TS. Huỳnh Thế Du - giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright
TS Huỳnh Thế Du nêu quan điểm, có thể mỗi người có những đánh giá ở những góc độ khác nhau, và tính chính xác của số liệu thống kê nước ta vẫn là vấn đề muôn thuở. Tuy nhiên, sự ấm lên của nền kinh tế Việt Nam và những tín hiệu tích cực là khó có thể phủ nhận.
“Điều này được thể hiện ở việc tất cả các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô năm nay đều cán đích; ở sự đánh giá tích cực của các tổ chức quốc tế với sự thăng hạng ngoạn mục của môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh và dự báo tăng trưởng từ nhiều tổ chức quốc tế sự sôi động của thị trường chứng khoán”, ông Du dẫn chứng.
Theo TS Huỳnh Thế Du, điều khá thú vị là các kết quả này ngược chiều với sự năng nổ của khu vực công khi tham gia vào các hoạt động kinh tế.
Thứ nhất chi đầu tư của nhà nước khá thấp do những khó khăn giải ngân từ chính sách đầu tư công trung hạn, ngân sách căng thẳng và tác động của chiến dịch chống tham nhũng.
Thứ hai, chiến dịch chống tham nhũng ắt hẳn làm ảnh hưởng đến sự năng nổ của không ít tổ chức cá nhân trong việc triển khai các nội dung công việc thuộc chức trách của mình.
“Những người muốn tích cực triển khai các dự án để có thể ‘ăn chia’ phải chùn tay hay ít nhất là tạm dừng lại để nghe ngóng. Kết quả là các nguồn lực hay nỗ lực được dành cho những hoạt động hữu ích cho nền kinh tế hơn”, ông Du phân tích.
Thứ ba, theo TS. Huỳnh Thế Du, cải thiện môi trường kinh doanh để cơ chế thị trường phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn là việc làm thường xuyên, dai dẳng và tích cực nhất của khu vực công mà cụ thể là Chính phủ trong thời gian qua. Ông Du nhận định việc này thực ra là không cần nhiều tiền và có thể triển khai mọi lúc mọi nơi.
“Việc nhà nước không làm gì hoặc làm ít thôi thì mọi chuyện sẽ tốt lên đã xảy ra ở nhiều nơi và Việt Nam không phải là ngoại lệ”, chuyên gia Fulbright đánh giá.
Minh Tâm (Vietnamfinance)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.