Bản giám định còn nhiều vấn đề cần phải làm rõ
Đây là nhận định của HĐXX. Trước khi tuyên án, HĐXX tiếp tục quay lại phần xét hỏi làm rõ nhiều nội dung.
HĐXX nhận định, vì không có sự có mặt của bên giám định nên những con số thể hiện sự thiệt hại của Vinasun không làm rõ được, buộc HĐXX phải yêu cầu đại diện Vinasun làm rõ các nội dung: Có bao nhiêu xe phải nằm bãi mà không hoạt động kinh doanh được; lấy cơ sở nào thể hiện các con số thiệt hại là con số có thật? Cùng thời điểm hoạt động của Grab có nhiều hãng taxi cùng hoạt động, vậy những hãng taxi khác có gây ảnh hưởng đến Vinasun hay không? Cơ sở nào khẳng định số tài xế nghỉ việc ở Vinasun là do Grab gây ra? Yêu cầu Vinasun chứng minh thiệt hại giá trị vốn hóa thị trường (cổ phiếu) do Grab gây ra? Vinasun phải chứng minh mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm của Grab đối với thiệt hại của Vinasun,...
Phiên xét xử thu hút đông đảo dư luận quan tâm. Ảnh: Phương Thảo.
Vinasun cho biết từ 2016 đến 6 tháng đầu năm 2017 số xe nằm bãi không kinh doanh được của công ty này là 398 xe (2016), 2.379 xe (6 tháng năm 2017). Số đầu xe Grab tăng đồng nghĩa với đầu xe Vinasun giảm. Số liệu dựa vào con số quản lý của Sở GTVT TP.HCM, theo nghiệp vụ của Công ty giám định Cửu Long thu thập được. Cùng với đó, sự phát triển của Grab khiến các nhà đầu tư lo ngại cho sự sụt giảm và uy tín, sự tồn tại của Vinasun nên cơ hội thu hút đầu tư, phát triển kinh doanh của Vinasun bị giảm đi.
"Thiệt hại mà Grab gây ra cho Vinasun thể hiện ở rất nhiều khía cạnh khác nhau như các phiên xét xử trước Vinasun đã trình bày", đại diện Vinasun khẳng định thêm.
Grab vẫn bảo vệ quan điểm những thiệt hại của Vinasun không phải do Grab gây ra. Đồng thời, Grab không thừa nhận số liệu giám định, cho rằng số liệu đó không chính xác, phương pháp tính không chính xác, không có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi mà Vinasun cho là vi phạm với thiệt hại của Vinasun. Việc Vinasun yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại là không có căn cứ pháp lý.
Sau khi nghe hai bên trình bày thêm, HĐXX hội ý và ra quyết định tạm ngừng phiên tòa theo quy định tại Điều 255, Điều 259 bộ luật TTDS. Thời hạn tạm ngừng không quá 1 tháng kể từ ngày HĐXX ra quyết định tạm ngừng.
HĐXX cũng thông báo phiên xét xử sơ thẩm vụ án "Yêu cầu bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Vinasun và bị đơn là Grab sẽ được tiếp tục vào 8 giờ ngày 22.11.2018 tại trụ sở TAND TP.HCM.
HĐXX ra quyết định tạm ngừng phiên xét xử để thu thập, xác minh, bổ sung chứng cứ. Ảnh: Phương Thảo.
"Nhẽ ra HĐXX phải tạm ngưng phiên tòa ngay từ buổi xét xử đầu tiên"
Đây là nhận định của đại diện luật sư bảo vệ quyền lợi cho Grab. Vị này cho biết tại buổi xét xử đầu tiên, xét thấy kết luận giám định còn nhiều vấn đề không chính xác, người đại diện công ty giám định không có mặt, phía Grab đã yêu cầu triệu tập người của công ty giám định, hoặc phải tạm ngừng phiên xét xử. Tuy nhiên đề nghị của Grab đã không được HĐXX chấp nhận.
"Trước sau như một, chúng tôi khẳng định Grab không vi phạm Đề án cũng như không gây thiệt hại cho Vinasun. Hơn nữa, việc Grab hoạt động có đúng theo đề án thí điểm hay không không thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án mà là thẩm quyền của Bộ GTVT và của Chính phủ Việt Nam. Việc tạm ngừng phiên xét xử sơ thẩm vụ án của TAND TP.HCM là đúng pháp luật" - vị luật sư phía Grab khẳng định thêm.
Trước đó, như Danviet đã thông tin, theo đơn khởi kiện của Vinasun, Grab hoạt động tại thị trường Việt Nam thông qua Quyết định 24 của Bộ Giao thông Vận tải về việc thí điểm triển khai ứng dụng khoa học - công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, tức cung cấp phần mềm cho đơn vị kinh doanh vận tải.
Tuy nhiên, Vinasun khẳng định trên thực tế, Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi, một lĩnh vực cùng ngành nghề với Vinasun.
Từ đó, Vinasun cho rằng Grab thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật, gây thiệt hại nghiêm trọng về doanh thu, lợi nhuận cho Vinasun nên Vinasun khởi kiện, yêu cầu Grab bồi thường thiệt hại 41,2 tỷ đồng.
Đại diện bị đơn Grab khẳng định hoạt động kinh doanh của GrabTaxi là hoạt động cung ứng ứng dụng khoa học công nghệ quản lý kết nối vận tải hành khách theo hợp đồng được Bộ Giao thông Vận tải cấp phép theo chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ có tham khảo ý kiến của các Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Thông tin và Truyền thông dựa trên đề án thí điểm được GrabTaxi trình lên.
Luật sư bảo vệ quyền lợi cho Grab cho biết nhẽ ra phải tạm ngừng phiên xét xử Sơ thẩm ngay từ đầu. Ảnh: Phương Thảo.
Tại tòa, VinaSun chưa cung cấp được quyết định của Bộ GTVT về hành vi vi phạm pháp luật kinh doanh vận tải, kinh doanh taxi đối với GrabTaxi. Đồng thời Bộ GTVT đã hai lần xem xét và kết luận hoạt động theo Đề án thí điểm của bị đơn không phải là hoạt động kinh doanh vận tải...
Phía Grab cũng khẳng định không có hành vi vi phạm pháp luật về cạnh tranh nên không thể có trách nhiệm bồi thường thiệt hại như nguyên đơn yêu cầu. Đồng thời, Grab nêu quan điểm: "Nếu nguyên đơn cho rằng hoạt động kinh doanh theo Quyết định 24 gây thiệt hại cho mình thì nguyên đơn phải kiện Bộ GTVT theo thủ tục tố tụng hành chính chứ không phải kiện Grab".
Theo quan điểm của VKSND TP.HCM, Grab không đơn thuần là đơn vị thực hiện thí điểm đề án theo Quyết định 24 của Bộ GTVT, Grab hoạt động điều hành như một đơn vị kinh doanh vận tải, giống như hoạt động của Vinasun. Từ đó khẳng định Grap là một đơn vị kinh doanh vận tải.
VKS đề nghị TAND TP.HCM chấp nhận toàn bộ nội dung đơn khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cho Vinasun số tiền hơn 41,2 tỷ đồng do hành vi vi phạm của Grab gây ra.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.