Người dân đang phải cõng nhiều loại thuế, phí (Ảnh minh họa)
Bên lề Tọa đàm khoa học Đối thoại chính sách: “Đề xuất của Bộ tài chính về sửa đổi các Luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” tổ chức sáng 9.5, ông Nguyễn Văn Phụng- Vụ trưởng Vụ quản lý Thuế cho rằng: “Ô tô có giá trị cao, đẹp thì cần phải đánh thuế. Anh sống trong xã hội, nhờ ơn xã hội nên mới có may mắn về cơ hội kinh doanh. Từ đó, anh mới có cơ hội sở hữu tài sản cao nên vui vẻ đóng mấy đồng thuế có sao đâu. Nhưng tôi nghĩ đánh thuế tài sản ô tô thì phải đánh cả tàu, thuyền, máy bay và một số tài sản có giá trị khác”.
Dân Việt đã trao đổi, ghi nhận ý kiến từ các chuyên gia xung quanh đề xuất đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu đồng, ô tô trên 1,5 tỷ đồng của Bộ Tài chính.
“Người dân luôn phải đánh cược với người làm chính sách thuế!”
Trong quá trình trao đổi với Dân Việt, PGS. TS Ngô Trí Long cung cấp thông tin, ngày 6.4.2016, Quốc hội thông qua Luật số 106/2016/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế VAT, Luật Thuế TTĐB, Luật Quản lý thuế và có hiệu lực thi hành từ 1.7.2016.
Như vậy, các luật thuế được đề nghị sửa đổi lần này mới có hiệu lực trong thời gian hơn một năm và nay lại được điều chỉnh. Điều này cho thấy chính sách thuế không ổn định, thay đổi liên tục.
PGS. TS Ngô Trí Long: "Người dân luôn phải đánh cược với người làm chính sách thuế!"
“Nhà đầu tư và người dân luôn mong muốn có môi trường kinh doanh ổn định. Việc sửa đổi, bổ sung 6 Luật thuế lần này làm cho nhà đầu tư và người dân sẽ băn khoăn liệu sau kỳ sửa đổi, bổ sung lần này thì chính sách thuế này sẽ tồn tại trong bao lâu nữa? Dường như nhà đầu tư và người dân luôn phải đánh cược với nhà làm chính sách thuế. Bởi chính sách luôn có sự thay đổi, điều chỉnh sẽ tác động không nhỏ tới môi trường đầu tư, kinh doanh”, PGS. TS Ngô ,Trí Long nhận xét.
Theo PGS. TS Ngô Trí Long, để có sự thuyết phục, tạo sự đồng thuận xã hôi khi điều chỉnh tăng mức thuế của sắc thuế cần có những giải trình, dẫn chứng chi tiết hơn về tác động của đề xuất điều chỉnh các sắc thuế đối với hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tích lũy và tiêu dùng của doanh nghiệp và dân cư.
2 phương án tăng thuế VAT do Bộ Tài chính đề xuất (Ảnh: VTV)
Lấy ví dụ đề xuất áp thuế VAT 5% với nhiều mặt hàng hiện không chịu thuế, tăng mức thuế VAT của nhiều mặt hàng đang chịu thuế 5% lên 6%, từ 10% lên 12%, ông Ngô Trí Long cho biết, thuế VAT là thuế tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế VAT cho cùng một sản phẩm chịu thuế.
Tuy nhiên, thuế VAT có tính “lũy thoái” đánh vào người thu nhập thấp chịu nặng nề hơn. Dưới góc độ công bằng, tăng thuế VAT sẽ làm tổn thương và tạo áp lực nhiều hơn đối với người có thu nhập thấp, do vậy chưa thực hiện sự công bằng, và chính sách an sinh xã hội.
“Ý kiến giải trình của Bộ Tài chính cho rằng thuế suất thuế VAT thấp thực sự mang lại lợi ích cho người giàu hơn người nghèo còn phiến diện, chưa thuyết phục. Bởi thuế VAT có tính lũy thoái, người thu nhập thấp phải dành một tỷ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỷ trọng cao hơn so với thu nhập. Tăng thuế VAT vì vậy sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn so với người có thu nhập cao. Do vậy, khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng”, PGS. TS Ngô Trí Long giải thích.
Cơ sở nào để nói “Vui vẻ đóng mấy đồng thuế có sao đâu”?
Liên quan tới đề xuất đánh thuế tài sản với nhà trên 700 triệu đồng, ô tô trên 1,5 tỷ đồng của Bộ Tài chính, ông Ngô Trí Long cho rằng, trước tiên, cần xác định rõ khái niệm tài sản và quyền tài sản.
PGS. TS Ngô Trí Long phát biểu tại tọa đàm “Đề xuất của Bộ tài chính về sửa đổi các Luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” tổ chức sáng 9.5
Ông Long nói: “Tài sản là gì? Tài sản trong Luật Dân sự là tiền, vật, giấy tờ có giá, quyền tài sản đối với đối tượng quyền sở hữu trí tuệ, quyền sử dụng đất và các quyền tài sản khác. Tài sản bao gồm bất động sản và động sản.
Ô tô là động sản. Hiện nay, trên Thế giới, họ đánh thuế tài sản chủ yếu vào các bất động sản như nhà, đất... Rất ít quốc gia đánh vào động sản như ô tô. Trong bối cảnh như vậy, Việt Nam cần đánh thuế tài sản chưa?
Trong hệ thống pháp luật, chúng ta chưa có Luật thuế tài sản nhưng thực chất Nhà nước đã đánh thuế tài sản từ lâu thông qua các sắc thuế, phí như thuế đất nông nghiệp, thuế đất phi nông nghiệp, phí và lệ phí trước bạ...
Trong đó, có loại thuế, phí đánh một lần là phí và các khoản lệ phí khi mua sắm tài sản, đánh hàng năm như phí chuyển nhượng, mua bán đất đai. Song có một đặc điểm chung là hầu hết các nước trên thế giới đánh thuế tài sản vào nhà đất, bất động sản, rất ít nước đánh thuế tài sản với ô tô. Vậy tại sao chúng ta lại đề xuất đánh? Việc đặt ra vấn đề đánh thuế tài sản ô tô vốn là điều hết sức vô lý, khiên cưỡng.
Chi phí một chiếc xe phải chịu trước khi lăn bánh ở Việt Nam (Ảnh minh họa)
Việt Nam luôn hướng tới môi trường kinh doanh đạt mức ASEAN 4, ASEAN 5, và biến biến ô tô trở thành một phương tiện đi lại phổ thông. Song thực tế với chúng ta, việc sử dụng ô tô vẫn là điều gì đó xa xỉ. Bởi giá ô tô vẫn rất cao, mức giá này không chỉ cao so với thu nhập của phần lớn người Việt Nam mà còn so với thế giới.
Nguyên nhân bởi ô tô nhập khẩu để tới được với người tiêu dùng phải chịu rất nhiều loại thuế, phí: thuế nhập khẩu, thuế TTĐB, thuế VAT, phí trước bạ, phí cấp biển số, phí đăng kiểm... với mức đóng thuế, phí cao. Cuối cùng, Nhà nước được tiền thuế, DN hưởng lợi nhuận sau khi đã trừ thuế, còn người tiêu dùng gánh mọi loại thuế, phí tổn”.
Chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh
Trong khi đó, chuyên gia kinh tế Đinh Tuấn Minh cho rằng, mục đích đánh thuế tài sản với ô tô của Bộ Tài chính còn rất mù mờ
Ông Minh đặt câu hỏi: “Với đề xuất đánh thuế tài sản ô tô trên 1,5 tỷ hay với các phương tiện khác thì mục đích, ý nghĩa của nó là gì? Nếu mục đích đơn giản là tăng thêm phần thu thuế với ô tô giá trị cao, vậy sao không tăng mức chịu thuế TTĐB với ô tô? Bởi nếu đánh thuế tài sản sẽ càng thêm phức tạp, phải tiến hành kê khai, tính toán, đánh giá lại giá trị tài sản hàng năm.
Còn ở một số ít quốc gia đánh thuế tài sản với ô tô như Hàn Quốc, họ chỉ đánh thuế tài sản với một mức cụ thể dành cho cho ô tô nhập khẩu như một cách dựng hàng rào bảo vệ ô tô nội địa. Nhưng ở Việt Nam, đánh thuế tài sản với ô tô nhằm mục đích hạn chế người dân sử dụng ô tô nhập khẩu, giảm tắc đường hay làm gì khi ngành công nghiệp ô tô nước ta vẫn chưa có gì?
Tôi phân vân trước tiên mục đích đánh thuế tài sản ô tô là gì. Khi triết lý, mục tiêu đánh thuế tài sản cơ quan quản lý đưa ra chưa rõ ràng, việc bàn về vấn đề kỹ thuật là thuế suất thuế tài sản, ô tô trên 1,5 tỷ đồng chịu thuế tài sản đều vô nghĩa”.
TS. Nguyễn Minh Phong
Còn trước đó, trong khuôn khổ Tọa đàm: “Đề xuất của Bộ tài chính về sửa đổi các Luật thuế: Những vấn đề đặt ra từ các góc nhìn đa chiều” tổ chức sáng 9.5, theo TS Nguyễn Minh Phong, Bộ Tài chính đang gặp vấn đề vì cạn kiện nguồn thu do thuế nhập khẩu giảm, lúng túng vấn đề chống chuyển giá, áp lực cân đối ngân sách mỗi năm một tăng...
Từ đó, dẫn đến cách làm dễ thu, khó bỏ, chạm vào vấn đề an sinh xã hội, quyền lợi người dân, vi phạm vào chính quy định của thuế về phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Phương án đánh thuế tài sản nhà do Bộ Tài chính đề xuất
“Không thể có chuyện ngành thuế lựa chọn phương án đánh thuế tài sản nhà trên 700 triệu. Sau đó, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phải lên tiếng khẳng định không thể và không bao giờ có phương án như vậy được. Đây rõ ràng là một bất cập.
Một điều khác là câu chuyện liên tục tăng thuế đánh vào người dân, DN trong nước nhưng giảm thuế vô tội vạ cho DN nước ngoài, đặc biệt là DN FDI và quá nhiều ưu đãi thuế đối với đặc khu kinh tế.
Các anh cũng giải thích hùng hồn rằng tăng thuế không ảnh hưởng tới người dân trong khi tất cả các sắc thuế đều liên quan tới nhau và tác động tới yếu tố đầu vào - đầu ra của hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng.
Hiện nay, nợ đọng thuế lên đến 70.000 tỉ đồng. Thu thuế tài sản cao nhất chỉ khoảng hơn 30.000 tỉ đồng, bằng nửa số thuế nợ đọng, chưa tính trường hợp chuyển giá. Hãy tăng hiệu quả của ngành thuế, đặt mục tiêu chống thất thu hơn mục tiêu tăng thu; đừng để thu 10 đồng chi cho ngành 7 đồng, chưa kể tham nhũng, ăn chia sẽ tạo ra hiệu quả không cao” - ông Phong kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.