Trung Quốc bơm tiền “cứu” nền kinh tế tê liệt vì dịch corona, Việt Nam có nên làm theo?

Thùy Dung Thứ năm, ngày 06/02/2020 16:47 PM (GMT+7)
Giữa đại dịch virus Corona, Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc mới đây vừa có động thái bơm thanh khoản lớn nhất kể từ năm 2004 vào thị trường để “cứu” nền kinh tế vốn đang “tê liệt”.
Bình luận 0

Virus Corona bùng phát, Ngân hàng TW Trung Quốc vội vàng bơm tiền “cứu” nền kinh tế

Sau khi thị trường chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh hơn 7% trong phiên giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài khiến 393 tỷ USD giá trị thị trường bốc hơi, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc PBOC vội vã bơm 1.700 tỷ NDT (tương đương 242 nghìn tỷ USD) vào hệ thống tiền tệ thông qua nghiệp vụ repo ngược. Theo nhận định của DBS, đây là đợt bơm thanh khoản lớn nhất kể từ đầu năm 2004 đến nay, một nỗ lực của chính phủ Trung Quốc trong việc kích thích nền kinh tế trước nguy cơ suy thoái vì dịch virus Corona.

Song song với bơm thanh khoản, PBOC còn quyết định cắt giảm lãi suất các công cụ tín dụng tài trợ ngắn hạn 0,10% trong nỗ lực bình ổn nền kinh tế. Dù nhiều chuyên gia kinh tế nhận định mức cắt giảm 0,10% có thể không đủ “cứu” kinh tế Trung Quốc trong bối cảnh 21/31 tỉnh thành nước này “tê liệt” mọi hoạt động sản xuất kinh doanh, chừng đó là đủ để thị trường chứng khoán Trung Quốc đại lục phục hồi trong 2 phiên giao dịch 4/2 và 5/2.

img

Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc vừa bơm thanh khoản 1.700 tỷ NDT vào nền kinh tế

Kết thúc phiên giao dịch hôm 6/2 trên thị trường chứng khoán đại lục, chỉ số Shenzhen Composite tăng 2,895%, kết thúc phiên giao dịch ở mức 1.727,24 điểm trong khi Shenzhen Component tăng 2,87%, đóng cửa ở mức 10.601,34 điểm. Chỉ số Shanghai Composite cũng tăng 1,72% lên 2,866,51 điểm vào thời điểm kết thúc phiên giao dịch. Mức tăng trưởng được hỗ trợ bởi tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh rằng sẽ dỡ bỏ một nửa thuế quan trả đũa với 75 tỷ USD hàng hóa xuất xứ từ Mỹ. Cụ thể, Bộ Tài chính Trung Quốc hôm 6/2 tuyên bố cắt giảm thuế quan trả đũa từ 10% xuống 5% và 5% xuống 2,5% vố số hàng hóa Mỹ trị giá 75 tỷ USD bị áp thuế trừng phạt từ 1/9/2019. Các điều chỉnh có hiệu lực từ chiều 14/2 (giờ Mỹ).

Chứng khoán đại lục được dự đoán sẽ tiếp tục phục hồi do chính phủ Bắc Kinh gợi ý sẽ tung thêm nhiều kích thích kinh tế để “cứu” các ngành sản xuất, kinh doanh bị ngừng trệ vì hoạt động kiểm dịch. Nhiều chuyên gia phân tích cũng dự đoán giới chức Trung Quốc sẽ tăng cường các biện pháp nới lỏng chính sách tiền tệ và tài khóa trong bối cảnh kinh tế trì trệ, nguy cơ tăng trưởng GDP dưới 6% trong năm 2020. Tờ Reuters hôm 4/2 dẫn lời các nguồn tin cho hay PBOC đang cân nhắc hạ thấp tỷ lệ dự trữ bắt buộc (RRR) với các ngân hàng cũng như cắt giảm lãi suất cho vay cơ bản nhằm hỗ trợ nền kinh tế.

Việt Nam nên "án binh bất động" 

img

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành: "Việt Nam nên thận trọng trong các chính sách kinh tế vĩ mô"

Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, với tổng kim ngạch thương mại giữa hai quốc gia năm 2019 đạt 116.866 tỷ USD. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam là 41.414 tỷ USD và nhập khẩu là 75.452 tỷ USD. Thị trường Trung Quốc chiếm tới 22,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước năm 2019. Riêng kim ngạch nhập khẩu từ Trung Quốc chiếm gần 30% tổng khối lượng nhập khẩu của cả nước. Với sự hội nhập sâu sắc như vậy, nhiều chuyên gia kinh tế trong và ngoài nước nhận định Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động từ dịch virus Corona tại Trung Quốc. 

Trong bối cảnh Ngân hàng Trung Ương Trung Quốc liên tục có hành động bơm thanh khoản và nới lỏng chính sách tiền tệ để “cứu” nền kinh tế giữa bệnh dịch, chuyên gia kinh tế Nguyễn Đức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng Việt Nam nên thận trọng trong các chính sách hỗ trợ vĩ mô như vậy.

“Nhà nước cần đặc biệt thận trọng trong việc sử dụng các hỗ trợ kinh tế thông qua những công cụ vĩ mô như chính sách tiền tệ hay tài khóa. Các biện pháp hỗ trợ cần đúng và trúng ngành thiệt hại để tránh hiện tượng kém hiệu quả hoặc chảy sang các ngành khác không cần hỗ trợ” - ông Thành phát biểu tại tọa đàm “Virus Corona tác động thế nào tới kinh tế Việt Nam” sáng 6/2.

“Thay vì vội vàng sử dụng các công cụ vĩ mô, cơ quan chức năng nên cân nhắc đánh vào các biện pháp hỗ trợ vi mô trong nội bộ ngành hay thị trường nhất định, khơi thông trong chính tổ chức ngành. Qua đó giúp doanh nghiệp có thêm những giải pháp mới, hướng đi mới mang tính đặc thù ngành. Trong thời điểm hiện tại, các giải pháp vi mô cho thấy hiệu quả cao hơn giải pháp vĩ mô”.

"Đối với ngành ngân hàng hiện tại, các biện pháp điều chỉnh tỷ giá và lãi suất lúc này đều cần sự thận trọng vì có thể mang đến tác động với toàn nền kinh tế thay vì một số ngành cụ thể chịu thiệt hại và cần được hỗ trợ như du lịch hay nông nghiệp. 

Công cụ tỷ giá có thể không có giá trị trong bối cảnh hiện tại, thậm chí còn gây tác động sâu sắc đến nhiều ngành khác. Còn công cụ tín dụng cần có sự chọn lọc nhất định để vốn được bơm vào các doanh nghiệp bị ảnh hưởng cụ thể từ dịch virus Corona. Tuy nhiên, với tình cảnh hiện tại, tôi cho rằng các giải pháp vi mô là hiệu quả và cần thiết hơn" - ông Thành nhấn mạnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem