Tăng lương tối đa lên 297 triệu đồng/tháng, phi công VietnamAirline có nhảy việc sang Vietjet Air?

Trung Anh Thứ năm, ngày 07/06/2018 14:39 PM (GMT+7)
Trước khi tăng lương, thu nhập bình quân của phi công Vietjet Air lên tới 180 triệu/tháng còn những đồng nghiệp bên phía Vietnam Airlines là 121 triệu/tháng. Đây là lý do khiến số phi công nộp đơn xin nghỉ việc tại VietnamAir ngày càng nhiều.
Bình luận 0

img

Phi công và tiếp viên chiếm 41% nguồn nhân lực của Vietnam Airlines (Ảnh minh họa)

Sau sự việc hàng loạt phi công của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines nộp đơn xin nghỉ việc do môi trường làm việc không được đảm bảo, gây bức xúc, ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần của các người lao động, hãng hàng không này đã quyết định tăng lương từ 1.6. 

Tổng công ty Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT về việc tăng lương cho các phi công, giáo viên bay của hãng. Mức lương mới được áp dụng từ 1.6. Cụ thể, lương phi công của hãng này được chia thành 3 nhóm: Phi công lái máy bay B787, A321 và ATR.

Đối với máy bay B787, từ 1/6, cơ trưởng sẽ được nhận mức lương từ 205 - 246 triệu đồng, còn cơ phó 124 - 150 đồng/tháng. Với nhóm phi công lái A321, cơ trưởng sẽ được nhận 176 - 236 triệu đồng/tháng, cơ phó là 100 - 135 triệu/tháng. Còn phi công lái ATR, cơ trưởng sẽ được trả 156 - 186 triệu đồng/tháng, cơ phó là 75 - 91 triệu đồng/tháng. Đối với giáo viên kiểm tra năng định, mức lương dao động 210 - 297 triệu đồng/tháng, giáo viên năng định lương 198 - 284 triệu đồng/tháng.

Bay nhiều hơn 2.000 chuyến, thu nhập bình quân tăng thêm 5%

Thực tế, trước khi tăng,  mức lương và thu nhập phi công Vietnam Airlines nhận được thấp hơn so với mặt bằng chung của ngành hàng không nếu so sánh với các phi công của Vietjet Air hay Bamboo Airways sắp ra đời.

Báo cáo thường niên năm 2017 của Tổng công ty hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines cho thấy, tính đến hết năm 2017 hãng có tổng cộng 6.708 người lao động, trong đó, phi công và tiếp viên chiếm 41% nguồn nhân lực, đạt 2.778 người. Con số này giảm nhẹ so với cùng kỳ năm 2016.

Doanh thu /lao động của Vietnam Airlines là 9,82 tỷ đồng/lao động, tăng 16,4% so với năm 2016. Còn số tiền ngân sách được Tổng công ty chi cho đào tạo năm 2017 là 147 tỷ đồng, tăng 11% so với năm 2016.

img

Cơ cấu lao động Vietnam Airlines

Trong khi đó, con số tiền lương, thưởng của cán bộ quản lý, chuyên viên, kĩ sư, tiếp viên năm vừa qua đã tăng từ 10-15% theo chức danh, nhóm chức danh so với năm 2016.

Đối với phi công, tuổi bình quân đội bay hiện tại là 5,8 năm. Năm 2017, mức thu nhập từ lương và thưởng của phi công đã tăng 5%. Ngoài ra, họ còn được các chế độ đãi ngộ như bảo hiểm hưu trí tự nguyện, miễn giảm cước vé mới, thưởng nếu bay tốt…

Trong khi đó, năm 2016, mức lương bình quân phi công Vietnam Airlines nhận được là 115,3 triệu đồng/tháng (gần 1,4 tỷ một năm). Mức lương này cũng đã tăng 5% so với năm 2015.

Như vậy, với mức tăng 5% so với năm 2016, năm 2017 thu nhập bình quân của các phi công tại Vietnam Airlines vào khoảng 121 triệu đồng/tháng (1,45 tỷ đồng một năm). Tuy nhiên, đây là mức bình quân chung.

img

Năm 2017 thu nhập bình quân của các phi công tại Vietnam Airlines vào khoảng 121 triệu đồng/tháng (Ảnh minh họa)

So sánh với hoạt động kinh doanh của Vietnam Airlines trong 2 năm 2016 và 2017. Năm 2017, doanh thu thuần của Vietnam Airlines đạt 82.951 tỷ đồng, tăng 18,4% so với năm 2016. Còn lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 1.815,8 tỷ đồng, tăng 7% so với năm 2016, lợi nhuận sau thuế hợp nhất đạt 2.659,1 tỷ đồng, tăng 26% so với 2016.

Theo lý giải của Vietnam Airlines, tổng doanh thu và thu nhập khác của công ty mẹ tăng 11,19% so với năm 2016, trong đó chủ yếu doanh thu vận tải tăng 12,13% so với cùng kỳ. Bao gồm doanh thu vận chuyển hành khách nội địa tăng 17,9%, quốc tế tăng 5,05%; doanh thu vận chuyển hàng hóa nội địa tăng 11,53%, quốc tế tăng 26,99%.

img

Hoạt động khai thác của Vietnam Airlines 

Đối chiều với số liệu tại bản báo cáo thường niên của Vietnam Airlines, có thể dễ dàng nhận thấy tổng số chuyến bay trong năm 2017 đã tăng 1,7% so với năm 2016, từ 139.684 chuyến lên 142.110 chuyến. Tuy vậy, mức tăng khá nhỏ về số lượng chuyến bay đã giúp số lượng hành khách vận chuyển của Vietnam Airlines tăng thêm 6,2%, đạt 21,91 triệu khách trong năm 2017. Còn lượng hàng hóa, bưu kiện vận chuyển thậm chí tăng tới 18,4%, đạt con số kỷ lục 34.772 nghìn tấn, cao nhất trong 5 năm vừa qua.

Ngoài ra, lợi nhuận sau thuế hợp nhất năm 2017 của Vietnam Airlins còn tăng so với năm 2016 do tổng lợi nhuận sau thuế TNDN của một số công ty con như Skypec, Viags, TCS, JPA tăng gần 550 tỷ đồng.

Bay ít hơn, thu nhập gấp 1,5 lần Vietnam Airlines

Với Vietjet Airs, tuy có quy mô hoạt động và doanh thu thấp hơn so với Vietnam Airlines, nhưng mức thu nhập mà cán bộ nhân viên, đặc biệt là phi công đang cao hơn khá nhiều so với Vietnam Airlines.

Cụ thể, báo cáo thường niên 2017 của Vietjet Air cho biết, năm 2017 hãng có tổng cộng 3.162 nhân viên (bình quân 62 nhân viên/tàu bay), trong đó, bao gồm 499 phi công, 1.046 tiếp viên, 592 kỹ sư hàng không và 50 chuyên gia nước ngoài tơi từ 35 quốc gia trên thế giới.

img

Măm 2017 Vietjet Air có tổng cộng 3.162 nhân viên (bình quân 62 nhân viên/tàu bay), trong đó, bao gồm 499 phi công, 1.046 tiếp viên (Ảnh minh họa)

Lương bình quân của nhân viên là 15 triệu đồng, phi công là 180 triệu đồng/người/tháng, tương đương 2,16 tỷ đồng mỗi năm, cao hơn phi công Vietnam Airlines tới gần 49%. Trong khi đó, mức lương cơ phó của Vietjet đang dao động trong khoảng 120-140 triệu đồng, còn cơ trưởng 180-240 triệu (tùy vào hiệu quả làm việc, thâm niên).

Ngoài mức lương cao hơn, các phi công và nhân viên của Vietjet Air cũng được thực hiện đầy đủ các chính sách về bảo hiểm đồng thời được tham gia các chương trình đào tạo. Trung bình số giờ đào tạo/mỗi nhân viên khoảng 2% số giờ làm việc mỗi năm.

img

Biểu đồ so sách thu nhập phi công Vietnam Airlines so với Vietjet Air và sắp tới có thể là Bamboo Airways (Ảnh: I.T)

Về hoạt động kinh doanh. Năm 2017, Vietjet đã vận chuyển trên 17,11 triệu lượt khách, tăng 21,77% so với năm 2016 và tại thời điểm tháng cuối năm thị phần của công ty này là 43%, trở thành hãng hàng không có thị phần nội địa lớn nhất Việt Nam. Lượng khách trong nước của Vietjet năm 2017 tăng 12%, còn lượng khách quốc tế tăng 91%.

Năm 2017, với đội tàu bay có độ tuổi trung bình 2,75, Vietjet đã thực hiện 98.805 chuyến bay, tương đương 69,5% số chuyến bay của Vietnam Airlines. Doanh thu hãng đạt được trong năm 2017 là 42.303 tỷ đồng, trong đó doanh thu vận tải hàng không là 22.548 tỷ đồng.

Lợi nhuận trước thuế là 5.303 tỷ đồng, tăng 96,19% so với năm 2016. Lợi nhuận sau thuế đạt 5.074 tỷ, tăng 254,3% so với 2016.

“Đại gia” mới nổi Bamboo Airlines

Thị trường hàng không dân dụng Việt Nam, nhiều khả năng sẽ đón thêm những “tân binh” trong thời gian tới, trong đó có thể có Hãng Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) của Tập đoàn FLC.

Khi gia nhập thị trường, Bamboo Airways cũng có nhu cầu rất lớn về nhân sự, lên tới gần 600 vị trí ở nhiều lĩnh vực khác nhau, từ an ninh, kỹ thuật, dịch vụ, khai thác, bảo dưỡng, thương mại, phi công, tiếp viên…Trong đó, nhu cầu cho phi công, bao gồm cơ trưởng và cơ phó, là hơn 90 vị trí.

Đại diện hãng hàng không này cho biết, theo bảng thu nhập đã được phê duyệt, mức lương phi công tại Bamboo Airways sẽ đạt mức trên 200 triệu đồng/người/tháng, tức hơn 2,4 tỷ đồng/năm. Mức thu nhập này cao hơn Vietnam Airlines khoảng 65,5% và cao hơn Vietjet Air 11%.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem