“Lợi” nhãn tiền
Liên quan đến việc, vì sao loại hình "kinh doanh tâm linh" lại có xu hướng nở rộ và phát triển mạnh trong những năm gần đây, chuyên gia kinh tế Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, tất cả đều xuất phát từ quan điểm ‘phú quý sinh lễ nghĩa” của người Việt Nam.
Ông Hiếu phân tích, Việt Nam hiện còn là 1 nước còn nghèo, GDP đầu người còn thấp khoảng 2.600 USD/người/năm. Trong khi đó, con số này ở Thái Lan là 10.000 USD/người/năm, Singapore 40.000 USD/người/năm và Mỹ lên đến 60.000 USD/người/năm.
Tuy nhiên, nếu so với trước thì nền kinh tế hiện nay đã phát triển hơn rất nhiều, sự sung túc của đời sống con người cũng khác nhiều so với 20 năm về trước đây và hoàn toàn thay đổi so với thời kỳ cách đây 40 năm.
Vì vậy, theo vị chuyên gia này, sự thịnh vượng của con người tăng lên thì câu “phú quý sinh lễ nghĩa” càng được bộc lộ rõ hơn.
“Càng ngày con người càng có nhiều tiền, nhiều của cải. Muốn giữ gìn của cải đó thì nhiều người dựa vào các thần thánh để xin phù hộ để gìn giữ của cải đó. Có cầu ắt có cung, xét về mặt kinh tế, những nhà kinh doanh họ nhìn thấy xu hướng phát triển của đời sống tâm linh và họ tìm cách kiếm tiền trên xu hướng đó. Đây cũng là vấn đề hiển nhiên thôi vì người làm kinh doanh họ nắm bắt được nhu cầu xã hội như thế nào thì họ đáp ứng, làm giàu”, ông Hiếu nhấn mạnh.
Người dân đổ xô đi lễ chùa.
Nhiều ý kiến cho rằng, lợi ích nhãn tiền có thể nhìn thấy của các khu du lịch tâm linh được đổ hàng nghìn tỷ đồng vào đầu tư đó chính là những lợi ích nhiều mặt về đời sống, kinh tế và xã hội.
Đối với người dân, việc phát triển du lịch tâm linh là cơ hội để người dân địa phương có thể trở thành công nhân viên làm việc cho chủ đầu tư tại chính các dự án kinh doanh tâm linh này. Có thu nhập, đời sống của người dân địa phương cũng sẽ được cải thiện, nâng cao.
Kinh doanh phát triển, thu hút được nhiều khách du lịch không chỉ làm giàu cho chủ đầu tư mà đồng nghĩa với nguồn lợi đáng kể địa phương, đóng góp cho ngân sách Nhà nước. Thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch nước nhà.
Biến của chung thành của tư
Thực tế, việc đầu tư kinh doanh tâm linh trong thời gian qua lại nảy sinh nhiều “bất cập” và đi ngược với văn hóa, thuần phong, mỹ tục. Tại nhiều dự án tâm linh, chủ đầu tư biến "của chung thành của tư" và tìm mọi cách kinh doanh để “móc túi” người dân.
Bất cập từ việc biến đền chùa miếu mạo của dân thành của tư nhân để “chặn cổng thu tiền” cho đến cả những di sản quốc gia cũng được “khai thác” để người dân buộc phải trả tiền cho những thứ thuộc về tài sản chung. Và cả sự méo mó khi hình thành trên thực tế một “ngành công nghiệp tâm linh” tiêu tốn rất nhiều tiền bạc, lãng phí rất lớn nguồn lực xã hội.
Có những ý kiến cho rằng, thời buổi giờ chỉ có ngành du lịch tâm linh, hay kinh doanh tâm linh là ăn nên làm ra, bỏ ra một đồng tức khắc có bốn đồng chảy ngược vào túi. Mà là tiền tươi, thóc thật, là tiền sạch nói như ngôn ngữ thời thượng - đồng “tiền hữu cơ”. Chính vì vậy, không có lý lẽ nào để “người ta’ từ bỏ việc kinh doanh tâm linh.
Một chuyên gia kinh tế cho rằng, câu chuyện “BOT” cửa chùa như hiện nay cũng là 1 trong những trường hợp tương tự. “Bãi biển này trước đây tôi hay tắm, nhưng bây giờ anh mở resort, anh cắm rào không cho tôi tắm. Rõ ràng “chung đã thành của tư”, muốn tắm phải “rút ví” để vào các resort”.
Hoạt động thu phí trước cửa chùa
Vị này còn cho rằng, “BOT” cửa chùa cũng nên được hiểu như loại hình BOT cầu, đường hiện nay. “Đường BOT là dựa trên đường anh làm mới như Hà Nội – Hải Phòng chẳng hạn, anh mới được thu tiền. Còn tại các dự án tâm linh, không hẳn là những con đường mới mà họ lại chặn cửa “thu phí”. Như thế là sai luật, sai quy định.
Cũng chính vì việc “tận thu” của các nhà đầu tư kinh doanh khu du lịch tâm linh, nên nhiều ý kiến cho rằng, hiện nay quả thật có phân hạng rõ rệt giữa chùa giàu và chùa nghèo, thậm chí rất giàu. Trong khi đó, người dân nhìn vào như 1 công ty kinh doanh làm ăn phát đạt chứ không dừng lại ở chỗ 1 nơi tâm linh, tính ngưỡng cầu an.
Mập mờ con số thu chi, thất thoát ngân sách nhà nước
Không chỉ là câu chuyện về “công – tư”, theo nhìn nhận của giới chuyên gia kinh tế, việc kinh doanh tâm linh tại nước ta hiện nay còn “mập mờ” về chính sách thu - chi.
Về mặt pháp lý, muốn đầu tư vào một dự án, chủ đầu tư phải thực hiện chế độ của Nhà nước và hai là đề xuất các ưu đãi.
Với những dự án tâm linh, nếu thực hiện chế độ nhà nước, thì về nguyên tắc chủ đầu tư sẽ được hưởng ưu đãi phần tâm linh như tiền công đức…
“Lấy ví dụ như trong 5 đồng anh thu được, có 1 đồng thuộc phần chùa và 4 phần từ kinh doanh. Như vậy, anh chỉ được hưởng chế độ ưu tiên của 1 đồng kia, 4 đồng còn lại sẽ phải thực hiện theo luật đầu tư và các chính sách của chính quyền địa phương. Thế nhưng liệu dòng tiền của hoạt động tâm linh và kinh doanh có bóc tách được hay không?
Chưa kể, dòng tiền của hoạt động tâm linh, chúng tôi hay gọi là dòng tiền trực tiếp, theo luật sẽ do ban quản lý di tích quản lý. Nhưng liệu có khu nào ban quản lý di tích lại không có người của chủ đầu tư không? Tôi chắc chắn, họ phải cầm trịch ở đấy?
Ngay cả việc phân bổ dòng tiền thu được từ phí vào cửa. Bao nhiêu phần là phục vụ tâm linh, bao nhiêu phần dịch vụ đi vào, bao nhiêu phần là của phục vụ bảo vệ… Phần đó cũng không thể tránh khỏi nhập nhằng, và họ không dại gì mà không đẩy nguồn này sang tâm linh để hưởng ưu đãi và không phải kê khai thuế.”, một vị chuyên gia kinh tế khẳng định.
Tuy nhiên, để làm được điều này, phải có một nhóm lợi ích vô cùng lớn đằng sau đấy, vị này cho hay.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức quan ngại, luật lệ hiện nay, kinh doanh dịch vụ tâm linh không nằm trong 243 kinh doanh có điều kiện. Bản thân tín ngưỡng là không kinh doanh rồi.
Cốt lõi vẫn là minh bạch các khoản thu. Nếu xác định kinh doanh phải giấy tờ đàng hoàng, công đức cũng phải có cơ chế quản lý chặt chẽ. Một khi đã bóc tách được như vậy thì Nhà nước sẽ quản lý được.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.