VnIndex bứt phá nhờ VIC
Sau khoảng thời gian giao dịch sôi động trong phiên giao dịch sáng 12.2 với mức tăng ấn tượng của chỉ số VnIndex, TTCK Việt Nam bước vào phiên giao dịch chiều với lực cung gia tăng khiến chỉ số này có thời điểm bị đẩy lùi xuống dưới 935 điểm.
Tuy nhiên, kết thúc phiên giao dịch ngày 12.2, VnIndex vẫn tăng 11,44 điểm (1,24%) lên 937,54 điểm. Còn HNX-Index tăng 0,8 điểm (0,76%) lên 106,04 điểm.
Kết thúc phiên giao dịch ngày 12.2, VnIndex tăng 11,44 điểm (1,24%) lên 937,54 điểm. (Ảnh: TVSI)
Trong phiên giao dịch hôm nay, khối ngoại trên TTCK Việt Nam tiếp tục mua ròng 3,4 triệu cổ phiếu, tương ứng giá trị mua ròng gần 80 tỷ đồng. Trong đó, trên sàn HoSE, khối ngoại đẩy mạnh mua ròng 71,4 tỷ đồng.
Sau thời gian dài bị khối ngoại bán ròng mạnh, HPG dẫn đầu danh sách mua ròng của khối ngoại ngày 12.2 với giá trị mua ròng gần 50 tỷ đồng. Tiếp đó, VCB và VNM lần lượt được khối ngoại mua ròng với giá trị là 45,8 tỷ đồng và 34,5 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, DHG đứng đầu danh sách bị khối ngoại bán ròng với giá trị bán ròng lên tới 59,3 tỷ đồng. Còn VRE và PVD lần lượt bị bán ròng với giá trị 31,3 tỷ đồng và 20 tỷ đồng.
Hôm nay, các cổ phiếu vốn hóa lớn trên TTCK Việt Nam đều tăng giá. Trong đó, VIC tăng 4,9% lên 109.100 đồng, MSN tăng 2,62% lên 82.300 đồng, SAB tăng 1,93% lên 237.800 đồng, BID tăng 1,56% lên 32.450 đồng, TCB tăng 1,48% lên 27.450 đồng.
Hai cổ phiếu ngành thép tiếp tục tăng trưởng tốt, HSG tăng trần lên 6.960 đồng, còn HPG tăng 2,1% lên 29.500 đồng.
Sắc xanh cũng được duy trì tại nhóm cổ phiếu ngân hàng. Cụ thể, VPB tăng 0,71% lên 21.350 đồng, STB tăng 0,39% lên 13.000 đồng, EIB tăng 0,84% lên 18.000 đồng, TPB tăng 0,24% lên 21.300 đồng. Ngoài ra, VCB, BID, CTG, TCB cũng tăng nhẹ sau phiên giao dịch ngày 12.2.
Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm 3.692,24 tỷ đồng sau khi cổ phiếu VIC ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong số 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE. (Ảnh: Internet)
Sau phiên giao dịch hôm nay, tài sản trên sàn chứng khoán của các tỷ phú USD Việt Nam tiếp tục tăng trưởng. Tỷ phú Phạm Nhật Vượng có thêm 3.692,24 tỷ đồng sau khi giá trị giao dịch của cổ phiếu VIC ghi nhận mức tăng mạnh nhất trong số 10 cổ phiếu có vốn hóa lớn nhất sàn HOSE.
Trong khi đó, tài sản tỷ phú Nguyễn Thị Phương Thảo tăng nhẹ 16,18 tỷ đồng (0,07%) lên 22.333,72 tỷ đồng nhờ cổ phiếu VJC giữ vững mức tham chiếu, còn HDB tăng 1,47% lên 31.100 đồng.
Còn tài sản tỷ phú Trần Đình Long vẫn đang trên đà hồi phục với mức tăng 228,93 tỷ đồng (2,08%) lên 11.255,94 tỷ đồng.
Thế giới Di động lãi ròng 2.880 tỷ đồng
Theo thông tin từ Công ty CP Đầu tư Thế giới Di động (MWG) do ông Nguyễn Đức Tài giữ vị trí Chủ tịch HĐQT, năm 2018, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu lên tới 86.516 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 2.880 tỷ đồng. Hai con số kể trên ghi nhận mức tăng trưởng 30% về doanh thu và 31% về lợi nhuận của Thế giới Di động so với năm 2017.
Cùng với đà phát triển của Thế giới Di động, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế giới Di động hiện đã tăng lên 2.328,02 tỷ đồng.
Trong đó, riêng doanh thu online tăng trưởng tới 116% chỉ sau 1 năm, vươn lên chiếm 14,3% tổng doanh thu của Thế giới Di động trong năm 2018, đạt 12,350 tỷ đồng.
Nếu tính theo chuỗi cửa hàng, doanh thu từ Điện Máy Xanh (ĐMX) chiếm tỉ trọng cao nhất với 55% tổng giá trị bán lẻ của MWG, tiếp theo là chuỗi Thế Giới Di Động (TGDĐ) với 40% và chuỗi Bách Hoá Xanh (BHX) với 5%.
Còn dựa trên góc độ ngành hàng, nhóm sản phẩm điện thoại vẫn đang đóng góp gần 53% tổng doanh thu của Thế giới Di động, do nhóm sản phẩm này được bán ở cả hai chuỗi TGDĐ và ĐMX, tiếp theo là nhóm sản phẩm điện máy với 37%. Nhóm thực phẩm và hàng tiêu dùng đóng góp 5%, còn lại 5% thuộc về dịch vụ khác. Do đó, tốc độ tăng trưởng và số lượng cửa hàng nên được xem xét theo nhóm sản phẩm kinh doanh để phản ánh toàn diện và chính xác tình hình hoạt động của MWG.
Tính đến hết 31.12.2018, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài có 750 cửa hàng kinh doanh điện máy, tăng 108 cửa hàng so với cuối năm 2017, do: (1) mở mới cửa hàng ĐMX/ĐMX mini, (2) chuyển đổi một số cửa hàng TGDĐ sang ĐMX/ĐMX mini và (3) hoàn tất mua lại chuỗi Điện máy Trần Anh.
Quý IV.2018, Thế giới Di động của ông Nguyễn Đức Tài đã thử nghiệm thay đổi cách sắp xếp tại các cửa hàng ĐMX mini để tối ưu hóa số lượng và diện tích trưng bày sản phẩm. Doanh thu tại các cửa hàng thử nghiệm này tăng trưởng trung bình 30% trong khi chi phí mặt bằng và vận hành khác không đổi.
Việc chuyển đổi các cửa hàng từ TGDĐ thành ĐMX/ĐMX mini bằng cách mở rộng kinh doanh thêm nhóm sản phẩm điện máy đã giúp các cửa hàng này tăng trưởng doanh thu trung bình 50% so với trước khi chuyển đổi. Một cửa hàng TGDĐ để được chuyển đổi cần thỏa các điều kiện: (1) doanh thu cao, (2) nằm ở những khu vực mà chuỗi bán lẻ điện máy hiện đại còn chưa phủ dày đặc và (3) có khả năng thuê thêm diện tích xung quanh để mở rộng.
Cùng với đà phát triển của Thế giới Di động, tài sản trên sàn chứng khoán của ông Nguyễn Đức Tài, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thế giới Di động hiện đã tăng lên 2.328,02 tỷ đồng.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.