Ban đầu rất bỡ ngỡ, phải loay hoay một hồi lâu chị Thắm mới biết cách tải phần mềm về điện thoại rồi nhìn những người xung quanh thao tác để quét mã QR gắn trên thịt lợn. Sau một vài lần đưa lên thả xuống, quét qua quét lại, chị Thắm cũng biết được nguồn gốc trang trại nuôi và ngày giờ giết mổ, đơn vị kinh doanh miếng thịt mà mình đang cầm trên tay.
Người tiêu dùng mua thịt lợn có gắn tem truy xuất nguồn gốc tại một cửa hàng tiện lợi ở Củ Chi (TP.HCM). ảnh: THUẬN HẢI
Mới đây, Liên hiệp HTX Thương mại TP.HCM (Saigon Co.op) khai trương cửa hàng tạp hóa hiện đại Co.op Smile tại xã An Nhơn Tây (huyện Củ Chi), rất đông bà con trong khu vực đã tìm đến thử ứng dụng truy xuất nguồn gốc thịt heo. Ông Đào Văn Cường – Phó Giám đốc phụ trách kinh doanh Công ty Anh Hoàng Thy cho biết, việc có thể biết được thông tin trang trại, ngày giết mổ… cụ thể, rõ ràng giúp người tiêu dùng an tâm hơn khi sử dụng. Cũng nhờ đó mà niềm tin vào nông sản Việt cũng tăng cao hơn.
Dù chưa thống kê được việc áp dụng gắn tem truy xuất nguồn gốc có giúp doanh số bán hàng của Anh Hoàng Thy tăng hơn không, tuy nhiên, ông Cường cho rằng, việc làm này giúp doanh nghiệp tự tin hơn và tạo điều kiện cho các cơ sở làm ăn chân chính phát triển.
Ông Nguyễn Ngọc Hòa - Phó Giám đốc Sở Công Thương TP.HCM cho biết, trong 2 tháng đầu, các chi phí phát sinh trong thực hiện đề án như tem, vòng nhận diện… thành phố sẽ hỗ trợ cho người tiêu dùng, sau đó sẽ tính vào giá bán. Tuy nhiên mức tăng cao nhất sẽ không hơn 2.000 đồng/kg thịt lợn.
Sắp tới đề án quản lý, nhận diện và truy xuất nguồn gốc thịt lợn sẽ được triển khai tại tất cả các chợ lẻ của thành phố từ ngày 1.3.2017. Hiện đã có 2 chợ đầu mối kinh doanh thịt lợn là Bình Điền và Hóc Môn đăng ký tham gia, chiếm hơn 80% sản lượng thịt cung ứng cho thị trường thành phố.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.