Thời gian vừa qua, hình ảnh của những chiếc túi được làm từ bao cám cò, cám gia súc,... của Việt Nam, bỗng xuất hiện liên tục trên đường phố Nhật Bản đã làm rất nhiều người Việt vừa ngạc nhiên, vừa thú vị. Bởi với người Nhật - vốn nổi tiếng vì rất có gu về thời trang và lựa chọn vô cùng kỹ lưỡng trong việc mua sắm, nhất là với một sản phẩm mới mà lại có xuất xứ từ một đất nước khác - thì việc họ lựa chọn một cái gì đó để khoác lên người, cũng cho thấy nó phải thực sự thú vị và có điều gì đó đặc biệt.
Ấy thế mà những chiếc túi được làm từ bao cám cho gia súc, gần như là đồ "vứt đi" ở Việt Nam, mà lại có thể gây nên một "cơn sốt" tại quốc gia này thì lại càng khiến người ta tò mò.
"Những chiếc túi cám cò này đã được ai làm ra", "vì sao nó lại có mặt ở Nhật Bản" và "vì sao một chiếc túi được làm từ chất liệu đáng lẽ phải bỏ đi ấy mà vẫn có "đất sống" ở nước ngoài, thậm chí còn được bán với giá vài trăm, cho đến vài triệu đồng 1 chiếc?",... Rất nhiều câu hỏi được đặt ra nên cuối cùng, chúng tôi đã tìm đến người đã tạo và đưa những chiếc túi cám đặc trưng của Việt Nam đến Nhật Bản. Bởi chỉ có họ mới có thể trả lời chính xác những câu hỏi này.
Một cửa hàng tại Nhật chuyên bán túi xách bao cám cò Việt Nam.
Những chiếc túi xách thuần Việt như thế này lại xuất hiện trên khắp đường phố của Nhật là điều rất ngạc nhiên.
Chiếc túi Việt Nam qua bàn tay thiết kế của một người Mỹ
Khi hình ảnh của những chiếc túi này xuất hiện nhiều trên phố Nhật Bản và được bày bán online trên nhiều website, thì mọi người mới bắt đầu để ý đến cái tên Blue Dragon cũng có mặt trên các bức hình. Cuối cùng chúng tôi cũng đã lần ra được, Blue Dragon vốn là một trong những nhà cung cấp trực tiếp dòng túi này sang thị trường Nhật và có nguồn gốc ngay tại Việt Nam. Xưởng sản xuất nhỏ của họ được đặt trên đường Trần Hưng Đạo, quận 5 TP.HCM. Nhưng có một điều khá bất ngờ đó là chủ của Blue Dragon - người đã đồng ý chia sẻ về chiếc túi thuần Việt này với chúng tôi lại là một phụ nữ người Mỹ.
Nhiều trang website tại Nhật đăng bán sản phẩm của cửa hàng Blue Dragon này.
Các sản phẩm của cửa hàng này còn từng được tạp chí Nhật Bản viết bài giới thiệu.
Chị tên Lisa là người gốc Mỹ, sau khi kết hôn cùng anh Bình Hoàng thì đã ở lại Việt Nam sinh sống đến nay đã hơn chục năm. Lisa cho biết, những chiếc túi này là do chị tự tay thiết kế, lên ý tưởng, còn người trực tiếp chọn lựa chất liệu hoặc thẩm định sản phẩm là thuộc về chồng chị.
Dù là người nước ngoài, nhưng chị Lisa lại cực kỳ có tâm huyết và rất thích làm ra những mẫu túi từ loại chất liệu này. Chị chia sẻ: "Là một nhà thiết kế, tôi luôn muốn tìm tòi và làm việc trên những loại chất liệu mới, bền và sử dụng được lâu dài như loại bao bì này. Hơn nữa chúng lại có rất nhiều màu sắc và có nhiều đặc điểm riêng biệt.
Quá trình làm nên những chiếc túi cũng rất khó và mất khá nhiều thời gian. Quan trọng nhất là khâu cắt, may, thiết kế nút lót quai sao cho những chiếc túi chịu được sức nặng nhiều và bền nhất".
Lisa và Bình Hoàng - đôi vợ chồng cùng nhau làm và sáng tạo cho loại túi xách độc đáo của Việt Nam.
Tuy nhiên, ý tưởng ban đầu của những chiếc túi cám này lại đến từ ký ức cơ cực của anh Bình Hoàng. Anh chia sẻ: "Hồi tôi còn nhỏ, cái thời nghèo khổ thì nguyên vật liệu chả có gì ngoài những bao phân bón. Tôi còn nhớ rõ khi đó người Việt mình thường lấy chúng lợp trên mái nhà để che nắng, chắn mưa, hoặc may thành những cái túi để đựng đất, cát hay quải đồ ăn lúc đi rẫy, đi đồng. Nó xuất hiện nhiều trong cuộc sống, khiến tôi có một ký ức đặc biệt về nó.
Dần dần sau này ở ngoài chợ, tôi bắt đầu thấy nhiều người dùng hơn và cảm thấy chúng rất đẹp, nên tôi nghĩ tại sao mình không tạo nên chúng để chào mời khách hàng?" Và cách đây 5 năm, vợ chồng anh đã làm nên những chiếc túi đầu tiên và bắt đầu chào mời ở những thị trường nước ngoài như: Nhật Bản, Lào, Mỹ, Canada,... đến các nước châu Âu.
Riêng tại Nhật thì khoảng 3 năm trở lại đây thị trường bắt đầu ổn định và dần dần mọi người yêu thích và dùng nhiều hơn.
Người Nhật không chê đó là bao cám cho gia súc
Khác hẳn với những gì mọi người nghĩ: "Có thể người Nhật không hiểu tiếng Việt, nên họ chẳng quan tâm gì về vẻ ngoài của chiếc túi và cũng sẽ chẳng biết đó được làm từ bao cám lợn hay cám cò". Thế mà ngược lại, theo tiết lộ của anh Bình Hoàng, người Nhật rất thích những chiếc túi này, bởi đơn giản vì chúng là đồ tái chế. Họ biết một điều rằng khi dùng nó, tức là họ có thể bảo vệ được môi trường. Điều đó cho thấy người nước ngoài họ quan tâm đến tính ứng dụng, sự hữu ích nhiều hơn là "xuất thân" của những chiếc túi.
Những chiếc túi với chữ Việt, hình ảnh đậm nét văn hóa Việt Nam lại trở nên "hồn" hơn qua bàn tay của một người Mỹ và được rất nhiều người nước ngoài ưa chuộng.
Ngoài túi xách, balô, Lisa và Bình Hoàng còn làm các mặt hàng khác dựa trên nguyên liệu bao cám và cũng được rất nhiều người nước ngoài yêu thích.
"Tôi còn nhớ khi tôi mang túi sang Nhật chào hàng, dù chỉ mới nhìn qua cái túi một lần nhưng họ đã cảm thấy vô cùng thích thú. Phải đến 70% người cho ý kiến rằng họ muốn thử sử dụng một lần cho biết. Đặc biệt ở Nhật họ có trào lưu "kawai", tức là những thứ càng màu sắc, càng dễ thương thì càng được ưa chuộng.
Vào mùa xuân hay mùa hè thì túi bán rất chạy, bởi chúng "màu mè" nên rất dễ phối với quần áo khi đi ra đường".
Điều đặc biệt là người Nhật còn rất quan tâm đến những câu chuyện phía sau của chiếc túi. Họ muốn nghe vì sao lại có hình con heo, con cò, con gà, con vịt,... Khi biết được túi làm được từ bao thức ăn cho gia súc, người Nhật đã không chê, mà ngược lại còn thấy thú vị, đó có thể là một trong những nguyên nhân lớn khiến chiếc túi này được ưa chuộng tại đây.
Nỗi băn khoăn về chiếc túi hàng Việt nhưng không bán ở Việt Nam...
Một chiếc túi được làm tại Việt Nam, sử dụng chất liệu đặc trưng của Việt Nam, được chính người Việt Nam thực hiện. Nhưng suốt nhiều năm nay họ hoàn toàn không cung cấp cho thị trường Việt.
"Đây không phải là điều tôi không muốn làm, mà bởi vì người Việt mình chưa hoặc không có nhu cầu và sở thích dùng những loại túi tái chế như thế này. Đôi khi các bạn nghĩ rằng đây chỉ là một chiếc túi được làm từ bao cám bỏ đi, chúng hôi hám hay rẻ tiền nên không muốn dùng. Còn người nước ngoài lại khác. Họ luôn muốn tìm những sản phẩm mới, bền, chắc chắn, sử dụng được lâu dài. Khi biết là đồ tái chế, với tiêu chí "xanh, sạch" bảo vệ môi trường thì họ càng quý hơn" - anh Bình Hoàng cho biết.
Tuy nhiên khi nhìn thấy sự thành công của chiếc túi bao cám này và sự quan tâm của giới trẻ Việt thời gian gần đây, họ đã bắt đầu hy vọng và mong muốn người Việt có thể hiểu và tiếp nhận những sản phẩm tái chế, có ích như thế này. Trong tương lai cả hai sẽ tiếp tục đẩy mạnh dòng túi bao cám gia súc ở thị trường Nhật và nhiều quốc gia khác.
Bình Hoàng và Lisa không phải là những người duy nhất làm ra và phân phối những chiếc túi cám cò ở Nhật Bản. Nhưng cảm giác nhìn thấy một sản phẩm "made in Vietnam" hoàn toàn có mặt tại đất nước mặt trời mọc thì vẫn khiến chúng tôi thực sự rất thích thú và tự hào!
Một chiếc đèn được cô Lisa sáng tạo lại từ bao cám cò.
Ngoài túi xách, cả hai người còn sáng tạo thêm rất nhiều mặt hàng khác từ các sản phẩm có thể tái chế như giấy, nút chai, nắp lon,...
Vui lòng nhập nội dung bình luận.