Xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc không còn dễ dàng
Theo số liệu của Bộ Công Thương, kim ngạch xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc trong 7 tháng đầu năm 2019 đạt 3,83 tỷ USD, giảm 9,2% so với cùng kỳ. Theo các cơ quan chuyên môn đánh giá. nguyên nhân của tình trạng trên là do từ tháng 6/2019, Trung Quốc dừng nhập khẩu rau quả Việt Nam theo đường “tiểu ngạch”.
Theo Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, Trung Quốc là đối tác kinh tế lớn, thị trường xuất nhập hàng đầu của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước xuất khẩu lớn nhất trong ASEAN sang Trung Quốc.
Hiện nay, thị trường Trung Quốc không còn “dễ tính”, việc siết chặt truy xuất nguồn gốc, kiểm dịch an toàn khiến khối lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu ngày càng giảm.
Thị trường Trung Quốc ngày càng "khó tính", doanh nghiệp nông sản Việt cần thay đổi tư duy "tiểu ngạch"
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết thêm, các quy định về yêu cầu, thủ tục xuất khẩu nông thủy sản không phải bây giờ mới có. Những quy định này đã được Trung Quốc ban hành từ lâu và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế do Trung Quốc cũng là thành viên của WTO.
Tuy nhiên, do thói quen xuất khẩu nông sản theo kiểu thương mại biên giới không chính thức, nên thời gian qua, khi Trung Quốc áp dụng nghiêm các quy định về điều kiện nhập khẩu đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động xuất khẩu của Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Công Thương, cần sớm thay đổi cách làm kiểu “tiểu ngạch” nhằm giải quyết những vấn đề tồn tại trong xuất khẩu nông thủy sản sang thị trường Trung Quốc.
Ngoài ra, Bộ trưởng NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, việc nâng cao chất lượng tiêu chuẩn nhập khẩu của Trung Quốc là “đòi hỏi đúng”, bởi lẽ ai cũng có nhu cầu đòi hỏi những sản phẩm tốt, đảm bảo an toàn vệ sinh.
“Chúng ta cần quan tâm đến công tác đàm phán mở cửa thị trường, tăng cường quản lý, kiểm soát chất lượng, tiêu chuẩn hàng nông thủy sản nhằm vượt qua các hàng rào kỹ thuật, đồng thời thông tin, định hướng, hỗ trợ cho người nông dân, các doanh nghiệp trong hoạt động sản xuất, chế biến xuất khẩu, cũng như các chính sách nhằm tăng cường liên kết chuỗi.” bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.
Bà Lê Hoàng Oanh, Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á – châu Phi, Bộ Công Thương thông tin thêm, từ trước đến nay, doanh nghiệp nông sản Việt có tâm lý coi thị trường Trung Quốc “dễ tính”, điều này cần sớm thay đổi.
“Trong thời gian tới, ngành nông sản xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc phải tiến tới xoá bỏ thương mại tiểu ngạch. Tập trung xuất khẩu chính ngạch, nâng cao chất lượng, mẫu mã... của sản phẩm. Đặc biệt, nên thay đổi tư duy sản xuất theo quy hoạch, căn cứ nhu cầu dung lượng của thị trường, mùa vụ. Phải thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại tại thị trường Trung Quốc, đồng thời xây dựng kênh tiêu thụ, phân phối hàng hoá. Trong đó, cần lưu ý, việc dựa vào thương mại biên giới và giao dịch không ký kết hợp đồng phải được xóa bỏ và thay đổi, chuyển thành thương mại chính quy.” Bà Oanh cho hay.
Trước tình trạng thị trường xuất khẩu truyền thống Trung Quốc đang dần “khép cửa, hiệp định EVFTA được coi như “cứu cánh” cho nông sản Việt. Tuy nhiên, việc tiếp cận thị trường lớn, nhiều tiềm năng như EU cũng không phải chuyện đơn giản.
Doanh nghiệp nông sản chưa sẵn sàng vươn tới “trời Âu”
Theo thông tin từ bộ Công thương, hiện nay, thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam thiếu ổn định, chủ yếu lệ thuộc vào Trung Quốc với giá trị thấp do đi qua đường tiểu ngạch và thường ở thế bị động.
Việc “nhập nhằng” giữa xuất khẩu chính ngạch với buôn lậu khiến phía Trung Quốc làm chủ cuộc chơi, có thể thay đổi chính sách bất cứ lúc nào.
Trong khi đó, đối với thị trường EU, xuất khẩu của Việt Nam mới đạt gần 1,5% tổng kim ngạch nhập khẩu của EU. Cụ thể, chỉ khoảng hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam được hưởng mức thuế 0% (kể cả các mặt hàng thuộc Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập GSP). Đây là con số còn rất khiêm tốn so với tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cũng như quy mô thị trường của EU.
Với cam kết cắt giảm thuế trong Hiệp định EVFTA và đặc thù là cơ cấu thương mại bổ sung mạnh mẽ, tiềm năng để hai bên phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế-thương mại sau khi có FTA là rất lớn. Trên cơ sở đó, EVFTA giúp thị trường trong nước tháo gỡ các khó khăn nội tại tránh phụ thuộc thị trường Trung Quốc.
Nông sản Việt cần thay đổi để đáp ứng tiêu chuẩn khắt khe của thị trường châu Âu.
Theo Tiến sĩ Đào Thế Anh, PGĐ Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam cho biết, việc ký kết thành công hiệp định thương mại EVFTA là điều kiện rất tốt để thúc đẩy xuất khẩu nông sản.
Tuy nhiên, với năng lực của các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất trong nước hiện tại, việc đáp ứng các yêu cầu của thị trường châu Âu vẫn còn nhiều khó khăn, một số mặt hàng không thể đáp ứng nổi.
“Chúng tôi nhận được rất nhiều đơn đặt hàng trái bơ từ các nước châu Âu. Thậm chí họ đã gửi đơn sang nhưng chúng tôi vẫn chưa tìm được nguồn cung đủ chất lượng yêu cầu với số lượng lớn. Một số HTX làm trái cây xuất khẩu nhưng năng lực sản xuất còn yếu, nhỏ lẻ, chưa được quy hoạch vùng trồng một cách chuyên nghiệp, vẫn theo kiểu tự phát.
Trong khi hàng hóa đủ điều kiện xuất khẩu đi châu Âu rất phức tạp, HTX phải có mã vùng trồng để truy suất nguồn gốc, có các chứng chỉ được châu Âu công nhận. Chúng tôi đã đi khắp Việt Nam nhưng chưa tìm được đơn vị nào đáp ứng được yêu cầu của đối tác, đa phần các vùng trồng còn không có chứng chỉ GlobalGAP.” TS. Đào Thế Anh nói.
Theo ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, hiện nay, khi tham gia EVFTA, các doanh nghiệp chưa sẵn sàng để tận dụng những tiềm năng thương mại từ hiệp định. Không có nhiều doanh nghiệp hiểu rõ về hiệp định cũng như hạn chế về khả năng thay đổi để thích ứng với những yêu cầu từ thị trường châu Âu.
Theo ông Tuấn, nguyên nhân làm hạn chế khả năng thích ứng với EVFTA là do DN trong nước có quy mô nhỏ chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc kinh doanh quốc tế. Với nông sản nhập khẩu nguyên liệu về chế biến cùng không nhiều DN đáp ứng được quy tắc xuất xứ để được hưởng ưu đãi thuế.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.