Chiều 15/8, tại TP.HCM, Diễn đàn Kinh doanh 2019 lần thứ 6 do Tạp chí Forbes được tổ chức với nhiều chuyên gia hàng đầu về kinh tế của Việt Nam, thế giới và các lãnh đạo doanh nghiệp tên tuổi tham gia.
Ông Mai Hữu Tín, Chủ tịch và CEO Công ty cổ phần đầu tư U&I, nhận định Việt Nam hiện đang trong giai đoạn dân số vàng với hơn 53% dân số trong độ tuổi lao động, nhưng tại sao năng suất lao động lại thấp? Nguyên nhân là bởi cơ cấu lao động, số lao động trong ngành nông nghiệp và trong các cơ quan hành chính còn quá cao, nên chuyển dịch mạnh cơ cấu từ nông nghiệp sang công nghiệp.
Ông Mai Hữu Tín đặt câu hỏi: Chúng ta làm như thế nào để ăn sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu? Doanh nghiệp chúng tôi làm trong ngành công nghiệp thời trang. Hiện ngành công nghiệp thời trang thế giới đạt khoảng 600 tỷ USD, trong đó ngành da giày, túi sách đứng thứ 2. Tổng doanh số là gần 60 tỷ USD. Chúng ta đang dần phát triển bền vững và có lợi thế trong ngành công nghiệp thời trang, nguyên liệu mua bán đã chiếm trên 50%, trong đó tại Việt Nam đã chiếm trên 50% số lượng này.
Làm sao các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao được năng suất lao động và quản trị doanh nghiệp là vấn đề các doanh nghiệp cần phải có giải pháp. Quản trị phải trên nền tảng xã hội, từ đó nâng cao năng suất lao động. Trong thời đại công nghệ số, cơ sở dữ liệu số là quan trọng để tăng năng suất lao động.
Các chuyên gia kinh tế và doanh nghiệp trao đổi tại diễn đàn.
Ông Mai Hữu Tín cho rằng các doanh nghiệp cần mạnh dạn đầu tư cho công nghệ. Ví dụ đối với công ty U&I hiện có trên 50.000 lao động, trải khắp đất nước, nếu không áp dụng công nghệ số thì không thể quản lý tốt và nâng cao năng suất lao động.
Trước câu hỏi của một số doanh nghiệp quan tâm đến sự kiện chiến tranh thương mại Trung - Mỹ ảnh hưởng như thế nào đến tình hình kinh tế Việt nam và sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp?
Ông Trần Đình Thiên, Ủy viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ Quốc gia nêu ý kiến, gần 3 năm qua, nền kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng tương đối tốt nhờ quá trình kiểm soát vĩ mô ổn định của Chính phủ.
Chiến tranh thương mại Trung - Mỹ diễn ra xét về khía cạnh nào đó lại có những ảnh hưởng tốt đến Việt Nam. Việt Nam đang trở thành điểm đến, nơi trú ẩn của nhiều doanh nghiệp trên thế giới. Khi Việt Nam đã ký được hiệp định thương mại với những đối tác hết sức tin cậy, bảo đảm cho tương lai của nền kinh tế Việt Nam, tạo lòng tin cho đối tác.
"Nền tảng kinh tế Việt Nam chưa vững chắc, tuy nhiên chiến tranh thương mại đặt Việt Nam vào tình thế rất hay. Đây là một thời điểm mang tính thử thách không chỉ để các doanh nghiệp Việt Nam vượt qua khó khăn mà là để đạtbàn về được đẳng cấp khác", ông Thiên nói.
Cũng tại diễn đàn, các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp bàn về vấn đề trong bối cảnh Việt Nam chuyển đổi từ nền kinh tế dựa vào khai thác tài nguyên, nhân công giá rẻ sang nền kinh tế tri thức, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp cần quan tâm đến cách tiếp cận chuyển từ tuyển dụng nhân sự sang thu hút nhân tài nhằm phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp đảm bảo chất lượng, đủ khả năng thích ứng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam và thế giới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.