Luật sư đánh giá như thế nào về quyết định khởi tố vụ án hình sự của cơ quan CSĐT công an tỉnh Thanh Hóa?
- Luật sư Nguyễn Anh Tuấn: Không trực tiếp theo dõi vụ việc nên tôi không thể khẳng định việc khởi tố là đúng hay sai. Nhưng theo dõi thông tin từ báo chí, tôi thấy quyết định khởi tố này là có căn cứ. Tuy nhiên cần phải nhìn nhận sự việc từ nhiều khía cạnh một cách nghiêm túc thì mới thấy hết bản chất của vấn đề.
Hàng trăm người dân ở thị xã Sầm Sơn đã tràn xuống đường tại trung tâm TP. Thanh Hóa trong nhiều ngày qua. Ảnh: Hồng Đức
Luật sư có thể nói rõ hơn về điều này?
- Việc quy hoạch xây dựng khu du lịch để làm tăng giá trị, tăng nguồn thu ngân sách, doanh nghiêp có việc làm và tăng thu nhập cho người lao động là mục đích tốt. Tuy nhiên vì nó mà làm mất kế sinh nhai của người dân là không ổn rồi. Cho dù UBND tỉnh Thanh Hóa có ban hành chính sách hỗ trợ cho ngư dân, chuyển đổi nghề… Nhưng ngư dân từ xưa đến nay ngoài nghề đánh bắt thì còn biết làm gì khác, chuyển đổi nghề đâu phải chuyện dễ, lĩnh mấy chục triệu tiêu hết biết làm gì để kiếm sống, ấy là chưa kể đến phong tục, tập quán truyền thống đã được hình thành qua nhiều thế hệ. Nếu chỉ lợi cho Nhà nước, cho doanh nghiệp mà kế sinh của dân chưa nhìn thấy tương lai hay nói cách khác là người dân mất kế sinh nhai thì dân bức xúc cũng là lẽ thường tình. Nói như vậy không có nghĩa là tôi ủng hộ những hành động quá khích, gây rối. “Giải tỏa bức xúc” cũng phải đúng quy trình không thể bức xúc mà vi phạm pháp luật.
>> XEM THÊM: Bảo vệ FLC đuổi ngư dân cào ngao, đánh cá dưới biển
Vấn đề thứ hai, cần xem lại một cách nghiêm túc quy trình phê duyệt quy hoạch xây dựng khu du lịch. Quy hoạch này cần phải có sự tham gia góp ý và đồng thuận của cả ba chủ thể là Nhà nước, người dân và doanh nghiệp. Có như vậy hiệu quả kinh tế mới mang lại ý nghĩa đích thực đối với người dân. Nếu hiệu quả kinh tế mang lại lớn mà lòng dân bất an thì sẽ làm cho xã hội không ổn định. Việc tham gia góp ý vào quy hoạch xây dựng khu du lịch của cả ba chủ thể nêu trên không những mang ý nghĩa xã hội mà còn là việc thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về xây dựng. Việc lấy ý kiến của cộng đồng dân cư cũng như trình tự thủ tục lấy ý kiến của cộng đồng dân cư vào quy hoạch xây dựng được quy định rất rõ tại Điều 16, 17 Luật Xây dựng. Nhưng bây giờ dân phản đối là có điều bất thường.
Với những lý do trên nên tôi nói câu chuyện xung quanh việc người dân tụ tập đông người để khiếu kiện UBND tỉnh trả lại bãi biển phải xem lại một cách toàn diện, nghiêm túc là như vây.
Tụ tập đông người, cản trở hoạt động của cơ quan Nhà nước và có những hành động quá khích… là vi phạm pháp luật, có dấu hiệu của Tội gây rối trật tự công công cộng. Nhưng cũng phải lật lại vấn đề vì sao dân lại làm như thế có như vậy mới thấu hiểu hết bản chất của vụ việc.
Luật sư Nguyễn Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Luật Đại Nam.
Vậy làm thế nào để người dân có thể vừa bày tỏ được bức xúc, quan điểm của mình với cơ quan chức năng nhưng vẫn “an toàn”, không bị rơi vào vòng lao lý?
- Khi có căn cứ cho rằng quyết định hành chính, hành vi hành chính xâm hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình thì công dân có quyền khiếu nại đến người có thẩm quyền và cơ quan có thẩm quyền giải quyết; nếu quyết định giải quyết khiếu nại không thỏa đáng thì có quyền khiếu nại đến cấp trên trực tiếp hoặc khởi kiện ra tòa án.
Vụ việc liên quan đến nhiều người, có cùng một nội dung thì có thể cử đại diện để gặp gỡ trình bày với cơ quan chức năng và người có thẩm quyền giải quyết.
Pháp luật quy định việc khiếu nại là như thế. Nhưng từ thực tiễn tham gia bảo vệ quyền lợi cho công dân trong các vụ khiếu nại, tôi thấy gặp rất nhiều khó khăn.
Khi thì nói bận không bố trí làm việc được, khi thì cho nhân viên ra nghe cho xong việc. Nếu có ra quyết định giải quyết thì cũng lòng vòng, né tránh... Đối với chúng tôi là luật sư mà còn như thế thì với người dân còn khó khăn hơn.
>> XEM THÊM: “Bão cạn” do FLC gây ra ở Sầm Sơn
Đối với vụ việc ở Sầm Sơn thì vai trò của các tổ chức xã hội, nghề nghiệp hết sức quan trọng. Hội Nông dân, với tư cách là người đại diện của nông dân cần phải xem xét lên tiếng; Mặt trận Tổ quốc cũng cần vào cuộc lắng nghe ý kiến của dân để phản ánh với chính quyền, rồi Hội nghề cá cũng cần phải xem xét góp phần bảo vệ, tháo gỡ vướng mắc cho ngư dân… Có như thế mới tạo được tiếng nói chung.
Hiến pháp mới được thông qua đã đề cao quyền của con người. Hy vọng sớm có Luật biểu tình để người dân bày tỏ ý nguyện của mình.
Xin cảm ơn luật sư!
“Ngư dân phản đối là đúng, nhưng cần đúng trình tự”
Ông Trần Văn Quý – Chủ tịch Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam đã nói như vậy với Dân Việt sau sự việc ngư dân Thanh Hóa phản đối Tập đoàn FLC cấm neo đậu tàu thuyền và xua đuổi ngư dân đánh cá dẫn tới hậu quả cơ quan Cảnh sát Điều tra (Công an tỉnh Thanh Hóa) đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự gây rối trật tự công cộng.
Theo ông Quý, ông đã xem trên báo chí và truyền hình nên cũng đã biết vụ việc của ngư dân ở Thanh Hóa với mâu thuẫn tới mức cao trào nên có một số ngư dân không kiềm chế được đã bị khởi tố. Một số ngư dân khi đi biểu tình phản đối lên UBND tỉnh đã to tiếng, khua chiêng, đánh trống là không nên, nhất là khi Luật Biểu tình của Việt Nam chưa được thông qua thì những hành động của ngư dân vô tình đã vi phạm pháp luật.
“Có thể họ quá bức xúc vì quyền và lợi ích của họ bị xâm phạm mà chính quyền sở tại không giải quyết được nên họ mới kéo lên UBND tỉnh đề phản ánh sự việc, trong khi đa phần ngư dân thiếu kiến thức về pháp luật, có thể họ cũng chẳng biết tới Dự thảo Luật biểu tình đã có và chưa được thông qua, thậm chí nhiều người “ngây thơ” còn không biết hành vi đó là vi phạm pháp luật.
Như tôi đã trả lời báo chí trước đó, việc ngư dân Sầm Sơn (Thanh Hoá) phản đối Tập đoàn FLC tự cho mình quyền quản lý bãi và mặt biển, cấm ngư dân đánh bắt gần bờ lên UBND tỉnh Thanh Hóa là đúng. Tuy nhiên, việc phản đối phải theo đúng trình tự thủ tục như gửi đơn lên các cơ quan chức năng của Thanh Hóa, gửi đơn lên Hội Nghề cá, Nghiệp đoàn Nghề cá Việt Nam… để đòi quyền lợi chính đáng cho mình. Chúng tôi cũng có chức năng bảo vệ cho ngư dân nên sẵn sàng tiếp nhận đơn của ngư dân khi quyền và lợi ích của ngư dân bị xâm phạm. Do đó, khi nhận được đơn kiến nghị của ngư dân ở bất cứ địa phương nào trên cả nước chúng tôi cũng sẽ cùng với các cơ quan chức năng góp thêm tiếng nói để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp và chính đáng cho ngư dân nhưng vẫn phải tuân theo đúng các quy định của pháp luật”, ông Quý nói.
Trước sự việc đã tới mức cao trào nên xuất hiện cả tình trạng một số ngư dân không giữ được bình tĩnh khi quyền lợi bị xâm phạm, ông Trần Văn Quý cũng khuyên bà con ngư dân ở Thanh Hóa cần bình tĩnh và thực hiện việc đòi quyền lợi theo đúng trình tự, thủ tục và quy định của pháp luật. Tức là ngư dân hoàn toàn có thể viết đơn đề nghị lên UBND tỉnh, nếu UBND tỉnh không giải quyết thì tiếp tục gửi lên các cơ quan chức năng khác như Bộ NNPNT và có thể gửi kiến nghị lên Thủ tướng Chính phủ.
Thanh Xuân (ghi)
|
>> XEM THÊM: FLC và “vấn nạn tập đoàn kinh tế tư nhân"
Vui lòng nhập nội dung bình luận.