Ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT Công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) nhớ lại câu chuyện liên quan đến nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải.
“Tôi được gặp ông Phan Văn Khải lần đầu tiên năm 1988, khi ấy ông là Chủ tịch UBND TP.HCM ra thăm tỉnh Phú Khánh, trong một bữa cơm thân mật với ông Võ Hoà, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Khánh (lãnh đạo của tôi thời điểm đó)”, ông Hưng nhớ lại.
Khi ấy ông Hưng còn rất trẻ và là thư ký của ông Võ Hoà. Được chứng kiến hai ông nói chuyện, ông Hưng thực sự bị cuốn hút bởi tầm nhìn và tư duy kỹ trị của ông Phan Văn Khải về nền kinh tế. “Trong lúc các ông nói chuyện tôi đã “nói leo”: “Sao chú nhìn nhận mọi việc rõ ràng như vậy, chú lại là người đứng đầu thành phố Hồ Chí Minh mà vẫn có nhiều bất cập như vây?”. Sếp tôi bất ngờ trước câu hỏi của tôi và nhíu mày.
Tôi nghĩ chắc ông Phan Văn Khải sẽ bực mình với thái độ “Ngựa non háu đá” của tôi, nhưng trái lại chú cười nói: “Khi ta nhận thức được thì mới chỉ là bước đầu, bước tiếp theo là làm sao để hệ thống có cùng nhận thức mới thay đổi được cơ chế, cơ chế phù hợp được thể hiện qua hệ thống pháp luật thì mới phát triển kinh tế và xã hội được, chúng ta cần thời gian”, ông Hưng nhớ lại.
Ông Hưng bình luận: “Nhận thức mà ông Phan Văn Khải muốn nói hôm ấy là các bước đi để chuyển sang nền kinh tế thị trường, điều mà những năm sau này khi ở cương vị Phó Thủ tướng và Thủ tướng Chính phủ, ông đã luôn trung thành với quan điểm của mình”.
12h đêm ngày 22.6.2005 (giờ địa phương), Thủ tướng Phan Văn Khải cùng đoàn đại biểu Việt Nam đã đến New York, bắt đầu chuyến thăm và làm việc tại đây. Thủ tướng Phan Văn Khải đã rung hồi chuông dài khai mạc phiên giao dịch chứng khoán lúc 9h30 (giờ địa phương) ngày 23.6.2005 tại thị trường chứng khoán (TTCK) New York (NYSE), nơi mệnh danh “Trái tim kinh tế thế giới”. (Ảnh: IT)
Liên quan đến câu chuyện thành lập thị trường chứng khoán, ông Hưng nhớ lại, năm 1998, khi ông theo ông Lê Văn Châu đến gặp Thủ tướng Phan Văn Khải để báo cáo về đề án thành lập thị trường chứng khoán. Thủ tướng Phan Văn Khải ngồi nghe chăm chú, sau cùng ông nói: “Để huy động được vốn dài hạn chắc chắn chúng ta phải xây dựng thị trường chứng khoán, nhưng hãy làm từng bước, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, chậm chắc không để đổ vỡ vì hiện còn nhiều quan điểm khác nhau về thị trường chứng khoán. Ông làm sao để các thành phần kinh tế cùng tham gia, công ty chứng khoán hãy mạnh dạn cấp phép cho cả doanh nghiệp tư nhân, chính phủ sẽ cho thí điểm cổ phần hoá để tham gia thị trường”.
“Không biết có phải những chỉ đạo của ông hôm ấy đã giúp ông Lê Văn Châu yên tâm triển khai để năm 2000 thị trường chứng khoán Việt Nam ra đời, có 2 công ty niêm yết đầu tiên là REE và SAM là các công ty nhà nước được cổ phần hoá và 4 công ty chứng khoán trong đó có một công ty chứng khoán tư nhân là SSI”, ông Hưng nhớ lại.
Vị thủ tướng kỹ trị luôn xác định xây dựng hệ thống pháp luật để nền kinh tế phát triển theo kinh tế thị trường là nền tảng quan trọng nhất để đất nước phát triển. Giai đoạn ông làm thủ tướng, Luật doanh nghiệp ra đời năm 1999 và sau đó sửa đổi năm 2005 , cũng như thị trường chứng khoán ra đời năm 2000 là những minh chứng sống động cho quan điểm nhất quán và tầm nhìn của ông.
“Lần này chúng tôi đến thăm ông, một ngày tết Mậu tuất, tháng 2 năm 2018, khác với mọi lần chúng tôi không còn được nghe ông nói chuyện, thay cho những lời chúc mừng năm mới gửi đến ông, chúng tôi cầu mong ông mau lành bệnh khoẻ mạnh. Hệ thống doanh nghiệp tư nhân và thị trường chứng khoán Việt Nam luôn nhớ về ông và biết ơn ông!”, ông Hưng chia sẻ.
Dưới sự chỉ đạo điều hành của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải thời điểm đó, thị trường chứng khoán đã ra đời và đến nay, theo số liệu từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tính đến ngày 19.12.2017, chỉ số VN-Index đạt 951,42 điểm, tăng 43% so với cuối năm 2016. Chỉ số HNX-Index đóng cửa ở mức 111,61 điểm, tăng 41,5% so với cuối năm 2016. Mức vốn hóa của thị trường cổ phiếu, chứng chỉ quỹ đạt 3.360 nghìn tỷ đồng, tăng 73% so với cuối năm 2016, tương đương 74,6% GDP, vượt chỉ tiêu đặt ra cho năm 2020. Tổng mức huy động trên thị trường chứng khoán ước đạt hơn 224 nghìn tỷ đồng. Huy động qua cổ phần hóa thoái vốn đạt gần 14,8 nghìn tỷ đồng với tỷ lệ thành công đạt 91%.
Nhờ đó mà nhiều thương vụ thoái vốn từ doanh nghiệp Nhà nước đã giúp ngân sách thu về hàng nghìn tỷ đồng và đạt giá trị cao như thương vụ thoái vốn tại Sabeco, Vinamilk…
Vui lòng nhập nội dung bình luận.