Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh đã nói như vậy ngay sau khi Bộ Công Thương công bố báo cáo thống kê mức lương trung bình của nhiều lãnh đạo cao cấp trong các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam năm 2013.
“Ông” nào cũng 50-60 triệu đồng/tháng
Quan điểm
Bà Phạm Chi Lan •
Chuyên gia kinh tế
Tôi tin, kể cả khi hạ lương “cứng” của họ xuống 10-20 triệu đồng/tháng thì cũng sẽ không có ông giám đốc tập đoàn nào xin từ chức đi làm việc khác để có mức lương xứng đáng hơn. Bởi không phải ngẫu nhiên, cách tính lương của ta bị coi là chả giống ai và người Việt Nam bị thế giới coi là không sống bằng lương mà sống bằng lậu...
Theo báo cáo của Bộ Công Thương, mức lương cao nhất trong bảng thống kê thu nhập của các lãnh đạo cấp cao các tập đoàn kinh tế Việt Nam là 74,72 triệu đồng/tháng thuộc về ông Đỗ Ngọc Khải - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam.
Mức lương của ông Phùng Đình Thực- Chủ tịch Hội đồng thành viên (HĐTV) Tập đoàn Dầu khí VN là 65,81 triệu đồng; ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc Tập đoàn Dầu khí VN 64,35 triệu đồng; ông Hoàng Quốc Vượng - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực VN 61,32 triệu đồng; ông Bùi Ngọc Bảo- Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu VN 54 triệu đồng; ông Trần Xuân Hòa - Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Than- Khoáng sản VN 53,42 triệu đồng; ông Nguyễn Anh Dũng- Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Hóa Chất VN 57,13 triệu đồng; ông Vũ Văn Cường- Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Thuốc lá VN 47,41 triệu đồng; ông Hoàng Quốc Lâm- Chủ tịch HĐTV Tổng Công ty Giấy Việt Nam 38,01 triệu đồng…
Báo cáo thống kê mức lương trung bình của các lãnh đạo cấp cao trong các tập đoàn kinh tế lớn của Việt Nam trong năm 2013 được dựa trên thống kê chi tiết về mức thu nhập của các lãnh đạo trong 11 tập đoàn kinh tế như: Tập đoàn Điện lực VN, Tập đoàn Xăng dầu VN, Tập đoàn Dệt may VN, Tập đoàn Dầu khí VN, Tổng Công ty Công nghiệp dầu thực vật, Tập đoàn Than-Khoáng sản VN, Tổng Công ty Thuốc lá VN, Tổng Công ty Giấy VN, Tập đoàn Hóa chất VN…
Thống kê thu nhập kể trên được tính dựa trên Nghị định 51/2013/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý doanh nghiệp và Chỉ thị số 11/CT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công Thương về việc tăng cường công khai minh bạch đối với hoạt động kinh doanh điện, xăng dầu.
Theo đó, Bộ Công Thương đã phê duyệt quỹ lương, thù lao thực hiện của viên chức quản lý công ty mẹ các tập đoàn kinh tế và tổng công ty năm 2013. Theo Nghị định 50 và 51 của Chính phủ, thù lao cao nhất cho chủ tịch hội đồng thành viên một doanh nghiệp nhà nước là 36 triệu đồng/tháng, tương đương 432 triệu đồng/năm. Trong trường hợp đơn vị làm ăn tốt, lãnh đạo có thể được thưởng thêm, song tối đa không quá 1,5 lần mức lương nêu trên.
Sống bằng... lậu
Không ít lần, lãnh đạo các tập đoàn kinh tế đã ta thán rằng, quy định về mức lương nêu trên là khá “cứng nhắc”, không phù hợp tình hình thực tế.
Phát biểu tại hội nghị toàn quốc về tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước hồi đầu năm nay, ông Trần Bắc Hà - Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng lãnh đạo nhiều tập đoàn, tổng công ty hiện rất “khó sống” với mức lương tối đa được quy định là 36 triệu đồng/tháng, đồng thời đề xuất rằng "tiền lương tại doanh nghiệp Nhà nước cũng phải theo cơ chế thị trường".
Có lãnh đạo ngân hàng còn ví “tiền lương của lãnh đạo DNNN hiện đang “lạc nhịp” với tình hình thị trường”. Các ông lớn tập đoàn cho rằng, lương hơn 400 triệu đồng/năm chưa đủ để tạo ra động lực cho lãnh đạo tập đoàn cống hiến cho DN mình.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhìn nhận: Mức lương như Bộ Công Thương công bố đã thấp hơn nhiều so với trước đây chúng ta đã biết là lương của họ phải 200-300 triệu đồng/tháng, do vậy với 75 triệu đồng/tháng, các vị lãnh đạo kêu thấp cũng… “có lý”.
Rõ ràng, mức lương “cứng” của lãnhđạo các tập đoàn đã buộc phải thấp xuống kể từ khi có quyết định của Chính phủ. “Họ nói không thể sống được với mức lương ấy là vị họ không quen sống với mức lương mà phần lớn người trong xã hội “nằm mơ cũng không thấy” mà thôi”- ông Doanh chua chát.
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Quang A, lý giải cho mức lương “khủng”, các tập đoàn thường “vin” vào việc cộng hệ số tiền thưởng vì họ hoàn thành nhiệm vụ, cứ lấy hệ số thưởng 1,5 lần nhân với 36 triệu đồng lương cứng thì các con số công bố chả có gì để “thiên hạ phải bàn cãi”. Song ông Quang A cho rằng, vấn đề là lương thưởng ấy có phù hợp trong bối cảnh kinh tế của ta hiện nay không?
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng cho rằng, nên có một thái độ hết sức “thực dụng và thực tế để đối xử với mức lương của lãnh đạo các tập đoàn này”. Bởi so với thế giới, mức lương này có thể không cao song so với đại bộ phận tầng lớp nhân dân thì mức lương này có thể gọi là “khủng”. Từ đó, theo bà Lan, cần xem xét lại hệ số mà chúng ta vẫn đang vận dụng để các tập đoàn “có cớ tính lương cao”.
“Tôi tin, kể cả khi hạ lương “cứng” của họ xuống 10-20 triệu đồng/tháng thì cũng sẽ không có ông giám đốc tập đoàn nào xin từ chức đi làm việc khác để có mức lương xứng đáng hơn. Bởi không phải ngẫu nhiên, cách tính lương của ta bị coi là chả giống ai và người Việt Nam bị thế giới coi là không sống bằng lương mà sống bằng lậu” -bà Lan nói.
Theo các chuyên gia, “kêu” là thế, nhưng thực tế thu nhập mà lãnh đạo các tập đoàn lĩnh có thể còn cao hơn hàng chục lần, tới vài trăm triệu đồng/tháng, cái này thì sẽ chẳng có ai báo cáo và dám báo cáo…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.