Thưa ông, theo Đồng hồ nợ công toàn cầu (Global debt clock) trên trang The Economist.com, nợ công của Việt Nam đến ngày 13.6 đã ở mức trên 81,885 tỷ USD; bình quân nợ công theo đầu người là 905,18USD; chiếm 47,7% GDP, tăng 10,9% so với năm 2013. Mới đây nhất, Quốc hội cũng thừa nhận nợ công có nhiều dấu hiệu không an toàn?
TS Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương
- Đúng là nợ công của ta đang không an toàn. Nợ tăng lên quá nhanh, tỷ lệ nợ phải trả trên tổng thu chi quá lớn. Đấy là nợ công công bố còn chưa tính nợ Chính phủ bảo lãnh cho doanh nghiệp nhà nước vay. Ví dụ như vừa qua Chính phủ đã phải trả nợ thay cho ngành xi măng... Tôi cho rằng, tình hình rất đáng lo ngại, cần phải có ngay sự quản lý, giám sát tốt. Chưa kể, chúng ta phải vay nợ mới để trả nợ cũ cũng là rất nguy hiểm. Điều này chứng tỏ thu không đủ để chi, nếu không có sự cải cách Luật Ngân sách thì rất gay.
Bộ trưởng Bộ Tài chính tại Quốc hội mới đây cho biết: Theo số tuyệt đối, nợ công trong những năm gần đây có xu hướng tăng. Tuy nhiên, nếu so với GDP thì tỷ lệ thay đổi không nhiều (tỷ lệ nợ công trên GDP qua các năm 2010 là 51,7%, 2011 là 50,1%, đến 2012 là 50,8% và ước tính của 2013 là 54,1%), ông nghĩ sao?
- Vì GDP trong năm vừa qua được tính theo tỷ giá thực tế của đồng đôla nên nó vọt lên 176 tỷ USD cũng là đương nhiên. Trước đây chúng ta tính GDP theo tỷ giá cố định, nay tính theo tỷ giá hiện hành, cộng cả lạm phát và tăng tỷ giá USD vào, tất cả tạo ra một chỉ số GDP giả tạo, không phản ánh thực sự tốc độ tăng trưởng và đời sống người dân. Tôi cho rằng, nếu cứ ngụy biện vào những con số như thế này để yên lòng sẽ đến một ngày nợ công sẽ cực kỳ nguy hiểm.
Vừa rồi các ĐBQH cũng chất vấn việc Việt Nam đang phải đi vay để trả nợ công. Theo ông, điều này sẽ có ảnh hưởng như thế nào tới nền kinh tế?
- Như tôi đã nói, việc này rất nguy hiểm. Chúng ta không đủ tiền để trả nợ nên mới phải làm vậy nếu không thì "vỡ nợ". Thu ngân sách đã và đang không bảo đảm được cho các khoản chi và trả nợ. Vay mới để trả nợ cũ sẽ khiến cho khoản vay cứ tăng lên thôi. Điều này cũng giống như việc anh vay của ông hàng xóm tiền để chi tiêu rồi lại đi vay một ông hàng xóm khác để trả nợ ông đã vay trước, như vậy khoản vay chỉ là chuyển từ vay người này sang người khác, không có gì là tốt cả.
Quốc hội cũng thừa nhận, nợ công, nợ Chính phủ đang ở trong mức giới hạn của pháp luật cho phép, nhưng tình hình đã đe dọa tới an ninh tài chính vi mô, vậy theo ông phải có giải pháp như thế nào trước thực trạng này?
- Bởi nhìn vào cơ cấu nợ công hiện nay thì sẽ thấy rất rõ: 50% nợ công hiện nay là khoản vay trong nước thông qua phát hành trái phiếu chính phủ với kỳ hạn ngắn từ 2-5 năm. Chỉ có khoảng 50% là nợ nước ngoài với điều kiện vay ưu đãi và thời gian đáo hạn dài hơn 10 năm trở lên.
Như vậy, nguồn vay hình thành nợ công đang có thời hạn quá ngắn, với thời gian vay chỉ vài năm như thế thì làm sao có thể sử dụng hiệu quả để trả nợ kịp, có khi chưa dùng chúng ta đã phải trả nợ. Áp lực trả nợ là rất sớm và lớn.
Do vậy, tôi cho rằng, đã đến lúc Chính phủ phải có giải pháp thực sự để giải quyết vấn đề nợ công hiện nay. Trước hết là bằng cách công bố một cách rõ ràng các khoản nợ, lãi suất cho vay, đối tác cho vay để toàn xã hội thấy rõ và cùng hành động.
Nhiều chuyên gia kinh tế còn lo ngại, nợ công của Việt Nam sẽ còn khó khăn hơn sau những căng thẳng trên Biển Đông hiện nay. Đâu là giải pháp cho vấn đề này?
- Khó khăn hơn là điều chắc chắn mà chúng ta cần tính đến để có giải pháp cho nó. Bởi đương nhiên, tình hình Biển Đông sẽ làm tăng chi tiêu quốc phòng của chúng ta lên.
Sự kiện này cũng làm giảm nhiều nguồn thu của chúng ta từ du lịch, từ doanh nghiệp... Tất cả sẽ đòi hỏi chúng ta phải tính toán đến một sự thay đổi của nguồn thu. Một số lĩnh vực kinh tế quan trọng như hàng không, đầu tư, du lịch... đã bị lỗ rồi, nhiều lĩnh vực khác cũng đã bị ảnh hưởng...
Còn về giải pháp, tôi cho rằng, cách tốt nhất để giảm nợ công là Chính phủ phải cắt giảm chi tiêu thường xuyên một cách quyết liệt. Thay vì đi hội họp, công tác nước ngoài không cần thiết thì dành tiền ấy để dành hỗ trợ ngư dân bám biển, bảo vệ Tổ quốc.
Chúng ta cũng cần hạn chế bỏ tiền ngân sách để mà xây sân bay, cảng biển, nhà hát, trụ sở... để dành thêm nguồn lực cho việc trả nợ, đầu tư vào những lĩnh vực cần thiết mà không phải đi vay thêm nữa. Cắt giảm chi tiêu, chi tiêu hợp lý để giảm vay nợ không nên chỉ là khẩu hiệu mà phải có hành động thiết thực; phải cân đối được nguồn thu ngân sách Nhà nước để trả nợ thay vì phải đi vay thêm.
Trong bối cảnh hiện nay Nhà nước phải thắt lưng buộc bụng, tránh đầu tư dàn trải; tái cơ cấu lại nền kinh tế, đầu tư công để kiểm soát các khoản đầu tư tốt hơn, minh bạch hơn. Cuối cùng là cũng cần giải pháp tái cơ cấu lại nợ công, trong đó đặc biệt lưu ý đến việc quản lý, giám sát nguồn nợ đó; nếu vay nhưng quản lý không được, sử dụng kém hiệu quả cũng là vấn đề nguy hại đại sự cả.
Xin cảm ơn ông!
Vui lòng nhập nội dung bình luận.