Vừa qua, tại Hội nghị sơ kết hoạt động sản xuất kinh doanh 9 tháng và triển khai kế hoạch quý IV năm 2016, thông tin mới nhất về hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Công ty Cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC) đã được tiết lộ.
Theo đó, tổng doanh thu của PVC trong 9 tháng đầu năm 2016 đạt hơn 7.900 tỷ đồng, tương đương với cùng kỳ năm 2015.
PVC lãi kỷ lục 256,8 tỷ đồng sau 9 tháng đầu năm 2016
Đáng chú ý, lợi nhuận trước thuế của tổng công ty này sau 9 tháng đạt mức kỷ lục 256,8 tỷ đồng, gấp 5,3 lần con số 48 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái và gấp 2 lần kế hoạch lợi nhuận cả năm. Tính riêng trong quý III/2016, PVC cũng lãi thêm cả gần trăm tỷ đồng.
Rõ ràng đây là một tín hiệu tốt đối với PVC, nhất là sau những bê bối liên quan đến cựu lãnh đạo của tổng công ty này là ông Trịnh Xuân Thanh. Thời ông Trịnh Xuân Thanh, PVC đã lỗ lũy kế khoảng hơn 3.200 tỷ đồng.
Tuy nhiên, có phải lợi nhuận hàng trăm tỷ này là đến từ sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh của PVC hay không?
Thực ra PVC rất “đen đủi” bởi ngay sau khi ông Trịnh Xuân Thanh rời ghế lãnh đạo vào năm 2013 và để lại một PVC “be bét”, tổng công ty này lại phải hứng chịu thêm “đòn đau” đến từ việc giá dầu thế giới sụt giảm kỷ lục bởi cuộc tấn công của dầu khí đá phiến Mỹ.
Cần lưu ý rằng, thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh làm lãnh đạo (2008 – 2013), giá dầu thế giới có diễn biến theo chiều hướng tốt lên, thậm chí đạt đỉnh nhiều năm trong hai năm 2012 – 2013. Do vậy mà thua lỗ của PVC thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh không liên quan đáng kể tới diễn biến của giá dầu thế giới.
Diễn biến phức tạp của giá dầu kể từ năm 2014 khiến PVC khó lại càng thêm khó bởi điều này ảnh hưởng tiêu cực một cách trực tiếp đến hoạt động kinh doanh chính của PVC.
Mặc dù vậy, hoạt động kinh doanh chính của PVC lại khởi sắc rõ rệt.
Năm 2014, PVC báo lãi gộp 455 tỷ đồng. Đến năm 2015, PVC tiếp tục báo lãi gộp 748 tỷ đồng. 6 tháng đầu năm 2016, PVC báo lãi gộp 285 tỷ đồng, tăng nhẹ 8,8% so với cùng kỳ năm 2015.
Trong khi đó, năm 2012, PVC lỗ gộp 210 tỷ đồng. Năm 2013 cũng chỉ lãi gộp vỏn vẹn 54 tỷ đồng.
Lãi gộp là lãi từ hoạt động sản xuất kinh chính của doanh nghiệp khi chưa tính các chi phí như chi phí lãi vay, chi phí bán hàng, chi phí quản lý doanh nghiệp… Việc lãi gộp được cải thiện hàm ý rằng, vị thế kinh doanh của PVC đang tăng lên do không còn phải chấp nhận nhận làm công trình, dự án với giá vốn cao để duy trì kinh doanh nữa.
Trong 9 tháng đầu năm 2016, PVC đã ký được 16 hợp đồng mới với tổng giá trị gần 3.600 tỷ đồng. Trong đó, công ty mẹ PVC ký kết được hợp đồng xây dựng Nhà máy Nhiệt điện Sông Hậu có giá trị hơn 2.555 tỷ đồng, còn lại 15 hợp đồng với giá trị hơn 1.031 tỷ đồng được ký kết bởi các công ty thành viên. Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy PVC đang dần cải thiện vị thế của mình sau quãng thời gian “vật lộn” với bê bối lãnh đạo.
Tuy nhiên, còn một nguyên nhân quan trọng khác khiến PVC liên tục báo lãi kỷ lục, đó là lợi nhuận từ việc hoàn nhập dự phòng rủi ro các khoản phải thu khó đòi.
Thời kỳ ông Trịnh Xuân Thanh, PVC đã phải trích lập dự phòng hàng nghìn tỷ đồng cho các khoản phải thu khó đòi. Theo quy định hạch toán kế toán, các khoản trích lập dự phòng này sẽ được hạch toán vào chi phí quản lý doanh nghiệp, khiến chi phí quản lý doanh nghiệp tăng lên và trực tiếp gây ra thua lỗ cho PVC.
Mặc dù khi đã xác định trích lập dự phòng cũng có nghĩa là doanh nghiệp đã xác định sẽ mất trắng phần phải thu đã trích lập dự phòng đó, nhưng với PVC, tổng công ty này hiện lại đang bắt đầu thu lại được khá nhiều các khoản phải thu khó đòi đã trích lập dự phòng trước đây.
Cụ thể, 6 tháng đầu năm 2016, lợi nhuận sau thuế của PVC bỗng tăng vọt từ mức 32,42 tỷ đồng trước soát xét lên mức 148,45 tỷ đồng sau soát xét. Theo giải trình từ phía PVC, nguyên nhân chủ yếu của sự việc này là do sau thời điểm công bố báo cáo tài chính tự lập quý II/2016, PVC đã thu hồi được một số khoản công nợ khó đòi đã trích lập dự phòng trước đây.
Theo chuẩn mực kế toán số 23 – các sự kiện phát sinh sau ngày kết thúc kỳ kế toán, PVC tiến hành hoàn nhập các khoản dự phòng khó đòi này vào Báo cáo tài chính sau soát xét.
Đây cũng là nguyên nhân khiến chi phí quản lý doanh nghiệp của PVC 6 tháng đầu năm 2016 chỉ ở mức 40 tỷ đồng, nghĩa là chỉ bằng chưa đầy 30% con số 138 tỷ đồng cùng kỳ năm ngoái.
Sở dĩ như vậy là bởi PVC đã được hoàn nhập dự phòng 129 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016. Nếu không tính khoản hoàn nhập dự phòng này, chi phí quản lý doanh nghiệp của PVC là 169 tỷ đồng, còn cao hơn cả cùng kỳ 2015.
Kình Dương (VietnamFinance)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.