Vụ tài sản của bà Hồ Thị Kim Thoa: Làm rõ để rút kinh nghiệm chứ không phải "trùm chăn đánh"

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 17/02/2017 12:31 PM (GMT+7)
Ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, trao đổi với Dân Việt, các chuyên gia đều đánh giá rất cao sự quyết tâm của Đảng và đề xuất các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc làm rõ nguồn gốc tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa.
Bình luận 0

img

Các chuyên gia cho rằng, phải làm rõ nguồn gốc tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Tư lệnh Quân khu 4  cho biết, Chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng  là quyết tâm hết sức cao và thể hiện ý trí, tinh thần của Đảng, của Bộ Chính trị đánh bại cho được những đối tượng tham nhũng trong bộ máy của Nhà nước. Đặc biệt là ở những cơ quan có quyền lực cao, việc chống tham nhũng càng khó khăn nên cần phải có sự quyết tâm .

Qua tìm hiểu trên các thông tin truyền thông tôi được biết, Bộ Công Thương đã khẳng định tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đã kê khai đầy đủ rõ ràng. Tuy nhiên, theo tôi việc kê khai mới chỉ là một phần, nếu Đảng bộ có quyết tâm đẩy lùi tham nhũng thì khi kê khai rồi phải làm rõ việc bà Thoa lấy tài sản đó ở đâu ra. Lương bổng có được bao nhiêu, thu nhập khác từ nguồn nào mà có nhiều tài sản thế thì sẽ rõ ngay. Theo các phương tiện truyền thông nêu thì riêng cá nhân bà Thoa vẫn đang sở hữu 100 tỷ là một tài sản rất lớn.

img

Trung tướng Nguyễn Quốc Thước cho rằng, kê khai tài sản mà không thẩm tra, không thanh tra kết luận nguồn gốc ở đâu là còn thiếu sót

“Kê khai mà không thẩm tra, không thanh tra, kết luận nguồn gốc ở đâu là còn thiếu sót. Nếu nguồn gốc minh bạch thì hoan nghênh còn không minh bạch rõ ràng là có vấn đề uẩn khúc nên dư luận hoàn toàn có thể đặt những nghi vấn. Việc Tổng Bí thư có hành động quyết liệt thì các cơ quan khác cũng phải quyết tâm vào cuộc để làm rõ ràng, minh bạch, từ đó giúp cho bộ máy của Đảng và Nhà nước cũng ngày càng trong sạch và tạo lòng tin cho người dân”, ông Thước nói.

Cũng theo ông Thước, nếu chỉ làm lãnh đạo thì bà Hồ Thị Kim Thoa làm sao có số tiền lớn như vậy? Ngoài ra, việc bà Thoa khi làm Thứ trưởng mà vẫn quản lý cả doanh nghiệp có người nhà làm ở doanh nghiệp đó và có cổ phần lớn trong doanh nghiệp đó thì cần phải xem lại quy định của luật pháp. “Tôi thấy ở bên Mỹ, khi ông Trump tham gia tranh cử Tổng thống thì cũng tuyên bố không tham gia gì vào cổ phần ở doanh nghiệp nữa. Có như vậy thì mới làm tốt được lĩnh vực quản lý và cống hiến cho đất nước.

img

Ông Vũ Quốc Hùng cho biết, kết quả giàu là có phải từ lao động sáng tạo, cần kiệm liêm chính không thì đáng biểu dương. Còn nếu không phải giàu do cần kiệm liêm chính và từ lao động sáng tạo thì cần phải xem xét

Cùng chung quan điểm trên, ông Vũ Quốc Hùng – nguyên Phó Chủ nhiệm UBKT T.Ư cho biết: Chỉ đạo của Tổng Bí thư là việc làm rất thiết thực, qua đó cho thấy sẽ dần dần hình thành nếp làm việc mới, dân chủ, công khai, minh bạch. Việc dân chủ, công khai, minh bạch như là “bảo mối” làm cho xã hội ngày càng trong sạch. Tổng Bí thư còn là Trưởng ban chỉ đạo phòng chống tham nhũng, là người đứng đầu đã trực tiếp có chỉ đạo, chứng tỏ có tín hiệu mới, người cao nhất đại diện cho một tập thể đã quyết tâm chỉ đạo và vụ việc cụ thể có dấu hiệu tham nhũng.  Bởi trước đây, thường chỉ là thông báo của Bộ Chính trị hoặc Ban Bí thư và thường là đồng chí Thường trực Ban Bí thư ký các quyết định hoặc chỉ đạo nhưng lần này là trực tiếp Tổng Bí thư chỉ đạo, cho thấy ngày càng đề cao trách nhiệm của người đứng đầu.  

“Trước đây, khi tôi còn công tác thì chưa có những hiện tượng lãnh đạo nào như trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa xảy ra. Khi tôi còn làm quản lý, thường các Đảng viên đều xuất thân từ những người nghèo. Còn vụ việc của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa là xuất hiện trong thời kỳ đổi mới. Do hiện tượng xảy ra trong quá trình đổi mới nên cần phải bình tĩnh xem bản chất sự việc như thế nào. Kết quả giàu là có phải từ lao động sáng tạo, cần kiệm liêm chính không thì đáng biểu dương. Còn nếu không phải giàu do cần kiệm liêm chính và từ lao động sáng tạo thì cần phải xem xét”, ông Hùng nói.

Cũng theo ông Hùng, trong thời kỳ đổi mới, việc cổ phần hóa được đặt ra, tài sản của nhà nước bán, khoán, cho thuê… chắc chắn sẽ khó tránh khói có những người lợi dụng làm giàu cho bản thân. “Chống tham nhũng là rất khó nên báo chí cũng là cơ quan rất quang trọng, không chỉ vào cuộc mà phải luôn phát huy là cơ quan phát hiện để sau đó các cơ quan chức năng khác tiếp tục vào cuộc. Sự việc của bà Thoa, Tổng Bí thư đã chỉ đạo, các thành phần được chỉ định phải phối hợp với nhau xem xét một cách hết sức bình tĩnh, không vội vàng, hấp tấp, vũ đoán nhưng phải khẩn trương để giải quyết. Với tinh thần khách quan, khoa học, công bằng và từ đó rút ra bài học về quản lý, lãnh đạo trong quá trình cổ phần hóa của thời kỳ đổi mới”, ông Hùng nhấn mạnh.  

Ông Hùng cũng cho rằng, qua việc này, vấn đề không phải là xúm vào “trùm chăn đánh” bà Thoa mà phải coi là bài học rút kinh nghiệm trong quá trình đổi mới, trong tổ chức thực hiện. “Lòng tham của con người nó vô biên và đang dạng lắm. Vấn đề là phải xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật, hành lang pháp lý để con người không thể, không dám và không muốn vi phạm pháp luật được nữa. Phải xem lại quá trình cổ phần hóa như thế nào, pháp luật có cho phép gia đình chiếm giữ phần quan trọng của cổ phần doanh nghiệp khi tiến hành cổ phần hóa hay không? Có cho phép lãnh đạo vẫn có tài sản lớn ở doanh nghiệp hay không…cũng cần được nghiên cứu lại để hoàn thiện”, ông Hùng cho biết.

Trước đó, Văn phòng Trung ương Đảng vừa có công văn thông báo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng về các bài báo liên quan đến bà Hồ Thị Kim Thoa, Thứ trưởng Bộ Công Thương. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu Uỷ ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự Đảng các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Công Thương, Thanh tra Chính phủ khẩn trương kiểm tra, thanh tra, xem xét, kết luận những nội dung mà các bài báo đã nêu và những vấn đề khác có liên quan, sớm báo cáo kết quả với Ban Bí thư.

Tổng Bí thư cũng yêu cầu Ban cán sự Đảng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chức năng nghiên cứu, rà soát các quy định của pháp luật có liên quan để sớm sửa đổi hoặc kiến nghị việc sửa đổi, bổ sung nhằm hoàn thiện các quy định, khắc phục những hạn chế trong công tác quản lý; lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành phòng, chống thất thoát tài sản của Nhà nước, ngăn ngừa tiêu cực, tham nhũng, lợi ích nhóm trong quá trình thực hiện cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước.

Ngay sau khi có chỉ đạo của Tổng Bí thư, Bộ Công Thương cũng đã có thông tin gửi các cơ quan báo chí nêu rõ: Về việc thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư liên quan tới việc làm rõ thông tin về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, Bộ Công Thương đã nhận được văn bản ngày 16.2. của Văn phòng Trung ương Đảng truyền đạt ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư về việc làm rõ thông tin báo nêu về tài sản của Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa. Ban cán sự đảng Bộ Công Thương sẽ phối hợp chặt chẽ với Ủy ban Kiểm tra Trung ương và các cơ quan hữu quan để thực hiện đầy đủ, nghiêm túc và kịp thời ý kiến chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem