PGS.TS Trần Đình Thiên
Hội thảo: "Kịch bản bất động sản Việt Nam 2019 nhìn từ những xung lực mới" với bức tranh toàn cảnh thị trường bất động sản Việt Nam 2018 và dự báo các kịch bản cho thị trường trong năm 2019 đã thu hút sự tham gia thảo luận của đại diện các cơ quan quản lý Nhà nước, các chuyên gia kinh tế và bất động sản, cùng đại diện nhiều doanh nghiệp.
BĐS Việt Nam có lúc lên xuống, có lúc gây xúc động cho nhiều người
Phát biểu mở đầu hội thảo, PGS.TS Trần Đình Thiên, Thành viên Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng, cho biết năm 2018, kinh tế Việt Nam về tổng thể là tốt và ổn định.
Ông Trần Đình Thiên nhớ lại: “Cách đây hơn một năm, cũng tại đây, chúng ta từng dự báo có khả năng bùng nổ bong bóng bất động sản, nhưng cũng đi kèm với một nhận định là Việt Nam sẽ kiềm chế được bong bóng, vì kiểm soát vĩ mô tốt hơn. Và quả thật, năm vừa rồi chúng ta làm rất tốt.
Hôm qua, Thủ tướng đã đánh giá rất cao sự ổn định vĩ mô, có đóng góp lớn của bất động sản. Năm vừa rồi, thị trường bất động sản Việt Nam có thăng trầm, lên xuống, có lúc gây xúc động cho nhiều người”.
Ông Trần Kim Chung, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), cũng chia sẻ thị trường BĐS Việt Nam năm 2018 có thể tóm tắt qua các yếu tố sau: Thị trường phát triển ổn định, có sóng nhưng khá tốt; Có hai sản phẩm "hot" là nhà giao ngay và nhà giá thấp.
“Thị trường có thể chia làm ba giai đoạn. Từ đầu năm đến giữa tháng 5 là gần chạm bong bóng, nửa cuối tháng 5 đến nửa đầu tháng 9 là suy giảm không đóng băng. Còn giai đoạn từ đó đến nay là hồi phục và tìm các chiều hướng đi lên”, ông Trần Kim Chung tổng kết.
Bình luận về Nghĩ định 20/2017/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, TS. Võ Trí Thành cho biết: “Nghị định 20 giới hạn chi phí lãi vay hợp lệ chỉ ở mức 20% tổng lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh cộng với chi phí lãi vay, chi phí khấu hao trong kỳ của người nộp thuế. Với các giao dịch tài chính liên kết, chi phí lãi vay và khấu hao đều cao, doanh nghiệp phụ thuộc nhiều vào vốn vay.
Bộ Tài chính giải thích đây là thông lệ quốc tế, nên mình phải áp dụng, hạn chế rủi ro. Nghị định này ảnh hưởng đến các tập đoàn lớn, bao gồm cả doanh nghiệp BĐS và start-up. Hiện tại, cơ quan thuế đang chỉnh sửa lại theo tinh thần tạo thuận lợi hơn cho doanh nghiệp có vốn làm ăn. Sửa rồi sẽ ra sao tôi không dám nói nhưng có thể là nâng mức trần chi phí lãi vay lên 30 - 50% cho một khoảng thời gian, rồi giảm dần để doanh nghiệp xử lý các dư nợ quá khứ”.
Thị trường BĐS năm 2019 sẽ đan xen giữa thách thức và cơ hội
Dự báo cho năm 2019, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho rằng thị trường BĐS Việt Nam năm 2019 sẽ đan xen giữa thách thức và cơ hội.
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA
Ông Lê Hoàng Châu nói: “Do năm 2018, thị trường sụt giảm nguồn cung nên nó sẽ tiếp tục xảy ra trong năm 2019. Sự mất cân đối giữa cung cầu dẫn đến sự lệch pha sản phẩm trên thị trường giữa căn hộ bình dân, cao cấp và trung cấp, nên thị trường thiếu bền vững. Trong đó, sản phẩm nhà ở cao cấp vẫn chiếm tỷ lệ lớn nhất.
Phân khúc nhà ở xã hội năm vừa rồi chưa triển khai được, đang rất yếu do vướng mắc nguồn vốn chính sách. Quản lý tài sản công thiếu mảnh ghép cuối cùng, do đó, năm 2019 thị trường bất động sản tiếp tục có nhiều thách thức. Đối với phân khúc nhà ở cao cấp đang có hiện tượng thừa cung trên thị trường. Tỷ trọng nhà đầu tư trên thị trường thứ cấp và cao cấp chiếm tỷ lệ rất cao.
Đặc biệt, từ ngày 1.1.2019, NHTM chỉ được sử dụng 45% nguồn vốn huy động ngắn hạn để cho vay trung hạn, dài hạn, trong đó có bất động sản, do đó, các dự án bất động sản tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngày càng khó”.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.