Một số người Việt đứng tên mua nhà, chuyển quyền sử dụng đất cho nước ngoài

Nguyên Phương Thứ hai, ngày 27/05/2019 18:35 PM (GMT+7)
“Tôi rất quan ngại với hiện tượng hiện nay có một số người Việt Nam đứng tên để mua nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất có yếu tố nước ngoài, tôi cho rằng đây là hiện tượng cần hết sức cần hết sức quan tâm đến”, ĐBQH Lý Tiết Hạnh bày tỏ.
Bình luận 0

img

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày tóm tắt báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai

Nằm trong chương trình làm việc của kỳ họp thứ 7 Quốc hội, Quốc hội đã dành cả ngày 27/5 để nghe Báo cáo của Đoàn giám sát của Quốc hội về việc thực hiện chính sách, pháp luật về quy hoạch, quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị từ khi Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực đến hết năm 2018 và thảo luận tại hội trường về nội dung này.

Theo báo cáo của Chính phủ, các tổ chức nước ngoài, cá nhân nước ngoài, người Việt Nam định cư ở nước ngoài đang sử dụng 46.140 ha chiếm 0,17% tổng diện tích của cả nước và chiếm 0,17% tổng diện tích đất của các đối tượng sử dụng.

Trong phiên thảo luận hôm nay, đã có ít nhất 3 lần, các ĐBQH đề cập tới tình trạng người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài.

img

ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định)

Theo ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định), công tác quản lý đất đai còn nhiều biểu hiện buông lỏng kỷ cương, kỷ luật trên lĩnh vực quản lý sử dụng và xử lý sai phạm chưa nghiêm. Ở nhiều nơi vẫn còn quỹ đất sử dụng không hiệu quả hoặc để hoang hóa, hoặc để sử dụng sai mục đích, sai quy hoạch. Trong khi đó có rất nhiều công trình dự án, nhiều doanh nghiệp, nhà đầu tư có tâm huyết muốn đầu tư nhưng lại bị vướng. Như vậy, vô hình chung nó là sự lãng phí rất lớn trong việc tận dụng các cơ hội để phát triển đất nước.

Ngoài ra, ĐBQH Lý Tiết Hạnh cho rằng, nhiều quy định pháp luật chưa theo kịp thực tiễn, trong đó nhiều vấn đề sinh chưa được luật hóa để đảm bảo khung pháp lý trong tổ chức thực hiện.

Từ thực tế nêu trên, đại biểu Hạnh cho kiến nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát tổng thể công tác quản lý sử dụng tài nguyên đất trên phạm vi cả nước gắn với triển khai thực hiện quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh. “Chúng tôi rất quan ngại về việc xây dựng quy hoạch các khu đô thị, khu dân cư còn nặng về gia tăng dân số, về tầng cao, về mật độ xây dựng và hệ số sử dụng đất, tận thu và gây quá tải cho hạ tầng đô thị mà chưa quan tâm đúng mức đến chiến lược, sự riêng có, sự độc đáo, tiềm năng của từng vùng, từng miền trong tổng thể chung của quốc gia, khu vực và cần phải đặt trong cả bối cảnh sẽ phát triển trong giai đoạn tới Việt Nam hội nhập phát triển với thế giới như thế nào? Tôi kiến nghị trong quy hoạch chiến lược cần đặc biệt lưu ý đến vấn đề bảo đảm an ninh xã hội, lợi ích cộng đồng dân cư, tính bền vững về môi trường và vấn đề an ninh quốc phòng”.

Bên cạnh đó, ĐBQH Lý Tiến Hạnh kiến nghị, cần kịp thời phát hiện quản lý những hiện tượng, những sự việc bất thường đã và đang diễn ra trong thực tiễn. “Nhiều vụ việc tôi cho rằng ngay bây giờ chúng ta cần có sự vào cuộc để phát hiện và xem đây là vấn đề quan trọng để kịp thời xem xét, nghiên cứu và có quản lý. Trong đó, tôi rất quan ngại với hiện tượng hiện nay có một số người Việt Nam đứng tên để mua nhà, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất có yếu tố nước ngoài, tôi cho rằng đây là hiện tượng cần hết sức cần hết sức quan tâm đến”.

img

ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai)

Cùng nêu vấn đề người Việt đứng tên mua nhà cho người nước ngoài, ĐBQH Đinh Duy Vượt (Gia Lai) cũng đặt vấn đề nhằm bày tỏ sự nghi ngờ của mình.

Dù không nêu nhận định, cũng như con số liên quan đến việc sử dụng nhà, đất của người nước ngoài, song phần kiến nghị, một trong những nội dung được Đoàn giám sát của Quốc hội kiến nghị kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, ban hành cơ chế, chính sách để quản lý chặt chẽ, nghiêm cấm việc người Việt Nam đứng tên mua nhà, nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất, thuê đất cho người nước ngoài.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai cho hay, việ giao đất, cho thuê đất, thuê lại đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát thậm chí liều không tuân thủ pháp luật.

“Cử tri hoài nghi có hay không lợi ích nhóm, sân trước sân sau cùng cộng sinh với các quan chức có thẩm quyền theo đó lợi dụng cơ chế pháp luật chưa đồng bộ, chỉ thích chọn phương án chỉ định chủ đầu tư dự án có sử dụng đất thay cho đấu giá quyền sử dụng đất. Đồng thời, lợi dụng cơ chế vừa đá bóng vừa thổi còi trong định giá đất, quyết định giá đất có nơi rẻ như bèo để cổ phần hóa doanh nghiệp cho thuê đất, giao đất, bồi thường thiệt hại về đất, ưu đãi về đất không chỉ doanh nghiêp mà cả các cơ sở sự nghiệp như giáo dục, y tế, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, làm thiệt hại lớn đến lợi ích nhà nước, nhân dân tác động tiêu cực không nhỏ đến các doanh nghiệp có tâm, có tầm, có tín”, ĐBQH Đinh Duy Vượt bày tỏ.

Theo ông Vượt, chính vì tồn tại phức tạp nêu trên đã tạo ra khiếu kiện phức tạp tiềm ẩn, bất ổn an ninh trật tự. Và điều này được minh chứng bằng nhiều vụ án liên quan đã xét xử, các kết luận xử lý của Ủy ban kiểm tra Trung ương.

“Kính đề nghị Quốc hội, Chính phủ phải kịp thời bịt lỗ hổng này như kiến nghị của đoàn giám sát, đó là thu hẹp đối tượng được giao đất, mở rộng đối tượng cho thuê đất; thực hiện giao đất, cho thuê đất chủ yếu thông qua đấu giá có chế tài xử lý nghiêm, dứt điểm các trường hợp sử dụng đất lãng phí, không đúng mục đích, sai phạm quan trọng hơn cả là phải thu hồi tài nguyên đặc biệt này để chọn mặt gửi vàng chứ không phải chọn trứng gửi cho ác, không ngoại trừ chuyển nhượng cho người nước ngoài, luồn lách mà doanh nghiệp vẫn đứng tên”, ĐBQH Đinh Duy Vượt đề xuất.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem