Các nhà khoa học đang rất muốn tìm ra người đầu tiên nhiễm virus Corona. (Ảnh: Thesun).
Dịch bệnh do virus Corona khiến sắc đỏ bao phủ TTCK châu Á
Tâm lý lo ngại của nhà đầu tư và các chuyên gia kinh tế trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do virus Corona gây ra là hoàn toàn có cơ sở. Bởi chỉ trong ít ngày, dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng virus Corona mới (2019-nCoV) đã lây lan tới 25 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến ít nhất 362 người tử vong.
Ở Việt Nam, tính tới tối ngày 3/2, đã ghi nhận 8 trường hợp được xác nhận nhiễm virus Corona.
Đánh giá về tác động của dịch virus Corona đối với kinh tế Việt Nam, những ảnh hưởng đầu tiên đã xuất hiện tại ngành giao thông vận tải và du lịch. Hiện tại, Cục Hàng không Việt Nam đã dừng cấp phép đối với các chuyến bay thường lệ từ Việt Nam kết nối với các tỉnh, thành có dịch của Trung Quốc. Các tour du lịch từ Trung Quốc cũng bị tạm dừng khiến ngành du lịch và hàng không Việt Nam sẽ chịu ảnh hưởng mạnh, đặc biệt là trong mùa cao điểm quý I/2020.
Trên TTCK Việt Nam, chỉ số quan trọng nhất là VnIndex từ mức 991,46 điểm trong phiên giao dịch ngày 22/1 – phiên giao dịch cuối cùng trước kỳ nghỉ Tết Canh Tý, có lúc đã lùi về 891,85 điểm trong phiên giao dịch ngày 3/2, tương ứng mức giảm gần 100 điểm và vốn hoá của thị trường bốc hơi khoảng 15 tỷ USD.
Nhà đầu tư trên thị trường trong những phiên giao dịch gần đây cũng tập trung bán tháo cổ phiếu ngành giao thông vận tải, đặc biệt là bội đôi cổ phiếu hàng HVN của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) và VJC của Công ty CP Hàng không Vietjet, khiến hai cổ phiếu này giao dịch ở mức giá sàn hoặc cận sàn trong phần lớn thời gian giao dịch.
Giao dịch khối ngoại cũng diễn ra không thực sự tích cực khi khối này liên tục bán ròng cổ phiếu VJC trong 3 phiên giao dịch gần nhất. VNM, VIC, MSN cũng bị khối ngoại tập trung bán ròng, nhưng vẫn xếp sau VJC về giá trị bán ròng.
Sự tiêu cực sau đó còn được thể hiện rõ khi hàng loạt cổ phiếu lớn như PLX, MSN, VNM... cùng giảm sàn.
Giá trị vốn hóa trên 3 sàn HOSE, HNX và UpCom tính tới cuối phiên giao dịch ngày 3/2 vì vậy cũng đã giảm hơn 6,2%, tương ứng giá trị gần 280.000 tỷ đồng, xuống còn 4.204 triệu tỷ đồng.
Chứng khoán Trung Quốc lao dốc vì virus Corona.
Tuy nhiên, không chỉ riêng thị trường tài chính, chứng khoán Việt Nam chịu ảnh hưởng từ nỗ lo dịch bệnh virus Corona. Bất chấp thông tin Ngân hàng trung ương Trung Quốc bơm 1.200 tỷ nhân dân tệ, tương đương 174 tỷ USD vào thị trường tài chính, chỉ số Shanghai Composite vẫn giảm 7,72%, còn chỉ số shenzhen component giảm 8,45%.
Trước những diễn biến vừa nêu, Goldma Sachs đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc xuống mức 5,5% từ mức 5,9%. Tuy nhiên, chính quyền Bắc Kinh cho biết sẽ hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất hàng hóa thiết yếu sớm hoạt động trở lại. Hiện phần lớn doanh nghiệp đều đóng cửa tới ngày 9/2 để ngăn dịch bệnh lan rộng hơn.
Tại các TTCK khác ở châu Á, xu hướng giảm điểm cũng lan rộng. Song mức giảm không quá sâu do phần nào hãm được đà giảm. Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 1,01% và Kospi của Hàn Quốc giảm 0,01%.
Bên cạnh đó, Chỉ số Hang Seng của Hong Kong đã đảo ngược tăng nhẹ 0,05%. Chỉ số ASX 200 của Australia giảm 1,34% và NZX 50 của New Zealand giảm 1,43%
Nhìn nhận một cách tổng quan, một loạt các chỉ báo cho thấy dịch bệnh do virus Corona gây ra đã nhấn chìm những tin tức về kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.
Tại Mỹ, chỉ số S&P 500 đã sụt giảm 2,1% trong 5 phiên vừa qua, xóa bỏ toàn bộ thành quả đạt được từ đầu năm tới nay. Như phiên thứ Năm tuần trước, dường như thị trường cổ phiếu đã có thể bỏ qua nỗi sợ hãi về dịch bệnh sau khi WHO đẩy mạnh những nỗ lực kiềm chế loại virus nói trên, thì bước sang phiên thứ Sáu, mối quan ngại gia tăng về sự lây lan của bệnh dịch đã khiến S&P500 bị bán tháo mạnh nhất trong 6 tháng.
Những gã khổng lờ như Deere&Co. và Coca-Cola Co. đều đã đóng cửa các cơ sở tại Trung Quốc, trong khi Apple tạm ngừng hoạt động một số cửa hàng của mình tại quốc gia này. Những khu vực có nhà máy của Tesla, công xưởng của Nike và một nhà máy Foxconn sản xuất Iphones đều bị ảnh hưởng bởi virus Corona.
Nỗi buồn của 4 tỷ phú USD Việt Nam
Trong bối cảnh TTCK Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung liên tục chao đảo vì nỗi lo bùng phát dịch bệnh do virus Corona gây ra, tài sản của 4 tỷ phú USD Việt Nam liên tục “bốc hơi” khi thị giá của hàng trăm triệu cổ phiếu HDB, VJC trong tay bà Nguyễn Thị Phương Thảo, hay VIC, VHM, VRE thuộc sở hữu ông Phạm Nhật Vượng, MSN của ông Nguyễn Đăng Quang, TCB của ông Hồ Hùng Anh liên tục giảm sút.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng và tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo.
Như thông tin Dân Việt đã đưa ra trước đó, tính riêng 3 phiên giao dịch gần nhất, cổ phiếu VJC đã giảm 14,33%, cộng thêm mức giảm 6,9% của cổ phiếu HDB đã khiến tài sản chứng khoán của tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo sụt giảm hơn 4.317 đồng.
Tài sản chứng khoán của tỷ phú Phạm Nhật Vượng cũng giảm khoảng 0,09%, tương ứng số tiền 191,6 tỷ đồng do trực tiếp sở hữu hơn 876 triệu cổ phiếu VIC và gián tiếp sở hữu hơn 1 triệu cổ phiếu VIC thông qua 92.88% cổ phần tại Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Việt Nam.
Cổ phiếu MSN của Tập đoàn Masan giảm 6,4% sau 3 phiên giao dịch gần nhất cũng khiến tài sản trên sàn chứng khoán của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang giảm khoảng 853 tỷ đồng.
Với “nữ tướng” ngành vàng bạc Cao Thị Ngọc Dung, dù được kỳ vọng sẽ hưởng lợi nhờ ngày vía Thần Tài. Song cổ phiếu PNJ của Công ty CP Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận đã chứng kiến 2 phiên giảm mạnh liên tiếp, mỗi phiên giảm 3,9% ngay trước sự kiện quan trọng này. Tới phiên giao dịch ngày 3/2, cổ phiếu PNJ giảm thêm 1,78% xuống còn 82.800 đồng/cổ phiếu.
Corona, SARS và cơ hội cho nhà đầu tư chứng
Trong một báo cáo mới công bố, Vietinbank Securites đánh giá Virus Corona với trình tự bộ gen được báo cáo là giống từ 75 đến 80% trình tự bộ gen của virus SARS. Do đó việc xem xét diễn biến thị trường chứng khoán khi xảy ra dịch SARS có thể mang lại những bài học giá trị nhất định cho nhà đầu tư.
Biến động của các nhóm cổ phiếu trên thị tường trong hai giai đoạn: bùng phát và kiểm soát dịch SARS.
Xem xét lại biểu đồ diễn biến một số chỉ số trong dịch SARS, Vietinbank Securities nhận định thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng bởi dịch SARS, tính từ thời điểm dịch bùng phát thị trường tìm đáy trong khoảng 3 - 4 tháng. Thị trường tạo đáy vào tháng 4/2003, trùng với thời điểm Việt Nam là nước đầu tiên công bố khống chế dịch thành công. Tỷ lệ giảm điểm bình quân của 3 thị trường chính vào khoảng 16%.
Dựa vào đó, Vietinbank Securities cho rằng trong ngắn hạn (như trong dịch SARS thời gian tạo đáy khoảng 3 - 4 tháng) thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Corona. Ngưỡng hỗ trợ theo phân tích kỹ thuật mạnh gần nhất quanh mức 900 điểm.
Tín hiệu bắt đáy xuất hiện khi có quốc gia đầu tiên công bố khống chế dịch thành công (SARS: Việt Nam là nước đầu tiên công bố khống chế dịch thành công), thị trường phục hồi và đi lên.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.