Chỉ định nhà thầu Trung Quốc sai quy định
Thời gian qua, Dân Việt đã phản ánh những lùm xùm trong kế hoạch mua toa xe hàng cũ từ Trung Quốc của ĐSVN. Vụ việc cho đến nay vẫn chưa có quyết định cuối cùng của Bộ GTVT.
Đến nay, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ ra những góc khuất trong việc đầu tư dự án mua đầu máy, toa xe từ những năm trước đó.
Cụ thể, đối với Dự án đóng mới 300 toa xe hàng có giá trị trên 2 tỉ đồng đã được ĐSVN lựa chọn nhà thầu theo hình thức chào hàng cạnh tranh là sai quy định Luật Đấu thầu.
Bên cạnh đó, ĐSVN chỉ định nhà thầu là Công ty TNHH Đầu máy Tư Dương – Tập đoàn Đầu máy Toa xe Phương Nam Trung Quốc trúng gói thầu cung cấp thiết bị tổng thành, phụ kiện phục vụ lắp ráp chế tạo đầu máy D19E nhưng không có trong Kế hoạch đấu thầu của dự án được duyệt là sai quy định theo Nghị định 85/2009/NĐ-CP của Chính phủ.
Các tài sản hình thành từ dự án 300 toa xe hàng, dự án lắp ráp đầu máy kể trên đã đưa vào sử dụng từ năm 2011 nhưng thời điểm Thanh tra Chính phủ kiểm tra (tháng 1.2015) chưa quyết toán là sai quy định.
Đối với các dự án đầu tư xây dựng giai đoạn 2010 – 2013, có đến 24/31 dự án chậm tiến độ. Trong đó có nhiều dự án chậm tiến độ nhiều năm.
Thanh tra Chính phủ đã “điểm mặt chỉ tên” các dự án như Dự án nâng cấp tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn chậm hơn 10 năm; Dự án thay tà vẹt K1, K2 chậm 7 năm; Dự án cải tạo, nâng cấp tải trọng các cầu yếu còn lại trên tuyến Hà Nội TPHCM chậm hơn 3 năm; Dự án hiện đại hóa thông tin tín hiệu đường sắt Vinh – Sài Gòn giai đoạn 1 chậm 7 năm.
“Các dự án chậm tiến độ làm tăng chi phí đầu tư rất lớn. Riêng 2 dự án thông tin tín hiệu ( chậm 6 – 7 năm) đã làm phát sinh phí cam kết vay vốn phải trả tăng do chậm tiến độ 37 tỉ đồng, một số dự án phải điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng đến 100%” – Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho biết.
Đấu thầu nhiều sai sót
Trong quá trình thực hiện các dự án đầu tư, hoạt động tổ chức đấu thầu của ĐSVN đã lộ ra nhiều sai sót.
Theo Thanh tra Chính phủ, việc đấu thầu các dự án hầu hết để chậm, không đăng tải các thông tin đấu thầu theo đúng quy định. Tại một số dự án, chủ đầu tư phê duyệt kế hoạch đấu thầu khi chưa có dự toán được duyệt.
Cụ thể như ở Dự án thay tà vẹt K1, K2 chủ đầu tư đã ký hợp đồng với nhà thầu không căn cứ vào kết quả đấu thầu. Thanh tra Chính phủ xác định đây là việc làm thiếu minh bạch và trái quy định Luật đấu thầu; các gói thầu chậm tiến độ nhưng chủ đầu tư không xử phạt nhà thầu theo cam kết hợp đồng.
Chưa hết, tại gói thầu VNR-WB4-02 chủ đầu tư đã phê duyệt Kế hoạch đấu thầu với giá trị gói thầu tạm tính 2,2 tỉ và được đấu thầu rộng rãi. Nhưng sau đó lại chia thành 3 gói, các gói thầu nhỏ này về bản chất là 1 gói thầu thực hiện cùng thời điểm, có tính chất tương tự.
Việc chia thành các gói thầu nhỏ để chỉ định thầu là sai quy định. Từ việc chia gói thầu như trên, chủ đầu tư đã phê duyệt các chi phí khác tăng sai hơn 1 tỉ đồng do áp dụng tỉ lệ phí cao hơn 1 gói.
Việc thanh lý tài sản cố định của ĐSVN cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra những sai sót nhất định.
Cụ thể, từ năm 2010 – 2013, việc thanh lý đầu máy, toa xe, vật tư phụ tùng thu hồi nguyên giá là 106 tỉ, bán thanh lý là 25 tỉ, thanh lý vật tư thu hồi tại khối các công ty quản lý hạ tầng là 21 tỉ đồng.
Tuy khối lượng tài sản được thanh lý có quy mô rất lớn nhưng ĐSVN và các đơn vị thành viên đã không thực hiện đấu giá theo quy định mà bán theo Đơn xin mua thanh lý của các đơn vị trong ngành.
Đối tượng được mua thanh lý tài sản phải sử dụng lại trong ngành. Thế nhưng, Công ty TNHH MTV Xuất nhập khẩu và Thương mại tổng hợp – đơn vị mua hầu hết tài sản cố định thanh lý, sau đó đã bán ra thị trường, chứ không phải mua để tận dụng lại như phương án trình mua thanh lý đã được Tổng Công ty chấp thuận.
Dù kinh doanh chưa hiệu quả, nhưng ĐSVN vẫn “tích cực” đầu tư ngoài ngành, đầu tư vào các công ty con.
Thanh tra Chính phủ cho biết vốn đầu tư ra ngoài doanh nghiệp của ĐSVN năm 2010 là 481 tỉ đồng và đến năm 2013 là 531 tỉ đồng. Trong đó, khoản đầu tư vào Công ty liên doanh MINZX từ khi thành lập năm 1996 đến nay không có lợi nhuận, số vốn góp 1,7 tỉ đồng đã mất phải trích lập dự phòng nhưng chưa được xử lý theo quy định.
Đồng thời, việc quản lý lợi nhuận, cổ tức được chia lỏng lẻo, số nợ đọng kéo dài chưa thu được 84,6 tỉ đồng. Trong đó các Công ty TNHH MTV nợ 31,2 tỉ đồng, các công ty liên doanh liên kết nợ 47,8 tỉ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.