Sống trên núi tiền
Công ty Cổ phần Kinh Đô (KDC) vừa công bố các nhà đầu tư chiến lược mua 40 triệu cổ phần của DN với định hướng tiền thu về sẽ tập trung đầu tư vào lĩnh vực thực phẩm, lĩnh vực khá gần với sản xuất bánh kẹo của mình.
Với giá phát hành 44.000 đồng/cp, Kinh Đô thu về hơn 1.700 tỷ đồng từ đợt chào bán này. Việc phát hành được đánh giá là khá dễ dàng trong bối cảnh lượng tiền nhàn rỗi nằm tại các NH và tại nhiều DN khá lớn.
Đáng chú ý, cả 5 NĐT chiến lược đều là những DN địa ốc trong nước như Tháp Láng Hạ (chủ đầu tư dự án 89 Láng Hạ, Hà Nội), CTCP Đồng Tâm, Công ty TNHH MTV Thương mại Đồng Tâm (công ty con của CTCP Đồng Tâm), Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản An Thịnh Lộc và CTCP Đầu tư Trường Phát.
Đánh giá về hiện tượng này, một số NĐT cho rằng, các đại gia có lẽ đã nản với tình cảnh thị trường BĐS đóng băng kéo dài trong vài năm qua và chưa khởi sắc trở lại như một số phản ánh gần đây, kể cả ở mảng giá nhà đất giá thấp.
Hướng vào lĩnh vực kinh doanh các sản phẩm thiết yếu có lẽ là hợp lý và sự vào cuộc nhanh chóng của các đại gia BĐS phần nào minh chứng cho lý giải này.
Với lượng tiền mặt tính tới cuối quý I/2014 của Kinh Đô lên tới gần 2.400 tỷ, cùng với tiền từ đợt phát hành, DN này sẽ có trong tay trên 4.000 tỷ đồng và có thể thực hiện những thương vụ M&A lớn. Tuy nhiên, con số 4.000 tỷ là một món tiền lớn và cho đến nay KDC vẫn chưa tiết lộ cụ thể sẽ làm gì.
Tập đoàn Bảo Việt (BVH) cũng vừa cho biết, DN này sắp chi cả nghìn tỷ đồng để trả cổ tức bằng tiền 15% (1.500 đồng/cp) cho năm tài chính 2013 và các cổ đông chỉ đợi ngày tiền chảy vào tài khoản.
Với vốn điều lệ hơn 6.800 tỷ đồng và tiền mặt tính tới cuối 2013 là 7.460 tỷ đồng, việc BVH bỏ ra hơn 1.000 tỷ đồng để chi trả cổ tức cũng dễ hiểu.
Nếu soi vào lịch sử có thể thấy với mức trả 15%/năm trong 2 năm nay, BVH có lẽ đã hào phóng hơn so với các năm trước đó. Trong các năm trước đó, BVH chỉ trả cổ tức ở mức khoảng 11-12% trong bối cảnh lãi suất NH cao hơn hiện tại rất nhiều.
Mức trả cổ tức 15% cho 2013 có lẽ là một niềm vui đối với các cổ đông của DN này bởi nó cao gấp khoảng 2 lần so với gửi NH.
Tìm sự bền vững
Sự tăng vọt của lượng tiền mặt và lợi nhuận khá ấn tượng của BVH trong năm vừa qua có lẽ là lý do chính khiến tập đoàn này quyết định tiếp tục giữ mức trả cổ tức bằng tiền ở mức tương đối cao như nói trên.
Điều này có lẽ cũng không ngạc nhiên bởi, theo một CTCK, thu nhập từ lãi tiền gửi NH đã và vẫn sẽ là kênh đầu tư lớn cho DN bảo hiểm. Các kênh đầu tư khác như trái phiếu, cổ phiếu hay BĐS... đều không thực sự hấp dẫn. Do vậy, quyết định trả cổ tức được đánh giá là hợp lý.
Lãi lớn trong năm vừa qua nhờ cao su tự nhiên xuống dốc, Công ty cổ phần Công nghiệp Cao su Miền Nam (Casumina - CSM) cũng ngay lập tức quyết định nâng mức cổ tức bằng tiền mặt trả cho cổ đông lên mức 23%, cao hơn so với mức 15% cho 2012 và 12% cho 2011.
Không những thế, Casumina cũng đã chủ trương rút khỏi các dự án BĐS, bỏ kinh doanh ngoài ngành để tập trung nguồn lực cho ngành sản xuất kinh doanh cốt lõi của mình Theo đó, CSM sẽ thoái vốn tại các dự án BĐS tại liên doanh Tân Thuận Việt; chuyển nhượng vốn tại Liên doanh sản xuất than đen...
Hồi cuối tháng 4, Công ty cổ phần sữa Việt Nam - Vinamilk (VNM) cũng đã quyết định nâng tỷ lệ cổ tức 2013 từ 34% lên 48%, với đợt trả thứ 3/2013 là 20%, tương đương gần 1.670 tỷ đồng.
Vinamilk cũng đã công bố thông tin về việc giải thể công ty con TNHH MTV Đầu tư Bất động sản quốc tế, một DN được đăng ký kinh doanh từ năm 2006 với ngành nghề kinh doanh, môi giới BĐS, cho thuê kho, bến bãi.
Rất nhiều DN khác trong vài tháng qua cũng đã tuyên bố dành nhiều hơn những đồng tiền lời của mình cho cổ đông hoặc/và tập trung cho các lĩnh vực cốt lõi, rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành như trường hợp Savico tập trung vào kinh doanh xe ô tô và dịch vụ kèm; PNJ về với vàng bạc đá quý; Đầu tư và Sản xuất Việt - Hàn (VHG) thoát khỏi BĐS...
Có thể thấy, trong khoảng 2 năm gần đây, trên thị trường có rất nhiều DN gặp khó khăn nhưng ở chiều ngược lại, cũng có nhiều DN vẫn trụ vững trên lĩnh vực sản xuất kinh doanh cốt lõi. Nhiều DN trong số đó có được lượng tiền mặt rất lớn như các đơn vị trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, dầu khí, bảo hiểm, phân bón, dược phẩm, cao su...
Việc các DN coi trọng quyền lợi của cổ đông hơn và tập trung chuyên sâu hơn vào lĩnh vực thế mạnh của mình là một chuyển biến đáng mừng trên thị trường. Sự chuyển hướng của một số DN trong các lĩnh vực đang gặp khó khăn như BĐS sang các lĩnh vực có tỷ suất sinh lời cao khác cũng là khó tránh khỏi. Nó cho thấy, các DN đang tự cơ cấu lại một cách mạnh mẽ, hướng tới một nền kinh tế hiệu quả hơn, có tính cạnh tranh hơn.
(Theo VietNamNet)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.