Liều thuốc cho kinh tế hậu Covid-19: Tích lũy 5 năm bị "bốc hơi" vì đại dịch
Liều thuốc cho kinh tế hậu Covid-19: Tích lũy 5 năm bị "bốc hơi" vì đại dịch
Nhóm PV KTCT
Thứ sáu, ngày 24/04/2020 06:34 AM (GMT+7)
Theo Ủy ban Quản lý vốn, Tổng công ty Hàng không Việt Nam là đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, thậm chí tình hình còn xấu chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không. CEO của Vietnam Airlines Dương Trí Thành thừa nhận, dịch Covid-19 đã khiến tích lũy của doanh nghiệp này trong 4-5 năm "bốc hơi" hoàn toàn.
LTS: Việt Nam đã bước đầu có những kết quả khả quan trong cuộc chiến chống dịch Covid-19, Chính phủ đã làm quá tốt như một vị tướng trong cuộc chiến chống virus. Hiện các ngành nghề kinh tế cũng đang chuẩn bị bước vào giai đoạn hồi kinh tế thời hậu Covid-19. Chính phủ đã tung ra những gói hỗ trợ đối với các doanh nghiệp, ngành nghề nhắm thúc đẩy phát triển sau cuộc khủng hoảng Covid-19. Tuy nhiên, muốn kinh tế bật như lò xo sau dịch, muốn phát triển kinh tế bằng mọi giá thì phải hành động quyết liệt. Điều này sẽ là thách thức cho những tướng lĩnh đang cầm quân trên mặt trận kinh tế.
Loạt bài "Liều thuốc cho kinh tế thời hậu Covid-19: Bắt đầu từ đâu?"sẽ đưa lại cho bạn đọc cái nhìn toàn cảnh hơn về tình hình của doanh nghiệp Việt Nam ảnh hưởng nặng nề như thế nào do Covid-19, hiệu quả từ những gói hỗ trợ của Chính phủ tác động ra sao tới việc hồi phục lại của nền kinh tế. Để "chữa thương" cho nền kinh tế, Chính phủ cần phải quyết liệt để không cho một số người trục lợi, tham nhũng, hạch sách làm chậm trễ hay ăn chặn gói cứu trợ của dịch bệnh. Khi niềm tin còn thì vết thương nhanh phục hồi, khi niềm tin sụp đổ thì vô vọng.
7 doanh nghiệp không cân đối được thu chi
Hàng loạt doanh nghiệp hiện đang ngừng hoặc hoạt động "cầm hơi" kể từ khi dịch Covid-19 xuất hiện kể từ sau Tết nguyên đán đến nay. Theo báo cáo của Ủy ban Quản lý vốn nhà nước gửi Thủ tướng Chính phủ, doanh thu và lợi nhuận của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trong quý 1 giảm khoảng 27.400 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019. Có 7 trên 19 doanh nghiệp bắt đầu không cân đối được thu chi, tổng số lỗ trên 3.700 tỷ đồng.
Cụ thể, Vietnam Airlines lỗ hơn 2.383 tỷ đồng; Tập đoàn xăng dầu Việt Nam lỗ 572 tỷ đồng; Tổng công ty hàng hải Việt Nam lỗ 111 tỷ đồng, Tổng công ty lương thực miền Nam lỗ 97 tỷ đồng, Tổng công ty cà phê Việt Nam lỗ 25 tỷ đồng, Tổng công ty đường sắt lỗ 100 tỷ đồng.
Dự kiến cả năm 2020, nếu dịch bệnh kéo dài, giá dầu không phục hồi, doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty sẽ giảm khoảng 279.767 tỷ đồng so với kế hoạch. 8/19 tập đoàn, cổng công ty bị thua lỗ, tổng số lỗ khoảng 26.326 tỷ đồng bao gồm Tổng công ty Hàng không Việt Nam, Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam, Tổng công ty Lương thực Miền Nam và Tổng công ty Cà phê Việt Nam. Theo đó, nộp ngân sách nhà nước cũng giảm khoảng 32.836 tỷ đồng so với kế hoạch.
Vietnam Airlines: Cạn kiệt 3.500 tỷ đồng dữ trữ, tích lũy 5 năm bị "bốc hơi"
Về tình hình cụ thể của các doanh nghiệp, theo Ủy ban Quản lý vốn, Tổng công ty Hàng không Việt Nam là đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch Covid-19, thậm chí tình hình còn xấu chưa từng có trong lịch sử ngành hàng không.
3 tháng đầu năm doanh thu hợp nhất của Vietnam Airlines ước đạt hơn 19.200 tỷ đồng, giảm hơn 6.700 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019, lỗ hơn 2.300 tỷ đồng. Dự kiến năm 2020, nếu dịch kéo dài và kết thúc trong quý IV, tổng doanh thu Vietnam Airlines ước đạt hơn 38.100 tỷ đồng, giảm tới trên 72.400 tỷ đồng so với kế hoạch 2020. Do đó số lỗ dự kiến lên tới hơn 19.600 tỷ đồng.
Được biết, đầu năm 2020, Vietnam Airlines (VNA) có lượng tiền dự trữ khoảng 3.500 tỷ đồng nhưng đến nay đã cạn kiệt. Doanh nghiệp này đang phải gia tăng vay ngắn hạn để đáp ứng nhu cầu thanh toán. Dự nợ vay tính đến 20/3 đã lên tới hơn 3.500 tỷ đồng, trong khi nhiều khoản đến hạn thanh toán bị tạm dừng, dòng tiền của VNA dự kiến sẽ thiếu hụt lũy kế xấp xỉ 15.000 tỷ đồng trong năm 2020.
Theo tính toán, doanh nghiệp này “đắp chiếu” khoảng 40 máy bay, hàng trăm phi công dôi dư, 20.000 lao động bị ảnh hưởng.
Trước đây, VNA bay đến các thị trường Đông Bắc Á nhiều tiềm năng, lượng khách dồi dào khiến doanh thu tăng mạnh. Điển hình thị trường Trung Quốc chiếm 10% số lượng chuyến bay, tuy nhiên, hiện thị trường này đã đóng cửa. Theo tờ Reuters, Vietnam Airlines thiệt hại 250 tỷ đồng mỗi tuần khi doanh thu sụt giảm vì ngừng các đường bay Trung Quốc để phòng chống dịch Covid-19.
CEO của Vietnam Airlines Dương Trí Thành thừa nhận, dịch Covid-19 đã kéo lùi ngành hàng không thế giới 4-5 năm và tích lũy của Vietnam Airlines trong 4-5 năm qua đã "bốc hơi" vì dịch.
Cùng chung cảnh khốn đốn như VNA, Tổng công ty Cảng hàng không (ACV) cũng giảm lợi nhuận trong quý 1/2020 là 586 tỷ đồng, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam, hàng loạt các tàu trong nước và tàu liên vận dừng hoạt động, làm giảm 65 tỷ đồng và ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng...
Với Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC), quý I doanh thu ước giảm 15 tỷ đồng, nếu dịch kéo dài đến hết quý 4 thì doanh thu của DN này dự kiến giảm hơn 550 tỷ đồng so với kế hoạch năm 2020, ước lỗ 140 tỷ đồng.
Còn Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR), trong quý 1/2020 ước lỗ khoảng 100 tỷ đồng do không có khách đi tàu, các công ty thành viên phải dừng chạy hàng loạt đoàn tàu trong nước và tàu liên vận quốc tế. Dự kiến cả năm 2020, VNR lỗ khoảng gần 700 - hơn 900 tỷ đồng, tuỳ thời điểm kết thúc dịch Covid-19.
Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) có doanh thu hợp nhất ước giảm hơn 620 tỷ đồng trong quý 1, trong đó, doanh thu công ty mẹ giảm 87 tỷ đồng so với cùng kỳ 2019. Trong quý 1, lỗ hợp nhất ước tính khoảng 113 tỷ đồng và lỗ công ty mẹ khoảng 94 tỷ đồng. Dự kiên nếu dịch kéo dài hết quý 4/2020, doanh thu công ty mẹ ước đạt 1.269 tỷ đồng, giảm 279 tỷ đồng so với kế hoạch và ước lỗ 76 tỷ đồng.
Với Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) thì chịu tác động kép của giá dầu giảm và dịch bệnh. Theo đó, quý 1 doanh thu giảm 13.194 tỷ đồng, lợi nhuận giảm 4.580 tỷ đồng. Trường hợp giá dầu thô giảm xuống 55 USD/thùng đến 30 USD/thùng, doanh thu của tập đoàn sẽ giảm 9.200 tỷ đồng đến 55.100 tỷ đồng, nộp ngân sách cũng giảm tương ứng từ 5.000 tỷ đồng đến 27.000 tỷ đồng.
Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), doanh thu quý 1 giảm 1.706 tỷ đồng, ước lỗ hơn 570 tỷ đồng. Tập đoàn Công nghiệp cao su Việt Nam (VRG) giảm 1.200 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận giảm 44 tỷ đồng.
Với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) 2 năm gần đây, sau biến cố như nhiều lãnh đạo tiền nhiệm bị bắt, sản xuất ít nhiều bị đình trệ, Vinachem bắt đầu phục hồi dần, đi vào ổn định sản xuất. Tuy vậy, thời gian ổn định chưa lâu thì dịch Covid-19 ập tới.
Ông Nguyễn Phú Cường, Chủ tịch Tập đoàn Hóa chất Việt Nam (Vinachem) cho biết, doanh nghiệp này không sản xuất ra sản phẩm cuối cùng, nhưng lại là đầu ra và đầu vào quan trọng của nhiều ngành kinh tế xương sống, nên sẽ thấy rất rõ sự ảnh hưởng của cả chuỗi giá trị do dịch Covid-19.
Tại báo cáo Ủy ban Quản lý vốn, trong quý 1/2020, tổng doanh thu của Vinachem ước đạt hơn 9.700 tỷ đồng, giảm 640 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2019; ước lỗ 187 tỷ đồng. Dự kiến cả năm 2020, doanh thu là 27.697 tỷ đồng, giảm khoảng 10.000 tỷ đồng, ước lỗ 4.379 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước dự kiến giảm 600 tỷ đồng so với kế hoạch.
Theo Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, cần thực hiện hỗ trợ thuế, tài chính, khoanh nợ gốc, kéo dài thơi hạn vay, khơi thông nguồn vốn để doanh nghiệp sớm tiếp cận gói hỗ trợ 250.000 tỷ đồng... trong đó đáng chú ý là kiến nghị cho Vietnam Airlines được hỗ trợ khoảng 12.000 tỷ đồng, bắt đầu từ tháng 4/2020 để duy trì hoạt động, đảm bảo thanh khoản cho doanh nghiệp.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.