Huyền Anh
Thứ năm, ngày 12/03/2020 17:37 PM (GMT+7)
Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước sẽ phun thuốc khử khuẩn tiền cũ do các Tổ chức tín dụng, Kho bạc Nhà nước nộp. Ngoài ra, cơ quan này cũng chính thức ban hành Thông tư quy định cơ cấu thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay cho đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Chiều ngày 12/3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã tổ chức buổi họp báo thông tin về Thông tư quy định cơ cấu lại thời han hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp (DN) và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Thông tư này sẽ có hiệu lực từ ngày 12/3.
Phát biểu khai mạc tại buổi họp báo, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, ngành ngân hàng với tinh thần khẩn trương nhất, đến nay NHNN đã chính thức ban hành Thông tư 01 quy định cơ cấu lại thời han hạn trả nợ, miễn, giảm lãi vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
"Đây là hành lang pháp lý quan trọng và thông tư này cũng tạo điều kiện và cơ chế thuận lợi nhất cho các Tổ chức tín dụng xử lý tái cơ cấu nợ cho các DN bị ảnh hưởng bởi Covid-19", Phó Thống đốc Lê Minh Tú nhấn mạnh.
Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết thêm, ngay từ khi bắt đầu có dịch, NHNN đã có nhiều biện pháp, khẩn trương chỉ đạo đối phó với dịch bệnh. Cuối tháng 1, NHNN đã có những chỉ đạo phòng chống dịch trong nội ngành. Ngày 6/2, NHNN ban hành nhanh văn bản chỉ đạo, tháo gỡ cho các TCTD đánh giá tình hình khó khăn của các doanh nghiệp.
Đến nay, các TCTD đã vào cuộc trách nhiệm, chủ động trong các giải pháp của mình để đối phó với dịch Covid-19. Trong đó, 4 ngân hàng thương mại Nhà nước là đơn vị chủ lực thực hiện chủ trương của Nhà nước.
Theo Phó Thống đốc, những khó khăn của doanh nghiệp chưa thể định lượng chính xác mà mới chỉ tạm tính bởi diễn biến khó lường của dịch bệnh.
Vì vậy, việc cơ cấu lại nợ như giãn giảm lãi vay, tái cơ cấu nợ là giải pháp thiết thực nhất, cấp thiết nhất đối với doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đây là những chia sẻ rất lớn của ngành ngân hàng với các doanh nghiệp. Điều này cũng đặt "gánh nặng" lên vai các ngân hàng thương mại.
"NHNN sẽ tạo cơ chế thuận lợi nhất để các ngân hàng được chủ động trong việc xử lý, tái cơ cấu các khoản nợ đến hạn cho khách hàng. Tuy nhiên, đã là chính sách, ưu đãi thì phải đúng đối tượng và phải tránh được việc lợi dụng, từ cả doanh nghiệp và ngân hàng", Phó Thống đốc nhấn mạnh thêm.
Theo đó, doanh nghiệp có dư nợ cần đáp ứng 3 điều kiện. Thứ nhất là dư nợ phát sinh từ hoạt động vay thuê, tài chính. Thứ hai là khoản nợ phát sịnh trong giai đoạn trả nợ từ 23/1. Thứ ba là khách hàng vay vốn được đánh giá không có khả năng trả nợ ngắn hạn do dịch Covid-19. Các tiêu chí cụ thể sẽ có văn bản nội bộ gửi đến các ngân hàng. Khách hàng có khoản nợ đáp ứng điều kiện trên cũng sẽ được miễn giảm lãi, phí.
Cũng tại buổi họp báo, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước, cho biết từ đầu năm đến nay tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng chỉ đạt 0,1%, trong khi đó cùng kỳ năm ngoái là 0,85%.
Theo đánh giá sơ bộ, 926.000 tỷ dư nợ bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh dẫn đến trả nợ không đúng hạn, chiếm tỷ lệ hơn 11% trong tổng dư nợ. Trong thời gian qua, NHNN cũng đã nhận được nhiều văn bản, đơn từ của các hiệp hội cà phê, Vietjet, hiệp hội da dày, cơ sở giáo dục công lập... đề nghị xem xét tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Đến nay, các ngân hàng đã bước đầu xem xét cơ cấu nợ cho 21.753 tỷ đồng cho các doanh nghiệp gặp khó khăn bởi dịch Covid-19. Thực hiện miễn giảm lãi thực sự đối với 8.000 khách hàng, với dư nợ trên 350 tỷ. 85.000 tỷ dư nợ đang được xem xét miễn giảm lãi vay và cho vay mới với doanh số dự kiến khoảng 24.000 tỷ đồng.
Liên quan đến việc khử trùng tiền cũ phòng dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) ban hành Công điện số 02/ CĐ-NHNN về tăng cường phòng, chống dịch bệnh Covid-19 trong tình hình mới.
Đối với công tác phát hành kho quỹ, NHNN chi nhánh các tỉnh, thành phố và các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài triển khai một số biện pháp phòng, chống dịch trong giao dịch tiền mặt.
Cụ thể, đối với NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố, trang bị chu đáo nước rửa tay sát khuẩn, khẩu trang y tế, găng tay và bảo hộ lao động… cho cán bộ tiếp xúc trực tiếp với tiền mặt. Thực hiện khử trùng, sát khuẩn thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt và kho quỹ.
Các loại tiền cũ khi các TCTD, Kho bạc nhà nước nộp về phải được phun thuốc khử khuẩn (bó, bao) và được lưu giữ một thời gian nhất định trước khi chi ra tùy thuộc vào khả năng cân đối của từng NHNN chi nhánh. Căn cứ tình hình tiền mặt trên địa bàn, có thể sử dụng lượng tiền mặt dự trữ trong kho tiền (loại tiền mới in, nhất là các loại mệnh giá nhỏ) để cung ứng cho các TCTD.
Trường hợp tiền mới không đủ thì sử dụng tiền đã qua sử dụng và đã được khử khuẩn tại kho. Báo cáo NHNN (qua Cục Phát hành kho quỹ) những khó khăn, vướng mắc phát sinh để được hướng dẫn xử lý kịp thời.
Đối với các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài phải thực hiện khử trùng, sát khuẩn, vệ sinh thường xuyên tại các khu vực giao dịch tiền mặt, kho quỹ và các máy giao dịch tự động (ATM). Có biện pháp vệ sinh khử trùng tiền mặt (bó, bao) thu về trước khi nhập kho cuối ngày hoặc trước khi nộp về NHNN. Trường hợp lượng tiền mặt tồn kho nhiều, chi nhánh các TCTD sau khi khử khuẩn có thể lưu giữ tại kho một thời gian nhất định trước khi xuất tiền chi ra cho khách hàng.
Trang bị khẩu trang y tế, găng tay, nước rửa tay sát khuẩn và bảo hộ lao động… cho nhân viên giao dịch trực tiếp tiếp xúc với tiền mặt tại các điểm giao dịch của TCTD. Tiếp tục tăng cường tuyên truyền, quảng bá và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến để khuyến khích người dân sử dụng dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt, giảm thiểu thanh toán bằng tiền mặt, góp phần hạn chế các nguy cơ lây lan dịch bệnh.
Bên cạnh đó, các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tăng cường các hoạt động online trong các quy trình, thủ tục giao dịch tiền tệ, tín dụng, cắt giảm các thủ tục không cần thiết để hạn chế đi lại và khách hàng phải đến trực tiếp ngân hàng để giao dịch.
Cần chủ động xây dựng phương án, đảm bảo cho các hoạt động được liên tục trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp. Đặc biệt, đối với hệ thống công nghệ thông tin, quản trị mạng, các đơn vị trong ngành chủ động xây dựng phương án phòng ngừa, ứng phó, kể cả phương án thay thế cán bộ khi phải cách ly, đảm bảo nhân sự điều hành hệ thống hoạt động thông suốt, an ninh, an toàn trong mọi trường hợp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.