Liên quan tới vấn đề tranh chấp chung cư, ông Hà Quang Hung cho biết, về phí bảo trì, thống kê cho thấy con số này chiếm 68% tranh chấp và chiếm 14,8% chung cư có vấn đề. Còn về phần sở hữu chung, riêng, qua tổng hợp chiếm khoảng 47%, tương đương 10% các tranh chấp. Ngoài ra còn một số khác, nhưng theo ông Hưng thì con số này không nhiều, chỉ một vài phần trăm, một vài dự án.
Đại diện Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản cho hay, trong tháng 3 vừa qua, Bộ Xây dựng đã đi khá nhiều để lắng nghe phản hồi từ các địa phương để xem thực tế các vướng mắc. Cơ quan quản lý thấy rằng các hình thức tranh chấp có nhiều, nhưng có 5 nhóm nguyên nhân lớn.
Tranh chấp chung cư bùng nổ những năm gần đây.
Nhóm thứ nhất, thời gian vừa qua có 1 số văn bản quy phạm chưa thực sự rõ ràng, chẳng hạn như cách tính lô gia.
Nhóm thứ hai, một số chủ đầu tư không đủ năng lực thực hiện dự án, hoặc thời gian đầu thực hiện sau đó chuyển nhượng dự án không thông báo cho khách hàng, gây ra việc nhầm lẫn, không biết thẩm quyền trách nhiệm là ai. Đi cùng với đó là một số chủ đầu tư không quan tâm nghĩa vụ sau khi bán hàng.
Nhóm thứ ba, mẫu hợp đồng chủ đầu tư lập chưa tuân thủ theo các quy định pháp lý, vì vậy họ có khả năng đưa ra các điều khoản có lợi cho chủ đầu tư. Người dân đi mua chưa ý thức được điều khoản bất lợi cho mình trong hợp đồng như vậy. Do đó, khuyến nghị người dân nên nghiên cứu kỹ hoặc tư vấn luật sư, tham khảo người có chuyên môn.
Nhóm thứ tư, thực tế về cơ bản pháp luật về quản lý vận hành nhà chung cư đã tạo ra hành lang pháp lý khá đầy đủ, các tranh chấp xảy ra trong thời gian vừa qua chủ yếu là do công tác thực thi pháp luật. Ở đây, tôi cũng nói thêm, không phải đổ tại như thế nào, thế nhưng con người từ trung ương và địa phương rất thiếu và rất yếu.
Đơn cử như Cục quản lý là đơn vị quản lý và xây dựng lên khung khổ pháp lý này hiện nay phòng làm công việc này có 6 người, ở địa phương cấp sở có 4 người. Chưa kể, họ còn phải quản lý đồng thời rất nhiều công việc khác.
Nhóm thứ năm, được đề cập là các đối tượng cơ quan quản lý nhà nước, chủ đầu tư, đơn vị quản lý và cư dân vẫn chưa thực hiện hết vai trò của mình. Cụ thể là khi xảy ra tranh chấp, các đối tượng này vẫn chưa chủ động ngồi với nhau, nên xung đột đẩy lên cao gây ra hiện tượng căng băng rôn.
Giải pháp mà ông Hà Quang Hưng nêu ra là đối với một số tranh chấp thì các đơn vị liên quan cần ngồi xuống, gặp mặt nhau, giải thích các căn cứ pháp luật, có nghĩa là phải tăng cường công tác tuyên truyền pháp luật.
"Ở đây, muốn có tiếng nói đồng thuận phải có cách nhìn, cách hiểu về các quy định trong các văn bản pháp luật giống nhau. Các quy định pháp luật hiện tại tương đối đầy đủ, mặc dù vẫn còn vài quy định chưa tối ưu hết", ông Hưng nhận định.
Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Hưng cũng cho biết thêm, tới cuối tháng 6/2019, Bộ Xây dựng sẽ hoàn thiện dự thảo sửa đổi Thông tư 02, xin ý kiến rộng rãi các bên liên quan trên cổng thông tin điện tử của Bộ. Với những ý kiến đóng góp ấy, hy vọng sẽ tìm được tiếng nói đồng thuận cho vấn đề vận hành bất động sản đa sở hữu hiện nay.
Theo thống kê mới nhất của Bộ Xây dựng, cả nước hiện có trên 4.400 chung cư, trong đó 458 có tranh chấp, chiếm trên 10%.
Trước thực trạng trên, Bộ Xây dựng đề xuất sửa đổi Luật Nhà ở để bổ sung 2 mô hình quản lý, vận hành nhà chung cư.
Mô hình thứ nhất là chủ đầu tư tự quản lý, vận hành nhà chung cư và tự quản lý, sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư.
Mô hình thứ hai là giao cho các đơn vị quản lý, vận hành chuyên nghiệp.
Theo Bộ Xây dựng, nếu hai đề xuất này được thông qua, việc quản lý nhà chung cư sẽ đa dạng, linh hoạt hơn. Còn việc chọn mô hình nào là do cộng đồng dân cư tự quyết định và phải có sự giám sát của Ban quản trị nhà chung cư.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.