Báo cáo thường niên của nhà đấu giá Christie’s cho thấy các khách hàng châu Á đang chi nhiều hơn cho các tác phẩm nghệ thuật phương Tây, đặc biệt là dòng tranh cao cấp của các nghệ sĩ nổi tiếng.
Rebecca Wei, chủ tịch của Christie’s châu Á, cho biết một nhà sưu tập Hong Kong đã chi 81,3 triệu USD cho bức tranh Laboureur dans un Champ (1889) của Vincent van Gogh vào tháng 11 năm ngoái. Đây là mức giá cao thứ 2 cho tác phẩm của bậc thầy hội họa người Hà Lan.
Nhà sưu tầm nghệ thuật và doanh nhân Trung Quốc Zhang Rui. Ảnh: China Daily.
“Ngoài các tác phẩm phương Tây như Van Gogh, chúng tôi cũng nhận thấy kỷ lục đấu giá cho Zao Wou-Ki (họa sĩ người Pháp gốc Hoa) đã bị phá vỡ 2 lần trong năm ngoái”, Wei nói với South China Morning Post.
“Tôi cho rằng những người giàu đang ngày càng giàu hơn. Chúng tôi nhận thấy nhiều khách hàng mới từ Trung Quốc đại lục bỏ qua phiên đấu giá buổi sáng và chọn các kiệt tác từ phiên đấu giá buổi tối ngay trong những lần mua hàng đầu tiên của họ”, Wei cho biết.
Đặt cược lớn ngay từ đầu
Wei đại diện cho khách hàng Hong Kong, người mua bức họa Van Gogh qua điện thoại, trong cuộc đấu giá Nghệ thuật Ấn tượng và Hiện đại của Christie’s tại New York. Theo The Art Newspaper và Artnet.com, khách hàng này dường như cũng mua các bức tranh khác của các nghệ sĩ phương Tây trong buổi đấu giá.
Năm trước, một khách hàng châu Á khác đã mang về một trong các bức tranh Haystack của Claude Monet với giá 81,4 triệu USD. Wei cho biết cô nhận thấy ngày càng nhiều nhà sưu tập mới đặt cược lớn ngay từ đầu.
“Có một số khách hàng mới không thèm ngó qua các tác phẩm giá 1 triệu USD. Họ chỉ tới để kiếm các món hàng cao cấp nhất có giá từ 10 triệu USD trở lên. Tất cả đều là các doanh nhân Trung Quốc thành đạt tuổi từ 40 đến 60. Điều này nghĩa là Trung Quốc vẫn là động lực tăng trưởng chính, không có khách hàng lớn nào nổi lên từ Đông Nam Á”, Wei nói.
Năm nay, Christie’s đã mở thêm phiên bán hàng giới hạn tại Bắc Kinh để thu hút các khách hàng địa phương. Tuy nhiên, doanh số bán hàng tại Trung Quốc đại lục của họ sẽ tiếp tục bị giới hạn ở phạm vi nhỏ lẻ.
“Chúng tôi tạo điều kiện đơn giản và dễ dàng hơn cho các khách hàng đại lục bằng hình thức ký gửi hàng hóa và báo giá bằng đồng nhân dân tệ. Mặc dù vậy, chúng tôi vẫn chưa thể cung cấp bất cứ món hàng nào từ trước năm 1949 hay tác phẩm của các nghệ sĩ đương đại bị cấm xuất cảnh, bao gồm các bức họa của Ngô Quán Trung”, Wei cho biết.
Tác phẩm Salvator Mundi của Leonardo da Vinci được trưng bày tại nhà đấu giá Christie's tháng 10/2017. Ảnh: SCMP.
Theo Wei, ít nhất một nhà sưu tập châu Á đã tham gia đấu giá bức họa Salvator Mundi của Leonardo da Vinci vào tháng 11 năm ngoái. Bức tranh cuối cùng đã được bán cho người mua ở Trung Đông với giá 450,3 triệu USD, cao hơn bất kỳ tác phẩm nghệ thuật nào từng được bán đấu giá.
Các khách hàng châu Á cũng rất tích cực trong phiên đấu giá Bộ sưu tập Bảo tàng Fujita tại New York hồi tháng 3 năm ngoái với kỷ lục 262,8 triệu USD.
Lo ngại tranh giả
Chỉ 48% chi tiêu từ các khách hàng châu Á trên toàn cầu của Christie’s là cho nghệ thuật châu Á, một dấu hiệu cho thấy thị hiếu đa dạng của họ. Tuy nhiên, các nhà sưu tập và môi giới cho rằng điều này có thể cũng phản ánh mối lo ngại ngày càng lớn về hàng giả trong thị trường nghệ thuật Trung Quốc.
Tháng trước, cảnh sát Trung Quốc đã tiến hành một số vụ bắt giữ liên quan tới việc bán đấu giá các tác phẩm giả mạo tranh của các họa sĩ Trung Quốc nổi tiếng. Một số thành viên cao cấp của các nhà đấu giá được cho là đã bị thẩm vấn.
Christie’s cũng chịu cú sốc lớn khi người đứng đầu bộ phận an ninh tại châu Á, Jerry Chun Shing-lee, bị bắt giữ tại Mỹ vì bị tình nghi làm gián điệp cho Trung Quốc.
Chun, gương mặt quen thuộc tại các cuộc đấu giá của Christie’s ở Hong Kong, bị bắt vào ngày 15/1 khi bước xuống máy bay tại sân bay JFK ở New York. Christie's cho biết Chun được công ty cử đi tham dự "một cuộc họp lập kế hoạch nhóm" và vị trí của ông vẫn bị đình chỉ sau vụ bắt giữ.
Tuy sở hữu khối tài sản kếch xù nhưng nhiều tỷ phú, ngôi sao vẫn giữ thói quen chi tiêu tiết kiệm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.