Hà Văn Thắm đã “thổi” và đẩy OceanBank đến thua lỗ nghìn tỷ thế nào?

Trần Giang Thứ hai, ngày 10/10/2016 13:30 PM (GMT+7)
Hà Văn Thắm đã một tay “thổi” OceanBank từ một ngân hàng nông thôn lên ngân hàng thành thị với vốn điều lệ từ 71 tỷ đồng lên 4.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, với nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh, OceanBank đã bị NHNN mua lại 0 đồng.
Bình luận 0

Mới đây, cơ quan cảnh sát điều tra đã xác định một số tội danh của Hà Văn Thắm, Nguyễn Xuân Sơn trong những sai phạm tại NHTM cổ phần Đại Dương (OceanBank) và các đơn vị liên quan.

Trong quá trình điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra xác định, trong quá trình điều hành OceanBank, bằng các thủ đoạn thành lập các công ty sân sau, Hà Văn Thắm đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình chỉ đạo cấp dưới thực hiện nhiều hành vi vi phạm pháp luật để phục vụ cho mưu đồ, lợi ích cá nhân, dùng nhiều thủ đoạn khác nhau để rút tiền của ngân hàng là tiền của các tổ chức kinh tế, của người dân gửi vào để sử dụng vào mục đích cá nhân, gây thất thoát hàng nghìn tỷ đồng không có khả năng thu hồi.

imgOceanBank từ ngân hàng nông thôn, trở thành ngân hàng thành thị với vốn điều lệ lên 4.000 tỷ đồng và bị mua 0 đồng với thua lỗ hơn 10 nghìn tỷ đồng

Tiền thân Ngân hàng TMCP Đại Dương là Ngân hàng TMCP Nông thôn Hải Hưng được thành lập vào năm 1993 với số vốn điều lệ 300 triệu đồng. Năm 2007, ngân hàng chuyển đổi mô hình hoạt động thành ngân hàng đô thị và đổi tên thành Ngân hàng TMCP Đại Dương (OceanBank). Cùng với sự chuyển đổi mô hình này, OceanBank đã có sự phát triển đột biến.

Năm 2006 sau hai lần tăng vốn, vốn điều lệ của OceanBank tăng từ 71 tỷ đồng lên 170 tỷ đồng. Chưa đầy một năm sau cũng qua hai lần tăng vốn ngân hàng này đã tăng vốn lên 1.000 tỷ đồng. Để đáp ứng quy định về vốn điều lệ tối thiểu, năm 2008 và năm 2010 OceanBank đã tăng vốn lên 2.000 tỷ đồng, rồi lên 4.000 tỷ đồng.

Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian ngắn từ năm 2007-2010 ngân hàng này đã tăng vốn lên đến gần 24 lần, bất chấp nền kinh tế nói chung và ngành ngân hàng nói riêng đều gặp khó khăn.

Cùng với sự tăng nhanh của vốn điều lệ, quy mô tổng tài sản của ngân hàng này cũng tăng khá mạnh, từ khoảng 1.000 tỷ đồng vào cuối năm 2006 đã tăng thành 13.680 tỷ đồng năm 2007 và 55.138 tỷ đồng năm 2010. Bình quân trong giai đoạn này tổng tài sản của ngân hàng này đã tăng 172%/năm.

Tính đến thời điểm cuối năm 2013, lợi nhuận của OceanBank là 232 tỷ đồng. Tuy nhiên, từ sau khi Hà Văn Thắm bị bắt, OceanBank bắt đầu bộc lộ những yếu kém, sai phạm. Theo cơ quan cảnh sát điều tra, đến thời điểm 31.3.2014, vốn điều lệ của OceanBank là 4.000 tỷ đồng, gồm 1.137 cổ đông, trong đó có 4 cổ đông sở hữu trên 5% vốn điều lệ là PVN hiếm 20%, công ty cổ phần tập đoàn Đại Dương (OGC) chiếm 20%, công ty TNHH VNT chiếm 20% và công ty CP đầu tư và xây dựng Sông Đà chiếm 6,65%.

Quá trình điều tra cho thấy Hà Văn Thắm đã sử dụng những công ty và cá nhân có liên quan trực tiếp hoặc gián tiếp đến Thắm đề nắm giữ 62,97% cổ phần OceanBank.

Quá trình chỉ đạo, điều hành các hoạt động nghiệp vụ ngân hàng, tài chính – tiền tệ tại OceanBank có nhiều vi phạm, dẫn đến nợ xấu tại thời điểm 31.3.2014 là 14.923.135 triệu đồng, chiếm 49,84% tổng dư nợ toàn hệ thống của OceanBank, lợi nhuận trước thuế lỗ 10.188.794 triệu đồng, bằng 249,63% vốn chủ sở hữu (tức âm vốn chủ sở hữu gần 2,5 lần)…

Trước thực tế đó, ngày 6.5.2015, NHNN quyết định OceanBank với giá 0 đồng, chuyển đổi loại hình NHTM TNHH MTV Đại Dương. Sau khi mua lại, NHNN đã giao cho Vietinbank là đầu mối tiếp nhận quản lý, điều hành.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem