Yêu cầu làm rõ về dự án bến xe tạm Yên Sở trị giá 5 triệu USD

Phi Long Thứ tư, ngày 01/08/2018 18:23 PM (GMT+7)
Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản tới UBND TP. Hà Nội đề nghị làm rõ phản ánh của Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững đối với Dự án xây dựng bến xe Yên Sở.
Bình luận 0

Đưa bến xe vào đúng điểm ùn tắc giao thông

Cụ thể, Văn phòng Chính phủ cho biết, đã nhận được văn bản của Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững về việc khẩn cấp xem xét vấn đề thực hiện Quyết định 519 ngày 31.6.2016 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô Hà Nội đến 2030 tầm nhìn đến 2050 liên quan đến xây dựng bến xe Yên Sở, Hoàng Mai, Hà Nội. Do đó, theo quy chế làm việc của Chính phủ, kèm theo Nghị định số 38 ngày 1.10.2016 của Chính phủ, Văn phòng Chính phủ xin chuyển văn bản nêu trên đến UBND TP. Hà Nội để xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.

img

Văn phòng Chính phủ đề nghị TP. Hà Nội làm rõ phản ánh dự án bến xe Yên Sở trị giá 5 triệu USD (Ảnh: PL)

Trước đó ông Đặng Đình Bách – Giám đốc Trung tâm nghiên cứu pháp luật và chính sách phát triển bền vững còn có đơn gửi Bộ trưởng Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng kiến nghị xem xét tới những ý kiến của người dân sống xung quanh Dự án xây dựng Bến xe Yên Sở.

Trung tâm này cho rằng, việc thực hiện quy hoạch dự án bến xe Yên Sở theo quyết định này của Chính phủ hiện chưa phù hợp với quy hoạch phát triển bền vững; đồng thời dự án này đã, đang và sẽ gây ra những tác động tiêu cực tới xã hội và môi trường, đặc biệt là tới cộng đồng dân cư khu vực xung quanh bến xe Yên Sở bởi:

Quy hoạch bến xe Yên Sở không phù hợp với mục tiêu xây dựng hệ thống giao thông vận tải hoàn thiện đáp ứng được các tiêu chí: Bền vững, đồng bộ, hiện đại trên cơ sở định hướng của Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050 (yêu cầu tại phần III.Mục tiêu quy hoạch, Quyết định 519). Bởi theo quyết định quy hoạch này, bến xe Yên Sở sẽ nằm trên trục đường vành đai 3, trái với nguyên tắc bố trí các bến xe khách liên tỉnh tập trung chính tại khu vực vành đai 4 đã được quy định tại Khoản 2, Điều 1, Quyết định 395/QĐ - UBND ngày 26.1.2015  về việc Phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn thành phố Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

Thậm chí, dự án còn cản trở xu hướng từng bước thay thế toàn bộ các bến xe khách hiện có đang khai thác, sử dụng trong vành đai 3 hiện nay ra khu vực vành đai 4 theo Tờ trình 246/TTr – SGTVT ngày 18.4.2017 của Sở GTVT TP. Hà Nội gửi UBND TP. Hà Nội và Sở QHKT TP. Hà Nội về việc thẩm định, phê duyệt đồ án Quy hoạch bến xe, bãi đỗ xe, trung tâm tiếp vận và trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP. Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050.

img

Nhiều người dân ở tòa nhà HATECO ngay cạnh dự án Bến xe Yên Sở căng băng rôn phản đối dự án (Ảnh: PL)

Mặt khác, thời hạn của dự án được quy định trong khoảng thời gian trung hạn có sự bất hợp lý. Thống kê chi phí sơ bộ cho dự án này, trước hết là nguồn vốn giải phóng mặt bằng tại khu vực nội đô đã là một con số không nhỏ, bên cạnh đó tổng mức đầu tư của dự án dự tính còn lên tới 118 tỷ đồng, nếu chỉ phục vụ trong thời hạn khoảng từ 5-10 năm (trung hạn) gây ra một sự lãng phí vô cùng với nguồn lực và ngân sách của Nhà nước cũng như cả xã hội.

“Tác động không khó để có thể nhận thấy chính là sự gia tăng áp lực lên hạ tầng giao thông khu vực vành đai 3 - đường vành đai này vốn đã có mật độ giao thông cao, nay lại thêm một bến xe khách (có nghĩa là 03 bến xe khách liên tỉnh liền kề nhau: Giáp Bát - Nước Ngầm - Yên Sở cùng hoạt động) với thêm 400 - 500 lượt xe khách mỗi ngày, thì viễn cảnh ùn tắc nghiêm trọng và liên tục tại đây là điều chắc chắn xảy ra”, ông Đặng Đình Bách cho biết.

Nghiên cứu của Trung tâm này cũng cho rằng, dự án bến xe Yên Sở trị giá khoảng 5 triệu USD đã vô hiệu hóa các hạng mục của khu công viên cây xanh phía Nam đường vành đai 3 thuộc dự án Công viên Yên Sở tại các phường Hoàng Liệt, Yên Sở, Thịnh Liệt (quận Hoàng Mai) đã được quy hoạch và đưa vào khai thác với tổng mức đầu tư 850 triệu USD.

Sở GTVT Hà Nội nói gì?

Ghi nhận của phóng viên Dân Việt cho thấy, hiện khu vực bến xe Yên Sở đã được quây kín xung quanh bằng tôn, bên trong tiến hành san lấp mặt bằng và đưa máy khoan vào hoạt động mặc cho người dân xung quanh dự án này căng băng rôn, khẩu hiệu phản đối.

Anh N. V. B ở tòa nhà chung cư HATECO ngay sát Dự án Bến xe Yên Sở chia sẻ: “Nhiều năm nay, cửa ngõ phía Nam Hà Nội luôn là tâm điểm của hiện tượng ùn tắc giao thông nên không chỉ cá nhân tôi mà rất nhiều hộ dân sống ở khu vực này đều ngỡ ngàng khi biết có dự án xây dựng Bến xe Yên Sở vào đúng khu vực hay tắc nghẽn giao thông. Trước đây, hàng trăm hộ dân ở khu chung cư HATECO và nhiều người dân xung quanh khu vực này được hưởng không khí mát mẻ từ hồ điều hòa nhưng nay thì Dự án xây dựng bến xe đã và đang cho san lấp luôn cả một cái hồ”, anh B cho biết.

 .img

 Dự án Bến xe Yên Sở đang tiếp tục được thi công bất chấp phản đối của dư luận (Ảnh: PL)

Trao đổi với Dân Việt về vụ việc này, ông Vũ Văn Viện – Giám đốc Sở GTVT cho biết: Việc chủ đầu tư tiến hành thi công giải phóng mặt bằng dự án bến xe Yên Sở không vi phạm quy định gì vì dự án đã được phê duyệt. Ông Viện cũng cho biết, Quy hoạch bến xe đang chờ HDND TP.Hà Nội thông qua vào kỳ họp cuối năm. Riêng dự án bến xe Yên Sở đã hoàn thành thủ tục đầu tư được UBND. TP Hà Nội phê duyệt.

Trước đó, trả lời báo chí, ông Viện cũng cho rằng, việc TP. Hà Nội cho phép làm bến xe tạm Yên Sở là theo quy hoạch đã được duyệt, có nhà đầu tư quan tâm. Cùng đó, hiện nút giao Pháp Vân – Vành đai 3 – Giải Phóng đang rất ùn tắc, do lượng xe khách từ các tỉnh phía Nam dồn về bến xe Giáp Bát và Nước Ngầm rất lớn. Do đó, khi có bến xe Cổ Bi (Gia Lâm) và bến xe Yên Sở, sẽ chuyển toàn bộ xe khách liên tỉnh hoạt động tại bến xe Giáp Bát ra 2 bến mới này. Trong đó, những tuyến xe khách kết nối Hà Nội với các tỉnh phía Bắc sẽ chuyển về bến xe Cổ Bi; những xe khách Hà Nội đi các tỉnh phía Nam sẽ tạm thời về bến xe Yên Sở. Bến Giáp Bát sẽ chuyển thành bãi đỗ xe và bến trung chuyển vận tải hành khách công cộng.

Trước đó, bến xe tạm Pháp Vân cũng được đề xuất xây dựng, nhưng đã phải dừng lại vì không hợp lý, nguy cơ thêm ùn tắc giao thông. Mới đây, Hà Nội cũng chuyển Bến xe Lương Yên vì nằm trong nội đô. Theo Quy hoạch bến xe Hà Nội tới năm 2030, tầm nhìn tới năm 2050, thành phố đã xác định chuyển các bến xe hiện có ra khu vực vành đai 4.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem