Mận hậu là loại quả được nhiều ưa chuộng trong ngày Tết Đoan Ngọ
Hôm nay là Đoan Ngọ (5.5 Âm lịch), dân gian còn gọi ngày là Tết giết sâu bọ. Vào ngày này, người xưa thường quan niệm, ngay khi thức dậy vào sáng sớm, mọi người nên giết sâu bọ bằng hoa quả, rượu nếp hoặc bánh tro… Do đó, các mặt hàng hoa quả được dịp tăng giá và rượu nếp cũng vì thế đắt khách.
Nhiều loại hoa quả tăng giá 50% so với ngày thường
Tại chợ Nguyễn Phúc Lai (Đống Đa - Hà Nội) nếu ngày thường giá mận tại đây là 30.000 đồng/kg mận hậu, thì sáng nay, giá mận đã được đẩy lên 60.000 – 70.000 đồng/kg. Lý do tăng giá mận gấp đôi ngày thường được nhiều tiểu thương cho biết, do hôm nay là ngày Tết Đoan Ngọ.
Chị Nguyễn Thị Vân, một tiểu thương bán hoa quả tại đây cho rằng, mận là loại quả không thể thiếu cho mâm cỗ cúng của các gia đình ngày Tết Đoan Ngọ. Bởi mận mang màu đỏ sẫm gần giống như màu rượu nếp, nên theo quan niệm dân gian, quả mận chính là loại quả thích hợp nhất cho ngày Tết giết sâu bọ.
“Từ sáng đến giờ mận là loại quả bán chạy nhất, hơn 100kg mận đã bán hết từ sớm. Mận loại 1 là những quả to, chín mọng bán với giá 65.000 đồng/kg. Mận loại 2 bán với mức giá 45.000 đồng/kg. Ngoài mận thì dưa lê, dưa hấu và ổi cũng là những loại quả đắt khách”, chị Vân cho biết.
Theo chị Vân thì không phải tự các tiểu thương tại đây tăng giá cao hơn ngày thường mà giá tại chợ đầu mối cũng đã tăng cao hơn. Vậy nên, việc tăng giá là điều không tránh khỏi, bởi nếu không các tiểu thương bán hàng sẽ không có lãi. Tuy nhiên chị Vân cũng cho biết, giá cả các mặt hàng hoa quả chắc chắn sẽ trở về với mức giá như ngày thường ngay sau ngày Tết Đoan Ngọ.
Không chỉ mận, vải thiều cũng là loại quả có giá cao trong ngày này. Nếu ngày thường, giá 1kg vải dao động từ 30.000 – 50.000 đồng thì ngày hôm nay, giá 1 kg vải ở mức 50.000 – 70.000 đồng.
Tại chợ Giáp Bát (Hoàng Mai), giá 1kg vải thiều được nhiều tiểu thương bán với giá 60.000 đồng. Tuy nhiên, đây không phải là vải thiều đặc sản Bắc Giang mà phần lớn là vải chín sớm được trồng nhiều tại các huyện ngoại thành Hà Nội hay tại nông trường Thanh Hà – Hải Dương.
Theo bà Nguyễn Thị Bình (nhà ở ngõ Giáp Bát) thì giá vải cao hơn ngày thường chừng 20.000 đồng/kg. Tuy nhiên do là ngày Tết nên mức giá này chấp nhận được.
Rượu nếp cẩm cháy hàn
Ngoài việc được bán tại các cửa hàng, sạp hàng thì rượu nếp còn được bán nhiều tại những chiếc xe hàng rong để phục vụ ngày Tết Đoan ngọ. Tại một số chợ ở Hà Nội như như Cầu Giấy, Nghĩa Tân, Bưởi, Trung Kính..., rượu nếp được bày bán khá nhiều ngay từ chiều hôm qua (4/5 Âm lịch). Theo đó, giá của rượu nếp trắng từ 60.000 đồng – 70.000 đồng/kg, nếp cẩm có giá 90.000 đồng – 100.000 đồng/kg.
Theo chị Phạm Thanh Thúy, một tiểu thương tại chợ Nghĩa Tân thì năm nào cũng vậy, cứ trước Tết Đoạn Ngọ 3 ngày là chị lại chuẩn bị nguyên liệu để làm rượu nếp bán.
Chị Thúy cho hay, vì là Tết Đoan Ngọ vào đúng dịp thời tiết nắng nóng nên khâu ủ men là quan trọng nhất, bởi rượu có ngon và thành công hay không chính là từ khâu này.
“Từ thời điểm ủ men tới lúc mang bán cho khách mất khoảng 2 ngày. Ngoài rượu nếp trắng thì nhà tôi cũng làm rượu nếp cẩm. Rượu nếp cẩm thường đắt khách hơn vì có màu đẹp và độ say nhẹ không như rượu nếp trắng. Mỗi dịp Tết Đoan Ngọ thì nhà tôi thường bán được hơn 4 tạ rượu nếp các loại bao gồm cả bán buôn”, chị Thúy nói.
Năm nay, chị Thúy cũng có khoảng hơn 4 tạ rượu nếp các loại bán ra thị trường. Riêng chiều ngày hôm qua (4/5 Âm lịch), cửa hàng của chị Thúy đã bán gần hết 1 tạ rượu nếp. Theo chị Thúy, có khách mua nhiều lên đến 10kg. Sáng sớm nay, ngoài việc bớt lại hơn khoảng 1 tạ rượu bán và chuyển cho khách quen đặt trước thì chị Thúy cũng bán buôn cho các thương lái, những người bán hàng rong hơn 2 tạ rượu nếp các loại.
Tại chợ Thái Hà (Đống Đa – Hà Nội), rượu nếp cẩm là mặt hàng được bán hết ngay từ sáng sớm. Theo bà Phạm Thị Tuyết (Đặng Tiến Đông – Hà Nội) một người bán rượu nếp cẩm thì tục ăn rượu nếp vào ngày Tết Đoan Ngọ được cha ông để lại và có truyền thống rất lâu đời.
“Theo người xưa, trong hệ tiêu hóa của mỗi người thường có nhiều loại sâu bọ trú ngụ, nếu không diệt trừ bớt đi thì chúng sẽ sinh sản ngày một nhiều và gây hại. Tuy nhiên, việc ghiết sâu bọ trong cơ thể người không phải thời gian nào cũng có thể làm được, chỉ có ngày mùng 5/5 âm lịch. Người xưa thường dùng loại thức ăn có đủ vị cay, nóng, ngọt, chua, đắng để giết sâu bọ - những con giun, sán, ký sinh trùng trong cơ thể. Và rượu nếp hay cơm rượu nếp là món ăn hoàn hảo hội tụ đầy đủ những vị như thế”, bà Tuyết cho biết.
Tuy nhiên, theo Nhà giáo Nguyễn Ân thì Tết giết sâu bọ có bắt nguồn từ nền nông nghiệp lúa nước. Theo đó, tháng 5 Âm lịch cũng là lúc mà bà con miền Bắc thu hoạch vụ Chiêm (Đông Xuân) và chuẩn bị sản xuất vụ mùa. Vậy nên, tục giết sâu bọ là để tiêu diệt đi mầm mống sâu bọ mùa vụ cũ để chúng không còn gây hại cho vụ lúa mới sẽ được trồng ngay sau đó.
Hơn nữa, ngày xưa thường không có các loại thuốc trừ sâu, bảo vệ thực vật, vậy nên việc giết sâu bọ thường được các Hợp tác xã tổ chức ngay sau vụ Chiêm với phương pháp thủ công. Dần dần, việc giết sâu bọ của các Hợp tác xã trở thành phong trào và biến hóa thành một ngày Tết, ngày truyền thống của bà con nông dân.
Phương Nam (VietQ)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.