạng môi trường đầu tư, kinh doanh, từ đó, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư từ các nước, đặc biệt là doanh nhân người Việt Nam ở nước ngoài.

“Kiều bào cần tăng cường hơn nữa vai trò cầu nối của người Việt Nam và các đối tác quốc tế, là đại sứ kinh tế cho quê hương ngay tại nước mình sinh sống. Ngoài ra, kiều bào cũng cần gắn kết với nhau, đẩy mạnh hợp tác để tạo sức mạnh chung cho cả cộng đồng”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Được thành lập từ năm 2009, Hiệp hội Doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài (BAOOV) là tổ chức xã hội nghề nghiệp của cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài. Hiệp hội hoạt động với mục đích hợp tác, chia sẻ thông tin giữa các doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam trên khắp thế giới. Từ đó, thúc đẩy mối quan hệ hợp tác trên các lĩnh vực kinh tế, thương mại, khoa học và công nghệ, góp phần vào sự nghiệp phát triển đất nước. Hiệp hội hiện có khoảng gần 300 hội viên với các đại diện tại nhiều quốc gia như Mỹ, Anh, Úc, Malaysia, Thái Lan, Trung Quốc…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem