Mệnh lệnh của Thủ tướng có đủ sức ép cho bộ ngành, địa phương hy sinh "lợi ích nhóm"?
Mệnh lệnh của Thủ tướng có đủ sức ép cho bộ ngành, địa phương hy sinh "lợi ích nhóm"?
Ong Lý
Chủ nhật, ngày 08/03/2020 07:00 AM (GMT+7)
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 do virus corona, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị 11 trong đó có yêu cầu các bộ ngành cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí doanh nghiệp. Tuy nhiên, mệnh lệnh này liệu có đủ sức ép cho các bộ ngành, địa phương hy sinh lợi ích nhóm?
Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, hiện trên thế giới đã có gần 98.000 ca nhiễm virus corona, còn Hà Nội, tính đến ngày 7/3 đã có 3 ca xét nghiệm dương tính. Với sự bùng phát của dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng trực tiếp và gián tiếp.
Cuộc khảo sát mới đây của Ban Nghiên cứu Phát triển Kinh tế tư nhân (Ban IV) mới đây đã đưa ra kết quả về những tác động của dịch Covid-19 do virus corona đến các doanh nghiệp.
Cụ thể, kết quả khảo sát trên 12.000 doanh nghiệp cho thấy, có tới 74% doanh nghiệp nói sẽ phá sản nếu dịch Covid-19 do virus corona kéo dài 6 tháng. Doanh thu doanh nghiệp không thể bù đắp các khoản chi cho hoạt động như trả lương, lãi vay ngân hàng, thuê mặt bằng... Ngoài ra, gần 30% doanh nghiệp mất 20-50% doanh thu, 60% doanh nghiệp thậm chí giảm hơn một nửa doanh thu.
Trước những tác động dịch bệnh Covid-19 do virus corona mới đây Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Chỉ thị số 11/CT-TTg về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội.
Một trong những Chỉ thị 11 của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp trong thời gian khó khăn này là yêu cầu các bộ ngành cần rà soát, cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí cho doanh nghiệp.
Thực tế, vấn đề này đã được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhiều lần yêu cầu các bộ ngành, tuy nhiên, nhiều năm qua tình trạng "trên nóng, dưới lạnh" vẫn diễn ra. Dù đã có nhiều quyết sách để giảm những phiền hà nhưng không ít các thủ tục hành chính vẫn khiến doanh nghiệp khốn đốn.
Câu hỏi đặt ra, khi dịch Covid-19 do virus corona đang đẩy hàng loạt doanh nghiệp bên bờ vực phá sản, nền kinh tế đang bị ảnh hưởng trên diện rộng có khiến các bộ ngành thật sự vào cuộc để giảm bớt phiền hà cho doanh nghiệp, các cán bộ có bớt nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp bằng những "thủ tục gầm bàn"?
Xung quanh vấn đề này, Góc nhìn chuyên gia của Dân Việt đã có cuộc trao đổi với Ts. Lê Đăng Doanh nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM). Ts. Lê Đăng Doanh là người từng có lời giúp cố Thủ tướng Phan Văn Khải cắt giảm tới 286 điều kiện kinh doanh vào những năm 2000-2001.
Diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 do virus corona đang tác động rất lớn đến kinh tế thế giới và nền kinh tế Việt Nam. Nhiều doanh nghiệp đang đứng trước nguy cơ phá sản nếu dịch bệnh tiếp tục kéo dài. Vậy theo ông, để tồn tại được doanh nghiệp cần phải làm gì lúc này?
Dịch bệnh Covid-19 do virus corona đã và đang làm cho kinh tế nước ta bị tác động nhiều mặt. Đó là ảnh hưởng về du lịch, xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ gặp khó khăn, nhập khẩu đang gặp nhiều vướng mắc, nhiều doanh nghiệp Việt Nam vướng vào phụ tùng, linh kiện nguyên liệu, vật liệu đầu vào.
Ví dụ như ngành dệt may Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc lên đến 50-60% giá trị của sản phẩm của ta, bây giờ phải thay thế thế nào là vấn đề không dễ dàng. Không chỉ có dệt may, nhiều ngành nghề khác như: Cơ khí, chế biến, chế tạo... cũng đang gặp khó khăn bởi ảnh hưởng phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, phụ tùng, linh kiện để sản xuất.
Trong bối cảnh này, việc đa dạng hóa thị trường xuất khẩu được xem là giải pháp cấp bách cho kinh tế Việt Nam. Cách tốt nhất với doanh nghiệp lúc này là cố gắng duy trì sản xuất. Nhìn rộng hơn, khi sản xuất tại Trung Quốc bị đình trệ vì dịch bệnh Covid-19 do virus corona, nguồn hàng xuất khẩu từ Trung Quốc vào các nước sụt giảm, đây sẽ là cơ hội cho hàng Việt Nam lấp chỗ trống.
Điều này đồng nghĩa, doanh nghiệp Việt Nam cần phải nhanh nhạy điều chỉnh kế hoạch, chiến lược để tăng chất lượng, tăng hiệu quả sản xuất, tăng xuất khẩu. Nếu làm tốt, về lâu dài, Việt Nam có thể thay thế một số mặt hàng của Trung Quốc.
Cần phải quán triệt rằng, Covid-19 do virus corona là một thử thách, một thử thách rất đau đớn, nhưng doanh nghiệp hãy coi đó là cơ hội để liên kết lại với nhau và cùng đứng dậy. Chúng ta vẫn còn nhà xưởng máy móc người lao động vấn đề là phải sáng tạo để có những phương án vượt qua thách thức…
Bởi, tác động tiêu cực này chủ yếu sẽ diễn ra trong quý I và quý II/2020, khi dịch bệnh Covid-19 được dự báo là cao điểm, lắng xuống và có độ trễ sau đó chứ không phải là sẽ kết thúc trong một sớm một chiều.
Dể tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, mới đây Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11 nhằm đảm bảo an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. Ông đánh giá thế nào về động thái này của Chính phủ?
Nếu hàng loạt các doanh nghiệp bị phá sản sẽ khiến kinh tế - xã hội nước ta càng thêm khó khăn. Vì thế, những biện pháp Chính phủ đưa ra rất cần thiết và kịp thời.
Tôi đã đọc Chỉ thị 11 của Thủ tướng và thấy có rất nhiều giải pháp cấp bách được đưa ra như tạo thuận lợi cho doanh nghiệp tiếp cận vốn, tín dụng, tài chính, thuế, thanh toán điện tử, rà soát cắt giảm thủ tục hành chính, chi phí; đẩy nhanh vốn giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh…
Theo tôi, nhìn vào mặt tích cực của dịch Covid-19 do virus corona là cơ hội để Việt Nam chuyển đổi, nhất là về mặt cải cách hành chính cho các doanh nghiệp.
Vấn đề cải cách thủ tục hành chính, giảm bớt chi phí doanh nghiệp đã không ít lần Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành làm, tuy nhiên kết quả không mấy cải thiện?
Thủ tục hành chính là một trong các yếu tố gây khó khăn nhất cho các doanh nghiệp, thậm chí nhiều công ty rơi cảnh khốn đốn vì những phiền hà không đáng có.
Những năm 2000-2001, tôi là người đã giúp cố Thủ tướng Phan Văn Khải cắt giảm tới 268 điều kiện kinh doanh khi thực hiện Luật doanh nghiệp.
Phải nhắc lại rằng, điều kiện kinh doanh là một trong những giấy phép con trá hình, trong đó có những điều không hợp lý, chồng chéo gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp.
Sau một thời gian thực hiện, doanh nghiệp có vẻ dễ thở hơn chút nhưng không hiểu sao sau đó lại “đẻ” ra các giấy con mới. Cho đến những năm gần đây, rất nhiều doanh nghiệp phản ánh rằng, mặc dù có thể đăng ký qua online nhưng rất nhiều địa phương vẫn yêu cầu doanh nghiệp phải đến trực tiếp.
Nhiều doanh nghiệp cho biết, khi đến nơi các cơ quan quản lý lại yêu cầu giấy này, giấy kia. Thậm chí họ phải “chở 1 ô tô giấy tờ” đến nơi công quyền để xin phép kinh doanh, có nơi thì nói thẳng “phong bì thì chiều mai lấy, nếu không 3 tuần tới đến chờ kết quả…”.
Những năm nay, thủ tục hành chính dù đã giảm bớt nhưng vẫn có không ít các điều kiện khiến doanh nghiệp lâm cảnh khốn đốn. Hiện dịch Covid-19 do virus corona đang diễn biến phức tạp, kinh tế đang bị “ngấm đòn” nếu không xóa bỏ, nới lỏng các điều kiện có thể khiến hàng loạt doanh nghiệp phá sản, khi đó khó càng chồng thêm khó.
Vậy theo ông, liệu dịch Covid-19 do virus corona có là động lực để các bộ, ngành nghiên cứu cắt giảm các thủ tục hành chính, chi phí cho các doanh nghiệp đang bên bờ phá sản?
Không chỉ là động lực mà là một sức ép! Sức ép này khá lớn bởi nó ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế của chúng ta. Theo đó, buộc các bộ ngành phải thay đổi, phải rà soát cắt giảm để tạo mọi điều kiện tốt nhất cho các doanh nghiệp trong điều kiện như hiện nay.
Nhưng phải nhìn thực tế, để thực hiện được việc này không phải điều dễ dàng với các bộ ngành.
Khó khăn đó là gì thưa ông? Giải pháp gì cho vấn đề này không?
Tôi nói ra có sẽ động chạm nhiều bộ ngành, địa phương, nhưng phải nói thẳng rằng, đó chính là "lợi ích nhóm". Vì thế nhiều nơi sẽ không “ngoan ngoãn” thực hiện Chỉ thị 11 khi "lợi ích nhóm" đang bị động chạm.
Vì thế, để Chỉ thị 11 của Thủ tướng trở thành mệnh lệnh, sức ép khiến các Bộ ngành, địa phương thực hiện có lẽ cần một cơ quan độc lập giúp Thủ tướng làm việc này. Cơ quan thích hợp nhất, theo tôi có lẽ nên giao cho Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) hoặc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI).
Cơ quan này sẽ giúp Chính phủ nghiên cứu và chỉ rõ những giấy phép, điều kiện, thủ tục nào vô lý cần loại bỏ. Họ cần làm việc, thậm chí phải đấu tranh với từng Bộ ngành về những điều khoản bất hợp lý đó.
Cần phải hành động và giao việc cụ thể thì mới có thể biến Chỉ thị 11 của Thủ tướng thành mệnh lệnh, sức ép tới các Bộ ngành, địa phương!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.