Thực tiễn cung cầu
Mở đầu buổi hội thảo, nhà báo Lưu Quang Định chia sẻ, nhà ở bình dân, nhà ở giá rẻ hay giới địa ốc thường gọi là dòng sản phẩm “nhà ở vừa túi tiền” (chủ yếu là căn hộ 1 - 2 phòng ngủ, giá tiền từ 1 – 1,5 tỷ đồng, tương đương mức giá dao động từ 10 - 25 triệu đồng/m2) đã được chú trọng đầu tư, phát triển tại nhiều nước trên thế giới, thu lại những kết quả tích cực.
Trong chiến lược phát triển nhà ở Quốc gia đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ Việt Nam đặt trọng tâm đẩy mạnh phát triển quỹ nhà ở dành cho người có thu nhập trung bình và thấp.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, hiện nay, diện tích nhà ở bình dân khoảng bốn triệu mét vuông, đạt gần 40% yêu cầu theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020, tầm nhìn năm 2030. Ðiều này cho thấy, tiềm năng của phân khúc này còn rất lớn, hằng năm tiếp tục gia tăng, nhất là tại các thành phố lớn hay siêu đô thị như TP.HCM, Hà Nội.
Khách mua nhà đa phần là những người trẻ, một thế hệ sinh sống chứ không phải là đại gia đình từ 2 - 3 thế hệ như trước đây. Thành phần khách hàng đa phần có công việc ổn định, thu nhập ở mức vừa phải và có nhu cầu sống trong những căn hộ diện tích nhỏ, tiện nghi, với giá bán hợp lý. Đặc biệt, nhu cầu nhà ở bình dân ngày càng trở nên bức thiết bởi nước ta đang bước vào thời kỳ cơ cấu dân số vàng, với 70% dân số trong độ tuổi lao động từ 15 – 59 tuổi.
Nhà báo Lưu Quang Định, Tổng Biên tập Báo điện tử Dân Việt – Báo Nông thôn Ngày nay phát biểu tại hội thảo. (Ảnh: Đàm Duy)
Tuy nhiên, trái với nhu cầu đó, trên thị trường, nhà đầu tư lại tập trung nhiều cho tầng lớp trung lưu, với các sản phẩm cao cấp hoặc bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng… Chính sự lệch pha cung – cầu này tạo ra khan hiếm nhà ở bình dân và khiến giá nhà bị đẩy lên cao hơn giá trị thực.
Đáng chú ý, tại Việt Nam, giá nhà vừa túi tiền đã cao gấp 22 - 25 lần so với thu nhập trung bình của xã hội. Đặc biệt, theo số liệu của Bộ Xây dựng, hiện nguồn cung bất động sản, đặc biệt là nhà ở tại Hà Nội và TP.HCM rất lớn.
Giữa lúc thị trường phát triển “nóng” và được dự báo đã có những dấu hiệu cơ quan quản lý Nhà nước cần lưu tâm để kiểm soát, tránh xảy ra bong bóng bất động sản; nhà đầu tư buộc phải nghiên cứu và hướng đến việc phát triển các sản phẩm bất động sản đáp ứng nhu cầu rất lớn của tầng lớp có mức thu nhập trung bình, chiếm đến 65% dân số.
5 vấn đề cần bàn luận
Theo nhà báo Lưu Quang Định, trong thời gian qua, nhận biết được những diễn biến của thị trường, khá nhiều đơn vị phát triển bất động sản đã chủ động thay đổi hoặc điều chỉnh chiến lược kinh doanh bằng cách đầu tư sang loại hình căn hộ bình dân.
Đây là những tín hiệu đáng mừng cho thị trường cũng như những người có thu nhập thấp. Tuy nhiên, những vướng mắc, khó khăn cả về thể chế và năng lực, chiến lược của các chủ đầu tư, cũng như sự kiểm soát nguồn tài chính bất động sản… vẫn là những rào cản khiến phân khúc nhà ở này chưa đáp ứng được kỳ vọng.
Trong bối cảnh hiện nay, xu hướng phát triển nhà ở bình dân không chỉ là định hướng phát triển nhà ở cho người mua nhà mà còn góp phần cân đối cơ cấu hàng hóa bất động sản, góp phần làm cho thị trường bất động sản Việt Nam phát triển lành mạnh, bền vững hơn.
Phân khúc nhà ở giá vừa túi tiền sẽ “bùng nổ” khi và chỉ khi chúng ta tìm ra được những giải pháp đúng và trúng, cũng như nhận được sự ủng hộ, chia sẻ của cộng đồng các doanh nghiệp bất động sản; sự quan tâm, chỉ đạo, xây dựng chính sách phù hợp của cơ quan quản lý Nhà nước.
Ban tổ chức hội thảo kỳ vọng, sẽ có nhiều ý tưởng mới thúc đẩy sự phát triển phân khúc nhà ở bình dân. (Ảnh: Đàm Duy)
Ban Tổ chức Hội thảo tin tưởng rằng, hội thảo sẽ là diễn đàn quan trọng để chia sẻ kinh nghiệm, tạo ra những góc nhìn đa chiều, những kiến giải mới cho việc phát triển phân khúc nhà ở giá bình dân ở Việt Nam.
5 vấn đề được nhà báo Lưu Quang Định đưa ra, kỳ vọng sẽ có những thay đổi với thị trường căn hộ bình dân:
Thứ nhất, là kinh nghiệm phát triển nhà ở bình dân của thế giới và một số doanh nghiệp điển hình của Việt Nam;
Thứ hai, thực trang nhu cầu và tiềm năng đầu tư phân khúc nhà ở bình dân ở Việt Nam (Tập trung ở các thành phố lớn như Hà Nội; TP.HCM; và một số địa phương có nhiều khu công nghiệp – dịch vụ phát triển);
Thứ ba, tác động của thể chế, kinh tế vĩ mô đến việc phát triển phân khúc nhà ở bình dân ở Việt Nam;
Thứ tư, những giải pháp phát triển phân khúc nhà ở bình dân ở Việt Nam;
Cuối cùng là một số kiến nghị: Kiến nghị ban hành tiêu chuẩn kỹ thuật riêng cho nhà ở thương mại giá rẻ, nhà ở bình dân; Kiến nghị giải quyết các khia cạnh khác như:
Thủ tục hành chính (rút gọn thời gian phê duyệt quy hoạch sử dụng đất, cấp phép xây dựng, thủ tục kiểm tra);
Đất đai (tăng hệ số sử dụng đất, cho phép phát triển các công trình hỗn hợp) và tài chính (giảm thuế, hỗ trợ lãi suất, hình thành các kênh tài chính và tiết kiệm để mua nhà) trong phát triển nhà ở bình dân;
Hướng tới hình thành một thị trường bất động sản Việt Nam phát triển ổn định và bền vững…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.